TLS Mỹ theo sát vụ huyện Đăk Tô lên kế hoạch xóa sổ 22 nhà nguyện
VRNs (27.03.2015) – Kontum – Một nguồn tin chắc chắn từ Sài Gòn cho biết Viên chức chính trị của Tổng lãnh sự (TLS) Hoa Kỳ đang quan tâm và theo dõi sát vụ huyện Đăk Tô lên kế hoạch xóa sổ 22 nhà nguyện.Việc theo dõi bằng phương pháp nào và vì mục đích gì chưa được tiết lộ.
Như VRNs đã đưa tin, ngày 30.01.2015, ông Cao Trung Tin, chủ tịch UBND huyện Đăk Tô đã ký văn bản số 03/KH-UBND mang tựa đề Kế hoạch tuyên truyền, vận động, xử lý các công trình sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật trên địa bàn huyện Đăk Tô.
Trái pháp luật do luật không đáp ứng nhu cầu tôn giáo của công dân
Lấy lý do 22 nhà nguyện xây dựng trái pháp luật để tuyên truyền hầu che giấu sự thật là huyện Đăk Tô muốn giảm thiểu tối đa các hoạt động tôn giáo trong huyện, hầu các quan chức được đánh giá cao, và có thể được cơ cấu lãnh đạo lại hay ở cấp cao hơn trong dịp đại hội đảng CSVN tại huyện Đăk Tô và tỉnh Kontum sẽ diễn ra trong năm 2015 này.
Bản chất sự việc được Đức cha Micael Hoàng Đức Oanh, giám mục chánh tòa Kontum cho biết:
“Ở Việt Nam mỗi làng đều có đình, có miếu mạo. Ở vùng cao, buôn làng nào cũng có nhà rông, còn làng có đạo thì có nơi thờ tự. Tại Đăktô trước 1975, các làng có đạo đều có nhà thờ, nhà nguyện. Những nơi thờ tự này, chiến tranh đã tàn phá hết, trừ thị xã Kontum. Sau 1975, các buôn làng có đạo không có sinh hoạt tôn giáo bình thường suốt 30 năm (1975 – 2005), vì các linh mục không được phép đến phục vụ. Giáo dân phải đi bộ cả 100 cây số về nhà thờ Chánh Tòa dự lễ hoặc nhận các Bí tích. Mỗi dịp lễ Giáng Sinh và Phục Sinh, cả 15, 20 ngàn tín đồ nằm la liệt cả tuần ở sân Tòa Giám Mục và Nhà Thờ Gỗ. Từ năm 2005, chính quyền bắt đầu cởi mở chấp nhận cho gởi linh mục tới vài vùng tiêu biểu. Cụ thể tới nay cả 4 huyện Đăktô, Tumơrông, Ngọc Hồi và Đăk Glei (diện tích 3.682,84 Km2, giáo dân 52.132 trong số 142.426 dân) cũng chỉ mới có phép xây 2 nhà thờ “chính danh” Đăk Mót và Kon Hring. Vì thế, trước nhu cầu tôn giáo quá lớn, xin phép nhiều lần không được đáp ứng, thì giáo dân chẳng còn cách nào hơn là “làm chui”! Thực tế cũng có “phép ngầm” của quý cán bộ địa phương đấy!”
Thật không thể tưởng tượng nỗi một nhà nước do dân và vì dân mà lại phải để dân phải đi lễ xa cả 100 cây số. Không thể ngờ hơn 1/3 dân số của 4 huyện là giáo dân, mà chỉ được phép xây dựng hai (2) nhà thờ. Mỗi nhà thờ có sức chứa tối đa 2000 người.
Hầu hết các quan chức khi bị chất vấn tại sao lại để tình trạng ấy diễn ra thì đều được nhận câu trả lời rằng tại vì tôn giáo và tín đồ không xin phép. Nhưng khi xin phép không được các tôn giáo hỏi tại sao không cấp phép, thì lại được trả lời không đúng thủ tục hoặc chưa có chủ trương và quy hoạch cho xây dựng nhà thờ.
Tình trạng nhu cầu tôn giáo không được đáp ứng tối thiểu đôi với các giáo dân Công giáo thuộc các sắc tộc thiểu số ở giáo phận Kontum là mỗi tuần được đi lễ Chúa nhật một lần, chết được linh mục đến dâng lễ cầu hồn, ốm đau bệnh tật được lãnh nhận các bí tích … Lỗi này ở các quốc gia khác thường do không đủ linh mục, nhưng ở Kontum lại do nhà cầm quyền hạn chế sinh hoạt tôn giáo, không cấp phép xây nhà thờ, không cho linh mục tự do chăm sóc mục vụ, các nhà nguyện tận dụng không gian sinh sống của nhà dân bị lập biên bản, đóng phạt, bị lên án trước cộng đồng là vi phạm pháp luật.
Trái pháp luật do cán bộ cố tình phân biệt đối xử
Theo ông Cao Trung Tin, chủ tịch UBND huyện Đăk Tô, những nhà nguyện vi phạm pháp luật mà văn thư của ông nhắm tới là những căn hộ của công dân đã dùng một phần diện tích nhà ở của riêng mình vào việc thờ phượng chung, hoặc làm thêm một mái che như cái trái bên cạnh nhà để dùng vào việc thờ phượng.
Đây là bằng chứng bất công và cố tình phân biệt đối xử với những người có tôn giáo. Vì trong huyện của ông có nhiều nhà dùng diện tích nhà ở của họ cho thuê để ở hoặc cho thuê để buôn bán, làm quán nhậu … Họ cũng làm những cái trái ra để nuôi súc vật, để kinh doanh, nhưng tất cả những gia chủ đó không bị gọi là vi phạm pháp luật.
Cùng hai đối tượng dành một phần nhà ở của mình để dung vào việc khác, nhưng một bên thì được để yên, một bên bị kết án là vi phạm pháp luật. Bên tổ chức quán nhậu tạo ra ồn ào mất trật tự và làm cho người dân tộc lụn bại trong rượu chè thì được cho tồn tại mặc nhiên là không vi phạm pháp luật. Còn bên kia làm việc công ích, xây dựng luân thường đạo lý, và nhất là không gây ra mất trật tự, mà lại còn góp phần đào tạo cho xã hội có thêm nhiều công dân tốt thì lại bị xem là vi phạm pháp luật.
Chính quyền của một huyện lại coi việc làm tốt là vi phạm pháp luật còn những việc khác không phải của tôn giáo cũng có chung tình trạng sử dụng diện tích nhà ở là không vi phạm pháp luật thì đó có còn là chính quyền nữa hay không?
UBND huyện Đăk Tô tọa lạc tại 217 Lê Duẩn, thị trấn Đăk Tô, điện thoại: 060.3831.209 Fax: 060.3831.209 Email: dakto@kontum.gov.vn Website: huyendakto.kontum.gov.vn. Quý vị có thể gọi điện thoại, liên lạc để chất vấn.
Ông Cao Trung Tin, chủ tịch UBND huyện Đăk Tô tỏ ra thù hằn với tôn giáo, nên chỉ đạo: “Không để xảy ra tiếp tình trạng các hộ dân xây dựng công trình riêng biệt nằm bên cạnh công trình nhà ở hoặc tự ý cơi nới nhà ở để sử dụng vào mục đích tôn giáo”.
Ông Tin dùng uy quyền của mình huy động toàn huyện Đăk Tô tham gia chiến dịch triệt hạ các nhà nguyện này bao gồm Cấp ủy đảng, UBND, các ngành, các đoàn thể. Ông còn chỉ định Phòng tư pháp, Phòng tài nguyên môi trường, Phòng kinh tế và hạ tầng trực tiếp hướng dẫn.
Nếu những việc xấu như trôm cắp mỗi ngày một gia tăng, tình trạng công chức càng ngày càng kém chất lượng phục vụ mà ông Chủ tịch huyện Đăk Tô dồn toàn tâm toàn ý được như chiến dịch triệt hạ 22 nhà nguyện này thì các công dân đỡ khổ biết mấy, xã hội bình an hơn biết chừng nào.
Việc công dân sử dụng nhà cửa là tài sản riêng của mình mà không gây tổn hại gì cho xã hội sao lại gọi là vi phạm pháp luật?
Vẫn một đường lối nhất quán là loại trừ tôn giáo trước sau như một của Nước CHXHCNVN.
Trái pháp luật, nhưng không trái Hiến pháp
“1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Trước tiên phải nhắc lại một điều căn bản về luật pháp đó là Hiến pháp là bộ luật cao nhất, không một bộ luật hay luật nào được quyền nói sai, nói thiếu về Hiến pháp. Kế tiếp, ở chương II của Hiến pháp bàn về Quyền con người, thì hầu các quyền tự do ngôn luận, lập hội, cư trú, đi lại, bí mật riêng tư … đều có câu cuối nhấn mạnh việc thực hành các quyền đó “do pháp luật quy định”, nhưng riêng ở điều 24 về quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng không có câu “do pháp luật quy định”.
Từ đó có thể hiểu, đối với các quyền con người kia thì còn có luật pháp quy định, nhưng riêng quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng thì chỉ một mình Hiến pháp là đủ, có quyền điều chỉnh hoạt động tôn giáo, mà không có luật pháp nào khác ngoài Hiến pháp được xác định quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng.
Với điều 24 của Hiến pháp 2013, có thể nói Pháp lệnh tự do tôn giáo và tín ngưỡng cùng với Nghị định 92 đang áp dụng phải bị xem lại về hiệu lực, vì rõ ràng Hiến pháp không còn ủy quyền cho bất cứ bộ luật hay luật hay pháp lệnh nào có chức năng áp dụng hay hướng dẫn thêm nữa, vì tự nó đã đủ ý nghĩa và hiệu lực thi hành.
Việc ông Tin áp dụng Pháp lệnh và Nghị định về tín ngưỡng, tôn giáo trước đây để ban hành văn thư số 03/KH-UBND, sau khi Hiến pháp 2013 đã có hiệu lực hơn một năm, có dấu hiệu vi hiến. Một văn thư áp dụng luật cách vi hiến tức khắc không có giá trị thi hành.
Theo Hiến pháp, công dân Công giáo ở huyện Đăk Tô không vi hiến và như thế cũng không vi phạm pháp luật về ti6n giáo như cáo buộc của ông Chủ tịch.
Đăk Tô là tên gọi của dòng suối nước nóng trong vùng cư trú của đồng bào dân tộc Xêđăng. Làng của người Xêđăng thường gắn với sông suối, núi đồi. Tên làng được gọi theo tên sông suối, núi đồi đó. Đăk Tô là tên của dòng suối nước nóng, là tên làng lâu đời ở vùng này. Bây giờ Đăk Tô là tên của một huyện. Huyện Đăk Tô ở phía bắc của tỉnh Kontum, có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, xã hội. Một vùng đa số người sắc tộc thiểu số, nhưng người lãnh đạo cao nhất là ông Chủ tịch huyện lại không phải là người thuộc các sắc tộc thiểu số đng cư ngụ ở đó.
PV. VRNs
‘Hai mục sư bị hành hung nhưng công an chỉ lập biên bản’
VRNs (26.03.2015) – Sài gòn – Mục sư Tin Lành Nguyễn Hồng Quang nói ông và 3 người khác bị một nhóm hơn 20 người hành hung sáng 25/3 tại thị xã Bến Cát tỉnh Bình Dương.
Ông Quang, Quyền Hội trưởng Hội thánh Tin Lành Mennonite Việt Nam, nói công an địa phương tuy có đến sau khi xảy ra vụ việc nhưng họ không làm gì hơn ngoài việc lập biên bản. Hiện nhóm người hành hung ông Quang vẫn tự do.
Ông Quang cho biết đây là lần thứ 4 ông bị hành hung kể từ đầu năm.
Trong khi đó, ông Trương Văn Dũng, Giám đốc công an thị xã Bến Cát (Bình Dương) được Đài Á châu Tự do dẫn lời đã phủ nhận sự việc trên.
Ông nói khoảng 9 giờ 30 sáng 25/3, ông và mục sư Lê Quang Du cùng 3 người khác đến một cơ sở ở khu phố 6, đường D10 (phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) để lấy những đồ dùng cần thiết.
Tuy nhiên, ông Quang nói tiếp, “chúng tôi mới vừa mở cửa ra thì họ [7-8 người] ập vô, không cho mở cửa.”
“Tôi nói đây là nhà tôi thuê, sao các em tràn vô làm gì. Nhưng vừa nói dứt điểm là họ xách đá đánh tui, rồi dùng ghế sắt đánh trên đầu trên mặt, họ đánh con trai tôi [Nguyễn Quang Triệu], rồi đánh em Y Thiếu vào đầu, rồi đánh mục sư Du nhưng ông thoát ra ngoài được.”
“Rồi họ kéo khoảng 20 người nữa tới đánh tới tấp, đá dữ dội và đòi giết chúng tôi.”
“Nguyễn Quang Triệu là người bị đánh nặng nhất, họ lấy cây sắt đánh vào sương tay, ống khuyển, đánh vào đầu chảy máu. Tôi dập móng tay, bị 5 viết thương trên mặt và đầu.”
Vị mục sư Tin Lành cho biết công an địa phương sau đó có đến lập biên bản nhưng ‘thay vì họ hỏi mình làm sao bị đánh để đưa đi cấp cứu’, họ lại ghi ‘mình đánh lộn, gây rối trật tự và gây mâu thuẫn với những thanh niên, gây thiệt hại tài sản.’
Vì thế ông Quang đã không ký nhận biên bản.
Ông Quang cũng khẳng định không hề có mâu thuẫn với nhóm thanh niên trên và cho biết, công an địa phương đã không bắt nhóm người này dù “những người đánh còn ở 6,7 ngôi nhà chung quanh.”
Trao đổi với đài Á châu Tự do, ông Trương Văn Dũng Giám đốc công an thị xã Bến Cát phủ nhận sự việc trên và nói, “Không có chuyện đó đâu. Những người đó có vấn đề cá nhân người ta tranh chấp hoặc bức xúc cái chuyện tư lợi cá nhân thôi. Xã hội này không bao giờ có chuyện đó đâu, xã hội này văn minh rồi, cuộc sống thượng tôn về pháp luật rồi.”
Ông Quang cho biết, “nhóm thanh niên trên được nguời dân trong khu vực báo là dân xã hội đen ở Cà Mau và xứ khác, từ 8 tháng nay thường trực ở đây, thuê nhà, được đãi ngộ, ăn nhậu.”
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở ở Mỹ hồi tháng 1/2015 từng tuyên bố chính quyền VN “đã sử dụng côn đồ để tấn công những người vận động nhân quyền đang gia tăng ở Việt Nam.”
Tổ chức này cũng ghi nhận trường hợp “nhà hoạt động tôn giáo Nguyễn Hồng Quang, mục sư của nhánh Tin lành Mennonite độc lập ở Thành phố Hồ Chí Minh [trong tháng Một] bị những kẻ côn đồ lạ mặt tấn công.”
Đức Thiện, VRNs