Thứ sáu, 03/01/2014

TIN TỨC / VIỆT NAM

VN điều tra nghi án một học sinh ở Khánh Hòa bị công an đánh chết

Ông Gerald Staberock, Tổng thư ký của Tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn nói, 'Chúng tôi kêu gọi một cách đáp ứng khác tích cực từ chính phủ Việt Nam đối với các vấn đề nhân quyền đáng báo động bị quốc tế lưu ý, trong đó có tình trạng tra tấn và bạc đãi tù nhân'
Ông Gerald Staberock, Tổng thư ký của Tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn nói, 'Chúng tôi kêu gọi một cách đáp ứng khác tích cực từ chính phủ Việt Nam đối với các vấn đề nhân quyền đáng báo động bị quốc tế lưu ý, trong đó có tình trạng tra tấn và bạc đãi tù nhân'
CỠ CHỮ 
Những gì chúng ta được biết đáng báo động, nhưng những gì chúng ta chưa được biết hết có lẽ còn đáng báo động hơn. Để chống tra tấn, chúng ta cần có một hệ thống giam giữ minh bạch nhưng Việt Nam thì gần như không hề minh bạch trong lĩnh vực này.
Hai công an xã bị đình chỉ công tác vì bị cáo buộc đánh chết một em học sinh lớp 9 trong lúc giam giữ nạn nhân tại đồn để thẩm tra.

Báo chí trong nước dẫn lời Thượng tá Hồ Sơn, Trưởng Công an huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cho biết hai công an tên Tâm và Phát ở xã Vạn Long bị tố cáo là đã tra tấn em Tu Ngọc Thạch, 14 tuổi, đến chết sau khi đưa em về đồn làm việc.

Ba giờ chiều hôm 29/12 Thạch có xảy ra xích mích, ẩu đả với một nhóm bạn trước khi bị công an xã Vạn Long bắt về đồn. Đến 7 giờ tối cùng ngày, Thạch được gia đình bảo lãnh sau các cú điện thoại từ trụ sở công an hối thúc người nhà lên đón em về.

Chỉ vài giờ sau khi rời đồn công an, nạn nhân phải nhập viện cấp cứu vì tình trạng sức khỏe nguy kịch và tử vong vào ngày 31/12 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Cái chết của Thạch đã khiến hàng ngàn người dân địa phương phong tỏa quốc lộ 1A đoạn qua huyện Vạn Ninh trong nhiều giờ đồng hồ hôm 31/12 để bày tỏ sự bất bình.

Người dân tụ tập tại Ủy ban xã, chặn xe, đòi đưa xác Thạch đến trụ sở xã để làm rõ vụ việc. Công an Khánh Hòa đã điều động hàng trăm cảnh sát đến giải tán đám đông.

Đây là cáo giác mới nhất về nạn bạo hành trong ngành công an Việt Nam dẫn tới nhiều trường hợp tử vong oan khuất, một vết đen trong thành tích nhân quyền của Việt Nam lâu nay.

Giới bảo vệ nhân quyền quốc tế kêu gọi Việt Nam, giờ đây trong tư cách tân thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, phải có các bước chứng tỏ cải thiện nhân quyền mà cụ thể nhất là chấm dứt nạn tra tấn, bạo hành của công an.
Bấm vào để nghe bài tường thuật
Hà Nội hôm 7/11 vừa qua đã ký tên tham gia Công ước Liên hiệp quốc về Chống tra tấn-nhục hình.

Tổng Thư ký Tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn OMCT nói đã đến lúc Việt Nam phải chứng minh với cộng đồng quốc tế trách nhiệm bảo vệ nhân quyền bằng hành động cụ thể, chứ không phải là những sự ký kết hay những lời tuyên bố suông.

Tổng Thư ký OMCT, ông Gerald Staberock nói:

Điều đáng nói ở đây là chúng ta cần một sự cam kết thực sự từ chính phủ Hà Nội, cho phép giới bảo vệ nhân quyền được hoạt động và có biện pháp cụ thể bài trừ tra tấn. Lúc đó mới có thể thấy được một sự thay đổi thật sự chứ không phải chỉ là những lời hoa mỹ khi ký kết Công ước. Việc mà Việt Nam cần làm để chứng tỏ thiện chí và nhiệt tâm chống tra tấn là cho phép các báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc trong lĩnh vực chống tra tấn đến Việt Nam quan sát. Các chuyên gia độc lập này trước nay từng yêu cầu được đến mục kích sở thị tại Việt Nam để giúp đưa ra các đánh giá xem cần phải có những thay đổi thế nào, nhưng yêu cầu của họ chưa được Hà Nội đáp ứng. Những gì chúng ta được biết đáng báo động, nhưng những gì chúng ta chưa được biết hết có lẽ còn đáng báo động hơn. Để chống tra tấn, chúng ta cần có một hệ thống giam giữ minh bạch nhưng Việt Nam thì gần như không hề minh bạch trong lĩnh vực này. Các nước giữ kín những chuyện này cho thấy họ có gì đó để che giấu. Chúng tôi kêu gọi một cách đáp ứng khác tích cực từ chính phủ Việt Nam đối với các vấn đề nhân quyền đáng báo động bị quốc tế lưu ý, trong đó có tình trạng tra tấn và bạc đãi tù nhân.”

Từ cuối năm 2010, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch đã lên tiếng báo động về tình trạng bạo hành của công an Việt Nam với các vụ bị đánh chết trong khi bị công an câu lưu thẩm vấn, bị thiệt mạng không lâu sau khi được công an thả về, và thậm chí còn có những trường hợp tử vong ngay nơi công cộng dưới võ lực của công an.

Hơn 3 năm kể từ đó tới nay, tệ trạng này không những không cải thiện mà còn có chiều hướng gia tăng, với số ca bị công an hành hung được công khai - chủ yếu qua các phương tiện truyền thông xã hội - ngày một phổ biến.

Thực tế này khiến nhiều người hoài nghi về nhiệm vụ chính của công an Việt Nam liệu có phải là bảo vệ luật pháp, bảo vệ an ninh cho nhân dân hay không, trong khi chính phủ đang tăng cường sử dụng chính sách ‘công an trị’ như hiện nay.