Chủ nhật, 16/08/2015

Tin tức / Việt Nam

Tượng đài ngàn tỉ cho dân nghèo Sơn La có ý nghĩa gì?

Tượng Hồ Chí Minh được chuẩn bị cho một buổi lễ kỷ niệm ở thành phố Buôn Ma Thuột. (Ảnh tư liệu).
Tượng Hồ Chí Minh được chuẩn bị cho một buổi lễ kỷ niệm ở thành phố Buôn Ma Thuột. (Ảnh tư liệu).
Đề nghị xây tượng đài Hồ chủ tịch trị giá 1.400 tỷ tại một trong những tỉnh nghèo nhất nước đang gây sốt công luận giữa những thực trạng đời sống người dân khốn khó và nạn quan chức cầm quyền tham nhũng tràn lan.  
Ngoài tượng đài Hồ Chí Minh ở Sơn La, tin cho hay 14 tượng đài khác đã được Thủ tướng phê duyệt sẽ liên tiếp mọc lên khắp 3 miền đất nước theo quy hoạch đến năm 2030.
Giới chức nhà nước bênh vực dự án này nói xây tượng đài để đáp ứng nguyện vọng, thể hiện tình cảm của nhân dân yêu kính lãnh tụ, rằng tình cảm không thể đo đếm và rằng giá trị văn hoá cần đặt lên trên giá trị thực tế. 
Phản hồi của giới trẻ ra sao? Họ nhận xét thế nào về giá trị đạo đức-văn hóa-tinh thần, ý nghĩa chính trị, và sự cần thiết của các tượng đài lãnh tụ như thế này?
Mời quý vị cùng chia sẻ với Tạp chí Thanh Niên VOA qua cuộc thảo luận với ba bạn trẻ tại Việt Nam, trong số này có một nữ phóng viên đang làm việc cho một tờ báo nhà nước.
Tượng đài ngàn tỷ cho dân nghèo Sơn La có ý nghĩa gì
Minh Thắm: Đất nước mình đang trong thời kỳ khó khăn. Sơn La là một tỉnh còn quá khó khăn, dân số rất nghèo. Với dự án xây tượng đài Hồ Chí Minh  1400 tỷ, mình thấy hoàn toàn không hợp lý chút nào. Mình đi công tác ở Sơn La thấy trẻ em nghèo còn rất nhiều, các em cực kỳ khó khăn, ăn không đủ no. Trời rét căm căm tầm 9-10 độ mà các em vẫn đi chân đất, quần áo không đủ ấm. Là một phóng viên, mình thấy rất xót xa. Đưa ra dự án này, mình thấy rất là bất bình, bức xúc. Các bản làng Sơn La rất nghèo, rất đáng thương, gần như 80% là hộ nghèo. Cho nên, em cũng muốn qua đây, các anh các chị bên đấy có thêm tiếng nói gì mình tạo dư luận mạnh mẽ hơn để đóng góp ý kiến. Bọn em nói ra ý kiến của mình để làm thế nào cho số tiền đấy dùng xây nhà cho các gia đình và các em đang gặp hoàn cảnh khó khăn thì tốt hơn.  
Đức: Báo chí chính thống cũng đưa tin kinh tế chúng ta yếu kém, dân khắp nơi còn quá nhiều vất vả. Các trẻ em trên Sơn La còn phải bắt chuộc để ăn mà lại có những dự án lãng phí như thế dĩ nhiên là ai cũng phản đối.
Trần Nam: Tôi hoàn toàn phản đối. Đằng sau dự án này tôi nghĩ còn có những chuyện quan liêu, tham nhũng ở đây. Cũng như cái bảo tàng 2 ngàn tỷ ở Hà Nội, lập ra cuối cùng không ai vào cả, để không, sắp tới còn định xây một bảo tàng quốc gia 11 ngàn tỷ nữa. Ở Việt Nam, các dự án, các công trình lớn đều có tiêu cực-tham nhũng mà báo chí thì do nhà nước quản lý nên cũng không phanh phui được.
Trà Mi: Nếu dự án này không nằm trong tỉnh nghèo như Sơn La mà ở một địa phương khá giả hơn, các bạn có ủng hộ không?
Minh Thắm: Em không ủng hộ. Nên làm những việc thực tế bằng những hành động thiết thực đối với người dân thì sẽ tốt hơn.
Trà Mi: Dĩ nhiên những khốn khó trong đời sống thực tế cần được đáp ứng trước. Nhưng cũng có ý kiến ngược lại cho rằng cuộc sống không chỉ có những cái vật chất hay những cái thực tế mà còn những giá trị sâu xa về đạo đức-văn hóa-tinh thần, nhất là truyền thống xưa nay của người dân Việt là đền ơn đáp nghĩa. Nếu không tôn vinh, tri ân tạc tượng thì thế hệ con cháu sau này sẽ không có gì để nhắc nhớ. Các bạn nghĩ sao?
Trần Nam: Ở nhiều nơi trên thế giới cũng có rất nhiều nước phát triển hơn chúng ta nhiều mà người ta không có những tượng đài tưởng nhớ kiểu như thế cả. Anh kia muốn tưởng nhớ thì anh cứ bỏ tiền túi của anh ra mà làm thôi, không thể nào cứ lấy tiền thuế của dân ra mà tưởng nhớ kiểu thế.
Trà Mi: Báo chí nhà nước dẫn các ý kiến nói dự án tượng đài ‘đáp ứng nguyện vọng, tình cảm của đồng bào với lãnh tụ dân tộc’?
Đức: Họ không hề có một thống kê hay trưng cầu dân ý để chứng minh đó là ý kiến của người dân.
Trần Nam: Đất nước mình còn nghèo, khủng hoảng kinh tế trầm trọng, thất nghiệp rất nhiều, đời sống người dân rất khó khăn. Cho nên, có xây tượng ở Hà Nội hay ở Sài Gòn thì cũng đều vô lý và phi thực tế. Hơn nữa, ông Hồ Chí Minh đã có quá nhiều tượng ở Việt Nam rồi, còn có cả một cái lăng ở Ba Đình rồi, không cần xây thêm tượng làm gì. Tiền đấy để xây bệnh viện, trường học thì hữu hiệu hơn, thực tế hơn, phục vụ nhân dân. Ở các nước cộng sản như Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba có một đặc trưng là sùng bái lãnh tụ.
Trà Mi: Điểm đầu tiên của dự án này gây phản đối là chi phí quá cao so với thực trạng khốn khó của kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, có người nói rằng nghèo không phải là cái cớ để quên đi các giá trị về văn hóa-đạo đức vì tình cảm không thể đong đếm bằng tiền bạc. Các bạn suy nghĩ thế nào về lập luận này?
Đức: Văn hóa của một người hay của một đất nước không đo đếm bằng các tượng đài như thế. Tôi thấy những tượng đài này không có giá trị về mặt văn hóa hay tinh thần gì cả.
Trần Nam: Những tượng đài như thế chỉ phục vụ cho việc tuyên truyền cho đảng, ru ngủ nhân dân, chứ không có một giá trị gì khác. Hơn nữa, ở Việt Nam, người ta thường vẽ ra những dự án chi phí lớn để ‘rút ruột’, tham nhũng.
Đức: Các công trình bảo tàng, tượng đài ở Việt Nam không có giá trị thực tế vì thông tin mà người ta đưa vào các bảo tàng không có giá trị. Ở Việt Nam, dân không vào những cái nơi như thế để tìm hiểu thông tin. Như Bảo tàng Hà Nội xây lên tốn kém thế mà khách tới thăm rất ít, để trống toác không có gì trưng bày cả, cuối cùng phải dùng để tổ chức sự kiện hay tiệc cưới. Nó hoàn toàn biến mất ý nghĩa của bảo tàng. Chứ mà có giá trị thực như các nước khác thì dĩ nhiên là mọi người ủng hộ các công trình này.
Trần Nam: Các nước tư bản họ quản lý nguồn tiền thuế của dân minh bạch, khắt khe để tránh thất thoát, tiêu cực. Còn ở Việt Nam thì cực kỳ tham nhũng. Chưa chắc người Việt Nam nào cũng tự hào về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Có một số người coi ông là cha lập quốc, nhưng cũng có những người nghĩ ông là người đem chủ thuyết cộng sản vào Việt Nam gây ra tình trạng như ngày nay. Cho nên, không thể nói là tự hào được, có khi đó lại là xấu hổ đấy chứ. Bị nhồi sọ nhiều quá cho nên người ta sùng bái như một vị thánh sống ấy, nhưng người khách quan có khi người ta lại nghĩ khác. Không thể nói là người nào cũng tự hào được.
Trà Mi: Bằng cách nào để tiếng nói của các bạn được lắng nghe và mang tới một hiệu quả nào đó?
Minh Thắm: Là một phóng viên, em cũng tham gia các diễn đàn và các nhóm để góp tiếng nói chung. Một mình mình không thể nói một tiếng nói gì cả, mình sẽ tham gia cùng các anh chị để góp phần nhỏ bé của mình tạo nên sức mạnh.
Trà Mi: Phương cách bạn đề nghị cũng đã được áp dụng lâu nay, có ví dụ nào cho thấy cách này hiệu quả?
Minh Thắm: Thủ tướng cũng đã cho tạm dừng việc này, em nghĩ đó cũng là hiệu quả do truyền thông mang lại.
Trần Nam: Theo em, việc tạm dừng này là để hoãn binh thôi để làm lắng dịu dư luận, sau đấy họ lại tiếp tục họ làm. Cái kế của họ là như thế.
Đức: Với đặc thù của Việt Nam thì đúng là hiệu quả truyền thông mang lại đối với các dự án được quyết định bởi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam này thì không có một giá trị nào cả.
Trần Nam: Chúng ta cũng phải hành động cụ thể. Ngoài các hành động trên mạng, cần có những hành động ngoài cuộc sống nữa. Cần thành lập các nhóm, nhưng có điều là ở Việt Nam có một đảng thôi, họ khống chế hết về báo chí truyền thông cho nên tiếng nói người dân rất là hạn chế.
Trà Mi: Thắm đang làm việc cho một tờ báo của nhà nước, chị có đồng tình với nhận xét của anh Nam?
Minh Thắm: Em thấy báo chí bây giờ cũng không được tự do. Đôi khi mình cũng phải nói tiếng nói theo sự định hướng ở trên. Các tổ chức xã hội dân sự, các hội nhóm thì họ có những hành động thiết thực hơn. Việc này em thấy chỉ trông chờ vào các tổ chức xã hội dân sự thôi, chứ còn truyền thông chỉ có sức mạnh là tạo nên dư luận thôi. Còn các hoạt động thì em nghĩ phải trông đợi các tổ chức xã hội dân sự.
Trà Mi: Nếu cuối cùng vẫn mọc lên tượng đài ở Sơn La như trường hợp Tượng đài Mẹ Việt Nam ở Quảng Ngãi, điều đó có ý nghĩa thế nào trong ánh mắt các bạn?
Đức: Nếu tượng đài đó vẫn mọc lên thì đó là một sự thất bại về mặt lâu dài. Sự phát triển của xã hội dân sự Việt Nam dù chưa được mạnh nhưng cũng đã hình thành, những con người đã liên kết với nhau để lên tiếng. Nhờ ảnh hưởng của internet và mạng xã hội, nó đã được lan tỏa đi rất lớn. Với những tác nhân, lợi thế đó so với thời điểm trước đây mà vẫn không thay đổi được gì thì đó là sự thất bại.
Trần Nam: Nếu tượng đài này vẫn dựng lên thì đấy là người dân bất lực thôi. Ngoài dự án này, còn rất nhiều vấn đề khác như tăng giá xăng, tăng giá điện..v…v.. dân bức xúc  mà cũng bất lực thôi.
Trà Mi: Vừa rồi là ý kiến của ba khách mời tham gia chương trình Tạp chí Thanh Niên hôm nay. Quan điểm của bạn nghe đài khắp nơi thế nào, xin hãy chia sẻ với chúng tôi trong mục Ý kiến ngay bên dưới bài đăng. Xin chân thành cảm ơn các bạn.

T