SỰ THẬT - CÔNG LÝ - TÌNH YÊU
Do Minh Tuyen
Nghị trình trong phiên họp thứ 17 của Ủy Ban Pháp luật Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày 18/09/2014, hoặc tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn xuân Phúc chủ trì hôm 19/09/2014 vừa qua tại Sài gòn... một lần nữa lại đề cập đến tình trạng dân oan tập trung khiếu kiện đông người và dai dẳng... cho thấy vấn nạn đau lòng của người dân oan tại Việt Nam kéo dài nói trên không có lối thoát và gia tăng trong tình trạng quan ngại đáng báo động. Nguyên nhân tại sao... và lối thoát nào khả dĩ có thể chấp nhận được cho người dân oan lẫn giới chức cộng sản cầm quyền tại Việt Nam ngày hôm nay ...?
Trước hết, sai lầm cùng với các sai phạm nghiêm trọng từ phía Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam kể từ chiến dịch cải cách ruộng đất đẫm máu vào thập niên 1950 tại miền Bắc Việt Nam do chính Chủ tịch Nhà nước cộng sản Việt Nam Hồ chí Minh ký, ban hành và thực hiện... rồi liên tục cho đến ngày hôm nay vẫn thực sự chưa được giới lãnh đạo đảng và lãnh đạo Nhà nước cộng sản Việt Nam nhìn nhận một cách trung thực và thiện chí... mặc dầu chính bản thân ông Hồ chí Minh đã từng phải rơi lệ... và Trung ương đảng thời bấy giờ đã phải thừa nhận sai lầm, và hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng của họ trong chiến dịch cải cách ruộng đất đẫm máu người dân vô tội nói trên. Tuy nhiên, một phần do lợi ích có được liên quan đến lĩnh vực đất đai... phần khác do bởi chính chính sách và đường lối cai trị độc tài độc đoán và chuyên quyền của chế độ cộng sản cầm quyền hiện nay cho phép các vị lãnh đạo đảng, lãnh đạo Nhà nước và lãnh đạo chính quyền các cấp được quyền ngồi trên luật pháp và cả hiến pháp của Nhà nước... dẫn đến các hành vi cưỡng chế chiếm đoạt đất đai hợp pháp của người dân một cách sai trái và trái pháp luật... ngày một lan tràn khắp mọi nơi.
Lối thoát nào cho người dân oan tại Việt Nam... là sự quan ngại và quan tâm sâu sắc không chỉ đối với người dân Việt Nam trong và ngoài nước... mà còn là sự quan ngại sâu sắc của cả người trong cuộc lẫn Cộng đồng Quốc tế. Việc đầu tiên cần phải thực hiện để khả dĩ có thể khiến người dân oan cả nước có thể chấp nhận được ngõ hầu giải quyết tình trạng khiếu kiện đông người và dai dẳng bấy lâu nay đó là thiện chí thật sự từ phía lãnh đạo chính quyền các cấp. Thiện chí mà chúng ta đề cập nói trên chính là sự thật các vụ việc phải được các cấp chính quyền nhìn nhận một cách trung thực và chân tình đối thoại với người dân... chân thành lắng nghe ý kiến và nguyện vọng thiết thực chính đáng của người dân... chứ không phải quay lưng hay xử dụng vũ lực hà hiếp áp bức người dân như ở hiện tại và bấy lâu nay trong quá khứ. Để làm được điều này, thì cần phải ngay lập tức chấm dứt ngay hiện tượng lãnh đạo chính quyền các cấp ngồi trên luật pháp, ngồi trên hiến pháp và bẻ cong pháp luật. Ông Bà ta ngày trước vẫn thường hay nói rằng "con giun xéo lắm cũng oằn"... điều này ám chỉ rằng ngay cả người trung thực nhất... người hiền lành nhất nhưng nếu cứ mãi bị ức hiếp cũng có ngày sẽ trỗi dậy phản kháng... và đó chính là điều mà giới lãnh đạo đảng và Nhà nước cần phải tiên liệu, cần phải nghĩ đến... để có cách hành xử thích hợp và phù hợp, ngõ hầu tạo lối thoát khả dĩ có thể chấp nhận được cho người dân oan Việt Nam... cũng như cho cả giới lãnh đạo Nhà nước cộng sản Việt Nam ngày hôm nay... Xin đừng để phải rớt những giọt nước mắt muộn màng... như cố Chủ tịch Nhà nước cộng sản Hồ chí Minh năm xưa đã từng... trong chiến dịch cải cách ruộng đất sai lầm và đẫm máu người dân vô tội tại miền Bắc Việt Nam ...
Bản Tin
Quan điểm của chính quyền về khiếu kiện đất đai
Tình trạng khiếu kiện đông người và dai dẳng lại được các cấp chính quyền Hà Nội đề cập đến trong tuần qua tại hội nghị trực tuyến hôm ngày 19 tháng 9 của chính phủ do phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, cũng như tại phiên họp thứ 17 Ủy ban Pháp Luật, Quốc hội một hôm trước đó tại Sài Gòn.
Có những điểm nào đáng chú ý qua những cuộc họp như thế về vấn đề liên quan đến nhiều người dân khắp cả nước bị thu hồi đất đai phải khiếu kiện bấy lâu nay?
Ý kiến các cấp chính quyền
‘Khiếu kiện, khiếu nại đông người là do bị lợi dụng, xúi giục.’ ‘Việc công dân đi khiếu kiện thường xuyên nhận được viện trợ 200 kilogram gạo, mỳ tôm từ một hội do các cá nhân thành lập từ năm 2013 để những công dân này tiếp tục lưu trú tại Hà Nội.’’ Và khi các công dân này ốm đau thì đựợc đưa đi bệnh viện và hỗ trợ bằng tiền mặt’.
Đó là những điểm trong báo cáo chính phủ được tờ Tuổi Trẻ trích dẫn trong bài viết đăng tải hồi ngày 18 tháng 9 về phiên họp thứ 17 của Ủy ban Pháp Luật, Quốc hội Việt Nam. Tại phiên họp các đại biểu có ý kiến về tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo của chính phủ trong năm 2014.
Theo các vị trong Ủy ban Pháp luật Quốc hội thì các đoàn khiếu kiện đông người gia tăng, cũng như sự chống đối mang tính quyết liệt của người dân cho thấy phản ứng của họ đối với hoạt động kém hiệu quả và thiếu trách nhiệm của một số cơ quan, cá nhân trong quản lý Nhà nước cũng như trong công tác khiếu nại, tố cáo.
Dân oan phản bác
Đối với những kết luận trong báo cáo của chính phủ mà báo chí loan tải như vừa nêu, những người tham gia khiếu kiện lâu nay như anh Trịnh Bá Phương tại phường Dương Nội, quận Hà Đông cho rằng kết luận như thế là không chính xác.
Anh Trịnh Bá Phương xác định việc người dân tại phường Dương Nội suốt mấy năm qua phải đi khiếu kiện là vì cơ quan chức năng làm sai luật, không thực thi đầy đủ mọi qui trình khi tiến hành thu hồi đất của người dân và không thực thi quyết định của cấp trên. Anh phát biểu:
Trong thời gian qua từ năm 2008, người dân chúng tôi bắt đầu khiếu kiện, làm đơn tập thể gồm 356 hộ dân kiên quyết đến cùng giữ lại tư liệu sản xuất. Từ ngày đó đến nay không hề có ai xúi giục, kích động bà con phải đi ‘thế nọ’, phải đi ‘thế kia’.
Xuất phát từ chỗ mất tư liệu sản xuất, nhân dân không thể chuyển đổi được nghề nghiệp. Sau khi bị chính quyền thu hồi đất, nhân dân kiên quyết sẽ phải đi khiếu kiện để đòi lại tư liệu sản xuất của nhân dân.
Ngay tại Dương Nội, họ đã không thực hiện theo đúng qui trình, thủ tục thu hồi đất. Họ không thực hiện điều 56,57, Nghị Định số 84. Có rất nhiều sai phạm.
Đã có quyết định của Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Quyết định của UBND thành phố Hà Nội số 313 thể hiện rằng nhân dân không thể chuyển đổi được nghề nghiệp. Trong quyết định đó họ cũng thừa nhận trong những năm qua chỉ chuyển đổi nghề nghiệp cho đúng 26 người dân.
Trong kết luận số 1078 của Thanh Tra Chính phủ, đoàn thanh tra chính phủ kết luận không thể chuyển đổi được nghề nghiệp sau khi thu hồi đất. Họ dẫn chứng ra là lứa tuổi của nhân dân không đồng đều, dân không có bằng cấp, chỉ có thể bám vào ruộng đất mà thôi. Căn cứ theo kết luận của thanh tra chính phủ và quyết định số 313, nhân dân chúng tôi đang bị chính quyền thu hồi đất trái phép.
Là những người nông dân mất tư liệu sản xuất, không được giải quyết những oan sai nên những người dân như anh Trịnh Bá Phương không còn nguồn sống nào khác và phải nhờ đến sự hỗ trợ của những người hảo tâm. Anh cho biết:
Người dân đã mất hết tư liệu sản xuất, không còn nguồn để sống, không còn đất để trồng ra cây lúa nên nhân dân Dương Nội phải đi xin cứu đói nhiều năm. Xin cứu đói đến các cơ quan công quyền, khi đến Bộ Công an họ nói họ không có kho gạo; đến Trung ương Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam họ cho được 2 thùng mỳ tôm và 1 thùng nước lọc. Sự trợ giúp của chính quyền đến nay, chúng tôi chỉ nhận được đúng 2 thùng mỳ tôm và 1 thùng nước lọc.
Nếu không nhận được sự trợ giúp của các nhà hảo tâm, chắc chắn đã có người chết đói rồi.
Có rất nhiều người như bà Oanh, ông Liễu ở Bộ Nông nghiệp nói rằng nghĩa cử tương thân tương ái, yêu thương đồng bào và chia xẻ đó còn phải tuyên dương, trao bằng khen. Đó cũng chính là truyền thống của người Việt Nam, nên người dân nhận được sự trợ giúp đó.
Bất cứ hành vi ngăn cản nhận sự trợ giúp gạo để người dân duy trì cuộc sống và cả viện phí khi đi viện là không đặt truyền thống của người Việt Nam lên hàng đầu và không có tâm.
Tổ chức dân sự bất đồng
Những người vì lòng trắc ẩn trước hoàn cảnh khó khăn của nhiều người dân oan phải từ các tỉnh- thành về Hà Nội ăn chực nằm chờ tại các cơ quan Trung ương mong trường hợp của họ được giải quyết đã bỏ công, góp sức giúp cho những đối tượng đó, tỏ ra không bằng lòng khi việc làm của họ bị đưa vào báo cáo chính phủ như thế.
Anh Lã Việt Dũng từ Hà Nội lên tiếng:
Thật ra chúng tôi cũng hơi bất ngờ với bài báo như vậy. Trong bài báo còn có thông tin chính phủ báo báo với quốc hội vấn đề như vậy. Không biết đơn vị nào của chính phủ mà lại nói rằng khiếu kiện lâu là có xúi giục và từ năm 2013 có những nhóm như chúng tôi do hỗ trợ gạo, hỗ trợ tiền cho dân oan ăn uống và đi bệnh viện thì dân oan mới ở lại khiếu kiện lâu dài. Chúng tôi bất bình về thông tin như vậy, bởi vì nguyên nhân sâu xa là vấn đề đất của họ.
Một người cũng công khai lên tiếng kêu gọi ủng hộ cho những người dân oan phải sống lay lắt ở Hà Nội hay Sài Gòn, anh Bùi Tuấn Lâm, cũng tỏ ta bức xúc khi hay tin việc làm của bản thân bị nêu ra trong báo cáo của chính phủ:
Khi nghe như vậy, tôi thấy người ta ‘chụp mũ’ cho công việc của những người thực hiện. Những tổ chức hay cá nhân nào làm để giúp cho người ta với mục đích gì, tôi không biết. Riêng bản thân tôi, tôi là những chương trình đó vì nhân đạo. Tôi thấy bà con của mình, những người nông dân, những dân oan mất hết tư liệu sản xuất, họ cùng đường, kiệt quệ khi theo đuổi khiếu kiện về đất đai. Rõ ràng, người ta là những người bị liên lụy, mất quyền lợi cá nhân do những sai lầm của chính sách đất đai.
Tôi giúp họ trên tinh thần nhân đạo cùng là người Việt Nam, thấy người dân khỗ thì mình làm gì được thì làm.
Văn phòng chính phủ hay cơ quan chính phủ về đất đai mà nói như thế, tôi phản đối!
Thống kê trong báo cáo vừa nêu của chính phủ cho thấy trong năm nay số lượt đoàn đông người đến các cơ quan Trung ương tại Hà Nội và Sài Gòn tăng hơn 12% so với năm ngoái.
Báo cáo này nêu rõ có những đoàn gồm vài trăm người và thái độ của những người khiếu kiện được ghi nhận là bức xúc, và gay gắt. Vấn đề khiếu nại tố táo chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai với tỷ lệ hơn 68%.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền của tỉnh Lâm Đồng, thuộc Ủy ban Pháp Luật Quốc hội được trích dẫn nói rằng có người dân đi mua đất với giá 20 triệu đồng một mét vuông, đến khi bị giải tỏa thu hồi thì Nhà nước đền bù có 2 triệu đồng. Nguyên văn lời ông này được trích dẫn ‘Đền bù như thế thì bố ai chịu được”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét