Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

TÁO QUÂN DÂNG SỚ GIÁP NGỌ 2014... BÁO CÁO VỀ HIỆN TÌNH ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM HIỆN NAY










                               SỰ THẬT - CÔNG LÝ - TÌNH YÊU





Do Minh Tuyen

Năm mới GIÁP NGỌ 2014 đang đến gần... trong bối cảnh hiện tình đất nước bi thảm và dân tộc khổ đau... dưới sự cai trị hà khắc và tàn bạo của chế độ độc tài cộng sản cầm quyền Việt Nam, chúng tôi xin trân trọng gởi đến đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước bài viết hay và ý nghĩa của một Nhà báo hiện đang sinh sống tại Úc . Tuy thuộc loại văn mang tính trào phúng... nhưng thật sự đã thể hiện được tất cả những gì đã và đang xảy ra tại quốc gia cộng sản này... cũng như ý chí và ước nguyện của toàn dân Việt Nam trên con đường Dân chủ hóa đất nước... mong muốn bài trừ tham nhũng và tiêu cực trong xã hội... và cuối cùng là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta. Mong rằng, bước sang năm mới GIÁP NGỌ 2014, mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với quê hương Việt Nam và đến với dân tộc Việt Nam... đặc biệt là đến với những ai đang trong hoàn cảnh tù đày vì đấu tranh cho Dân chủ và Nhân quyền ... những ai đang bị kềm kẹp đọa đày dưới chế độ cộng sản độc tài toàn trị Việt Nam. 




                                        Táo Quân Dâng Sớ Giáp Ngọ 2014




Chỉ còn vài thời khắc
năm Quý Tỵ sắp qua
Giáp Ngọ đang phi tới.
Chuẩn bị cho năm mới
Các Táo như lệ thường
Ôm sổ sách lên đường
Chầu Trời cho đúng hẹn.



Cửa Thiên Đình đã mở
Có Táo mặt hớn hở
Có Táo mặt buồn rầu
Cùng xếp hàng vào chầu
Mỗi người một tâm sự
Người vui kẻ tư lự...
Nam Tào và Bắc Đẩu
Trịnh trọng tiến bước lên
Dặn tả hữu hai bên
Giữ an ninh trật tự.

Đầu tiên là Táo Đảng
"Trọng Lú" giọng sang sảng:
Hê lô - chào Ngọc Hoàng!
Chúc ngài luôn... gút gút!
Đoạn do dự tí chút
mắt liếc xéo hai bên,
rồi tiếp tục bước lên:
Dạ con xin báo cáo.
Con là Táo Độc Đảng
(Con là Táo độc quyền)
Đứa nào dám tuyên truyền
Con sẽ cho quân bắt.
Đổ cho tội ‘trốn thuế’,
Khoác cho tội ‘âm mưu
hoạt động đòi lật đổ’
Con cứ đem truy tố
ra toà Căng-gu-ru (1)
Con đâu phải đứa ngu
Ngài thấy hay không ạ?

Ngọc Hoàng tròn con mắt
Tưởng đâu mình nghe nhầm
Nét mặt Ngài thất thần:
Thật kinh hoàng quá đỗi
Lời lẽ kẻ phạm tội!
Ngươi ngồi trên pháp luật
Sống vô phép vô cương
Đàn áp những dân thường
Cầm tù người vô tội.
Hẳn ngươi vẫn còn nhớ
Theo Công Ước Nhân Quyền
Mọi người đều bình đẳng
Sống phải theo pháp luật
Cầm quyền chớ lạm quyền
Nhà ngươi như con thuyền
Nhân dân chính là nước
Nước sẽ lật chìm thuyền
Hãy mau mau tỉnh ngộ
Nếu để ta thịnh nộ
Sẽ tuyên án phanh thây!

Tiếp theo Táo Quốc Hội
Họ Nguyễn tên Sinh Hùng
Cùng bầu đoàn tháp tùng
Xin được vào dâng sớ:
Dạ con là ‘đầy tớ’
Đại diện cho nhân dân
Chỉ là trên danh nghĩa
Thật là chuyện mai mỉa:
Quốc hội toàn đảng viên
Là cánh tay của Đảng.
Ngài có biết năm nay
Chúng con có trò hay
Là sửa đổi Hiến pháp
Cũng là trò bá láp
Chỉ là chiêu lừa dân
Sửa xong... Nguyễn Y Vân
Nghĩa là … vẫn như cũ:
Đảng lãnh đạo dài dài
Quân đội không đứng ngoài
Phải trung thành với Đảng.

Ngọc Hoàng nghe phát hoảng:
Ta nói cho ngươi hay
Cả nhà lũ chúng mày
Là cái đảng ô lại
Tàn ác và vô luân
Lại còn lòe bịp dân
Tam quyền cái con khỉ!
Hãy sang học thằng Mỹ
hay thằng Úc thằng Tây
nó tam quyền phân lập
Tòa án là tư pháp
Hành pháp là chính quyền
Còn lập pháp đương nhiên
là thuộc Táo Quốc Hội
Thôi lần này chưa vội
Tạm phạt nhốt chuồng trâu
Nhớ khắc ghi trong đầu:
Hãy trả dân quyền sống!
Họ có quyền hành động
Họ là chủ của ngươi…

Thấy không khí căng thẳng
Bắc Đẩu vội xen vào:
Thưa, vừa mới thiết trào
Xin Ngọc Hoàng bớt giận.
Cho gọi Táo Đấu Tranh
Dâng sớ báo chiến thắng...
Một cô gái áo trắng
Dáng nhỏ nhắn sinh viên
Mặt rạng rỡ ngoan hiền
Bước lên chào Ngọc Đế:
Con là Nguyễn Phương Uyên
Cả thế giới biết tên
Đại diện cho Minh Hạnh,
Thay mặt Đinh Nhật Uy,
Nguyên Kha và các bạn...
Những thanh niên yêu nước
Những người biết đi trước
Khi tổ quốc gọi tên
Chúng con đâu dám quên
Lời cha ông răn dạy.

Ngọc Hoàng cười tươi tắn:
Ra là Táo Đấu tranh.
Thật đáng để nêu danh
Cháu Bà Trưng, Bà Triệu.
Độc tài kia phải hiểu
Đàn áp và nhà tù
Chỉ dọa được dân ngu
Không làm cho ai sợ.
Ta còn nghe nhiều nữa
Những Táo đang bị tù
Như Cù Huy Hà Vũ,
Duy Thức và Điếu Cày…
Đều tuyệt thực phản kháng...
Rộ phong trào Bỏ Đảng
Xuất hiện các diễn đàn
như: Xã Hội Dân Sự,
rồi Diễn Đàn Phụ Nữ,
Hội Bầu Bí Tương Thân…
Đoàn kết khắp xa gần
Ta nghe lòng phấn chấn!

Bỗng đâu Táo Thủ Tướng
Chẳng ai gọi cũng vào
Ngả mũ nghiêng người chào:
Dạ Ngọc Hoàng vạn tuế!
Nghe có mùi xú uế
Bắc Đẩu vội đi tìm
Hoá ra mùi phân chim
trên đầu ‘ngài’ Ba Dũng.
Con diệt trừ tham nhũng
Dương Chí Dũng hầu tòa
Án tử hình ban ra
Cán bộ đều khiếp sợ
Nhưng là chiêu dựng vở
Dọa khỉ mấy thằng to
Dàn cảnh và diễn trò
Bắt chúng nó cung tiến.
Xin ngài đừng có lo
Thằng đó là em họ
Con vờ xử tử nó
Để đánh lạc miệng dân
Trẻ con nó cũng biết.

Ngọc Hoàng nghe điên tiết
Tuy lòng giận hết biết
Nhưng cố nói lời hay :
Ta tạm tha lần này
Nhưng việc cần làm ngay
Là lật đổ Táo Đảng
Nếu dám làm cách mạng
Chọn đa đảng đa nguyên
Ta sẽ cho ghi tên
Vào sổ vàng danh dự
Nhưng phải chừa tham nhũng
Hãy tôn trọng nhân dân
Tam quyền phải lập phân
Tôn trọng sự khác biệt
Nếu để dân nổi dậy
Người sẽ không toàn thây
Đến ta cũng bó tay
Trước sức mạnh dân tộc.
Hãy giảm bớt bổng lộc
Hãy biết kính trọng dân…

Đến lượt Táo Trí Thức
Mặt vẫn đang bực tức
Con là Lê Hiếu Đằng
Con không thích lằng nhằng,
Con quyết tâm bỏ Đảng!
Con trong Nhóm Bảy Hai (2)
Đòi sửa đổi Hiến Pháp
Cần xóa bỏ căn bản
Tất cả những điều khoản
Còn mông lung mơ hồ
Muốn có một cơ đồ
Phải đổi thay triệt để
Dạ kính thưa Ngọc Đế
Sai lầm cả đời con
Là cầm súng ‘chống Mỹ’
Thân con là tốt thí
Đi xâm lược miền Nam
Hàng triệu người chết oan
Bao nhà dân thành than
Ngàn ước mơ tan nát.

Miệng Ngọc Hoàng cười mát:
Thật buồn chuyện của ngươi.
Nhưng có chút nên cười
Là ngươi đã sám hối
Rõ ràng người có tội
Nhưng nay đã lập công
Thấy cũng nên khen thưởng.
Trên mặt trận tư tưởng
Đã dũng cảm đi đầu
Sẽ nhiều người hưởng ứng.
Triệu con tim cùng đứng
trên mặt trận Nhân Quyền
Vâng theo lệnh ta truyền
Tất đến ngày thắng lợi
Tưởng cũng nên khen ngợi
Nhóm trí Thức Bẩy Hai
Đã ghé một bên vai
Vào sự nghiệp dân chủ
Đó cũng là lời nhủ:
Sắp tận số độc tài...

Năm nay có Táo mới
Giương ngọn cờ phấp phới
Táo Tự Sát là ta!
Sẵn sàng hoá thành ma!
Một mạng đổi mười mạng!
Cả thiên đình hốt hoảng
Tưởng khủng bố tấn công
Hoá ra Đặng Ngọc Viết
Một người anh thân thiết
Một người cha hiền lành
Một hàng xóm tốt bụng
Mãn lính về làm lụng
Nuôi cha già yếu đau
Lũ quan Đảng hè nhau
Cướp mất nhà mất đất
Nỗi oan khiên thấu trời
Anh chỉ còn cuộc đời
Bước đường cùng: đánh đổi
Làm tiếng súng vang dội
Nã vào lũ cường quyền!!!

Ngọc Đế giọng buồn phiền:
Khi người dân đổi mạng.
Đây là phát pháo sáng
Cảnh báo lũ Đảng gian
Coi chừng những dân oan
Không còn gì để mất
Một khi cái quý nhất
Đem ra thí với mày
Nếu mày không tan thây
Thì cũng què cũng chột
Nếu người dân mất một
Tụi bay sẽ mất mười
Vì làm thân con người
Ai cũng sẽ phải chết
Nhưng chúng mày nên biết:
Khi thân người thành chông
Thành gươm đao súng đạn
Thành bom mìn hẹn giờ
Nó sẽ nổ bất ngờ
Khiến tụi mày tan xác!

Nam Tào gọi oang oang:
Mời Táo Mạng Xã Hội
Những công dân quốc nội
Và trên khắp hoàn cầu
những người không cúi đầu
Trước điều ‘hai năm tám’ (3)
Lên báo cáo mau mau.
Đặng còn xin lĩnh thưởng
Ngọc Hoàng giọng tin tưởng:
Táo này làm rất hay
Xông pha giữa ban ngày
Vào các toà đại sứ
Các tổ chức nhân quyền
Họ sẵn sàng ‘ngồi thiền’ (4)
Bảo vệ cư dân mạng
Theo thứ bậc xếp hạng
Họ là những người hùng
Dù bị bắt bị đòn
Vẫn quyết tâm làm tròn
Nghĩa vụ công dân mạng.

Mạng Xã Hội bước lên :
Cảm ơn ngài gọi tên
Con xin được báo cáo.
Chúng con rất đông đảo
Hàng triệu triệu thanh niên
Đang truyền bá Nhân Quyền
Chống độc tài đảng trị
Viết kháng thư kháng nghị
Phát tài liệu Nhân Quyền
Lập hàng loạt hội nhóm
Cả trên mạng, ngoài đời
Táo Đảng mệt bở hơi
Chẳng thể nào ngăn nổi
Những chiến công tiếp nối
Chính phủ Mỹ quan tâm
EU đồng lên tiếng
Ca Na Đa và Úc
Tất cả đều hối thúc
Phải tôn trọng nhân quyền…

Năm nay nhiều chuyển biến:
Trương Tấn Sang đi Mỹ
Ra về phải suy nghĩ
Những hứa hẹn Nhân Quyền
Muốn có TTP (5)
Muốn được mua vũ khí (6)
Muốn kết giao hữu nghị
Hợp tác với nước giàu
Táo Đảng phải đi đầu
Trọng tự do ngôn luận
Chúng con cũng nhìn nhận:
Những chiến công hôm nay
Cũng nhờ những bàn tay
Từ xa xôi Hải Ngoại
Kiên trì và nhẫn nại
Hỗ trợ từ bên ngoài
Trí tuệ và tiền tài
Giúp sức cho Quốc Nội
Đó chính là cơ hội
Tiễn Táo Đảng lìa đời.

Sắp đến giờ bãi triều
Bỗng có Táo Tham Nhũng
Tên là Dương Chí Dũng
Hớt hải xin vào chầu:
Dạ con xin cúi đầu
Nhận tội trước Thượng Đế
Tội con nhiều vô kể
Dạ Ngọc Hoàng anh minh
Con không ăn một mình
Mà còn thằng Quý Ngọ
Thứ trưởng Bộ Công An
Con muốn được minh oan
Năm trăm ngàn đô Mỹ
Tiền đút lót trao tay
Nó điện cho con hay
'Thủ tướng duyệt lệnh bắt
Chú phải tìm đường trốn'
Giờ nó lại phủi tay
Một mình con hôm nay
Mang trên đầu án tử...

Ngọc Hoàng trừng mắt quát:
Phạm Quý Ngọ ra đây
Sao người ăn đút lót
Mà không lo cho lọt
Để oán thán trước toà?
Quý Ngọ vội bước ra:
Dạ con nuốt không nổi
Dương Chí Dũng nhận tội
Vì hắn không thể chối
Chuyện 'ụ nổi ụ chìm'…
Thất thoát trăm ngàn tỉ
Quy thành tiền đô Mỹ
Khoảng… năm tỉ mà thôi!
Ngọc Hoàng toát mồ hôi:
Dân tình đang nghèo khổ
Bọn bòn rút ngân khố
Lũ tham nhũng bất nhân
Tiền phải trả cho dân
Xác phải nghiền thành phân
Đem ra đồng bón ruộng!

Bắc Đẩu đọc thông báo:
Như mọi năm các Táo,
Được tự do hoàn toàn
Ngôn luận và việc làm
Xin mời cho ý kiến!
Táo Đấu Tranh bước đến:
Dạ khải bẩm Ngọc Hoàng
Có một việc xin bàn
Tại sao ngài phê chuẩn
Táo Đảng vào Ủy Ban
Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc?
Đó là điều nhơ nhuốc
Vì Táo Đảng tham tiền
Luôn chà đạp nhân quyền
Con bất bình chuyện đó.
Ngọc hoàng đưa tay trỏ:
Đó là ý của ta
Ngươi hãy nghĩ sâu xa
Cho nó tập ‘làm cha’
Liệu nó dám làm láo?

Hãy nghe ta tuyên bảo
Năm Giáp Ngọ sắp sang
Hãy tiếp tục mở mang
Tầm nhìn ra thế giới
Muốn Việt Nam đổi mới
Mình phải tự xông pha
Giành quyền sống về ta
Không chờ ai ban tặng!
Nếu một người vác nặng
Hãy chia sẻ cùng nhau
Nếu một người đớn đau
Hãy chung tay bảo vệ.
Ở đời luôn là thế
Ta thắng thì địch lui
Khi thấy lòng thỏa vui
Triệu bàn chân không mỏi.
Tay làm và miệng nói
Biến Dân Chủ Nhân Quyền
Thành liều thuốc thần tiên
Trị độc tài độc đảng…

Truyền Táo Đấu Tranh và Táo Trí Thức vào kho lãnh thưởng!
Bãi triều!

Lê Nguyên Hồng

Ngày 23 tháng Chạp năm Quý Tỵ

Chú thích(1) Tòa án của chế độ CS – phiên âm tiếng Anh bồi: (2) Nhóm 72 trí thức ký tên đòi sửa đổi hiến pháp: (3) Điều 258 của chế độ CS – một nhóm blogger đã lấy làm tên của mình; (4) Ngồi thiền là một phương pháp đấu tranh mềm; (5) TTP – Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Chiến Lược Xuyên Thái Bình Dương - Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement; (6) Điều kiện để được mua vũ khí sát thương của Mỹ.



Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

BÁO CÁO CỦA ỦY BAN BẢO VỆ KÝ GIẢ (CPJ) VÀ TỔ CHỨC GIÁM SÁT NHÂN QUYỀN QUỐC TẾ (HRW)... VỀ THÀNH TÍCH NHÂN QUYỀN TỆ HẠI CỦA VIỆT NAM.









                                 SỰ THẬT - CÔNG LÝ - TÌNH YÊU






Do Minh Tuyen

Thật đáng xấu hổ khi Việt Nam, một quốc gia luôn tự cho mình là một Nhà nước pháp quyền... từng tham gia Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị... từng ký tên cam kết trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền... từng là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc... và gần đây nhất đã được bầu vào một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc... nhưng thành tích nhân quyền lại vô cùng tệ hại ...với thành tích được xếp đứng hàng thứ năm trên thế giới về giam giữ các phóng viên... những người hoạt động báo chí, hoạt động cổ súy cho Tự do Dân chủ và Nhân quyền tại Việt Nam.

Không còn lời lẽ nào để có thể biện minh cho các hành vi vi phạm liên tục và nghiêm trọng về quyền con người tại Việt Nam. Là một thành viên của cơ quan Nhân quyền Quốc tế, một cơ quan quyền lực của Liên Hiệp Quốc với trách nhiệm giám sát, cổ xúy và bảo vệ quyền con người ở khắp mọi nơi và tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, Việt Nam dường như lại đi ngược lại tất cả các cam kết của mình đối với Cộng đồng Quốc tế về quyền con người ... cũng như đã nhanh chóng quên đi trách nhiệm thiêng liêng cao quý của mình khi khoác lên mình chiếc áo nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Quyền con người của người dân tại đất nước mình còn không tôn trọng... thì làm thế nào chúng ta có thể tin rằng Việt Nam sẽ làm tốt trách nhiệm của mình trong việc giám sát và bảo vệ nhân quyền cho người dân tại các quốc gia khác trên thế giới...?

Cơ quan Nhân quyền Liên Hiệp Quốc không phải là nơi để diễn trò... và trách nhiệm của các thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng không phải là trò tiêu khiển ... để có thể hành xử theo ý muốn của mình hoặc hành xử một cách tùy tiện, sai trái. Việt Nam giờ đây đã trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc... do vậy không thể mãi tiếp tục phớt lờ dư luận, phớt lờ trước mọi cáo buộc về thành tích nhân quyền tệ hại của mình trước Cộng đồng Quốc tế. Các Nhà lãnh đạo Nhà nước cộng sản Việt Nam không thể tiếp tục chà đạp quyền con người...  khi đang mang trên mình chiếc áo Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Việt Nam không có nhiều sự lựa chọn... nếu thật sự mong muốn hòa nhập với Cộng đồng Quốc tế... thật sự muốn có tiếng nói và vai trò của mình trên trường Quốc tế... thì ngay từ bây giờ, các Nhà lãnh đạo quốc gia cộng sản này phải nhanh chóng xem xét cải thiện thành tích nhân quyền tệ hại của mình... phải nhanh chóng chấm dứt hành vi chà đạp nhân quyền và xem thường công pháp Quốc tế... bằng thiện chí thật sự qua các hành động cụ thể bao gồm cả việc trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm... hiện đang bị giam cầm bất hợp pháp trong ngục tù cộng sản Việt Nam.





Bản Tin


VIỆT NAM - 
Bài đăng : Thứ ba 21 Tháng Giêng 2014 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 21 Tháng Giêng 2014

Việt Nam đứng hàng thứ năm thế giới về giam giữ phóng viên

Ông Joel Simon, giám đốc điều hành Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ /Jeremy Bigwood)
Ông Joel Simon, giám đốc điều hành Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ /Jeremy Bigwood)

Thanh Phương
Vào lúc tình hình nhân quyền Việt Nam sắp được đưa ra xem xét tại Liên hiệp quốc theo cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát ( UPR ) ngày 05/02 tới, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo ( CPJ ) vừa công bố một báo cáo, theo đó, Việt Nam đứng hàng thứ năm thế giới về giam giữ phóng viên.

Theo báo cáo 2013 của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo( CPJ ), Việt Nam nằm trong số 10 nước đứng đầu danh sách các quốc gia giam giữ các phóng viên chỉ vì họ làm công việc nhà báo. Cụ thể, với 18 phóng viên đang ngồi tù, Việt Nam đứng hàng thứ 5 thế giới và chỉ là một trong hai quốc gia Đông Nam Á được nêu tên trong danh sách của năm 2013, cùng với Thái Lan ( 1 nhà báo bị giam ).
Chiếm hạng nhất trong danh sách năm 2013 là Thổ Nhĩ Kỳ ( 40 phóng viên bị giam ), tiếp đến là Iran ( 35 ), Trung Quốc ( 32 ) và Eritrea ( 22 ). Đứng hạng thứ năm, như vậy là « thành tích » của Việt Nam còn cao hơn cả Syria, vì quốc gia đang bị nội chiến ác liệt này chỉ đứng hàng thứ sáu, với 12 phóng viên đang ở sau chấn song sắt.
Trong số 18 nhà báo đang bị giam ở Việt Nam, CPJ đề cập trước hết trường hợp của blogger Điếu Cày/Nguyễn Văn Hải. Vào tháng 10 năm 2008, Điếu Cày đã bị tuyên án tù 2 năm rưỡi với tội danh trốn thuế, một tội danh mà theo các tổ chức nhân quyền chỉ là một cái cớ để bịt miệng một blogger vẫn chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Hà Nội. Sau khi mãn hạn tù, blogger Điếu Cày lại tiếp tục bị tuyên án 12 năm tù giam và 5 năm quản chế với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước » trong phiên xử vào tháng 9 năm 2012.
Trong báo cáo, CPJ nhắc lại là vào năm ngoái, blogger Điếu Cày đã tuyệt thực từ ngày 23/06 để phản đối việc quản lý trại giam buộc ông phải nhận tội. Ông chỉ ngưng tuyệt thực ngày 27/07 sau khi Viện kiểm sát hứa điều tra về đơn khiếu nại của ông tố cáo về tình trạng ngược đãi trong nhà tù.
Ngoài blogger Điếu Cày, trong danh sách các phóng viên đang bị giam ở Việt Nam còn có Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Huỳnh Duy Thức ( Trần Đông Chấn ), Lư Văn Bảy ( Trần Bảo Việt ), Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Paulus Lê Sơn, Nông Hùng Anh, Nguyễn Văn Duyệt, Tạ Phong Tần, Đinh Đăng Định, Lê Thanh Tùng, Nguyễn Văn Khương ( Hoàng Khương, báo Tuổi Trẻ ), Phạm Nguyễn Thanh Bình, Lê Quốc Quân, Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Võ Thanh Tùng ( Duy Đông, báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh).
Như ta thấy, trong danh sách 18 người nói trên, đa số là những blogger hay Facebooker, nhưng đối với CPJ, những người này làm công việc của nhà báo vì họ sử dụng Internet để chuyển tải thông tin hoặc bình luận về tình hình đất nước, trong bối cảnh mà Việt Nam chưa có báo chí tư nhân, mọi cơ quan báo chí đều do Nhà nước kiểm soát.
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo ( CPJ ) ghi nhận con số 18 phóng viên bị giam ở Việt Nam năm 2013 là cao hơn so với năm 2012 ( 14 nhà báo ngồi tù ), vào lúc mà chính quyền Hà Nội gia tăng trấn áp giới blogger độc lập.
Khi loan tin về báo cáo của CPJ, trang mạng The Diplomat lưu ý rằng một số nước Đông Nam như Thái Lan, Cam Bốt hay Malaysia cũng đang đối phó với những lực lượng đối lập ngày càng mạnh, nhưng việc trấn áp báo chí ở những nước này chẳng có nghĩa lý gì so với ở Việt Nam.
TAGS: BÁO CHÍ - PHÂN TÍCH - VIỆT NAM



Bản Tin

BBC


Nhân quyền VN 'xấu đi nghiêm trọng'

Cập nhật: 11:36 GMT - thứ ba, 21 tháng 1, 2014
Phiên tòa xử Lê Quốc Quân
Luật sư Lê Quốc Quân là một trong các tù nhân chính trị nổi tiếng ở Việt Nam
Việt Nam đã vượt Miến Điện về con số tù nhân chính trị và có thể đã đứng đầu khu vực Đông Nam Á về phương diện này, ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Thế giới (HRW) cho biết trong một cuộc họp báo.
Cuộc họp báo diễn ra ở Bangkok hôm 21/1 là để công bố phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền thế giới năm 2013.
Phúc trình cho biết tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã ‘xấu đi nghiêm trọng’ trong năm 2013.

Tù nhân và ngôn luận

Việt Nam hiện đang có khoảng từ 150 đến 200 tù nhân chính trị, theo ước lượng của HRW. Trong số này có 63 người bị kết án trong các phiên tòa có động cơ chính trị, tăng hơn so với 40 người trong năm 2012.
Như thế, với việc Miến Điện đã thả gần hết những tù nhân chính trị của họ trong năm 2013, Việt Nam có thể đã vươn lên giữ vị trí đầu bảng ở Đông Nam Á ở phương diện này, ông Robertson nói trước báo giới quốc tế.
Phúc trình của HRW lên án việc các tòa án ở Việt Nam ‘không có sự độc lập và không thiên vị theo yêu cầu của luật pháp quốc tế’.
“Khi mà Đảng Cộng sản và chính quyền có lợi ích trong phiên tòa thì chính họ chứ không phải sự thật và luật pháp mới là nhân tố quyết định bản án,” phúc trình viết, “Các phiên xử thường đầy những vi phạm về tố tụng để đưa ra những phán quyết mang tính chính trị đã được quyết định từ trước”.
"Khi mà Đảng Cộng sản và chính quyền có lợi ích trong phiên tòa thì chính họ chứ không phải sự thật và luật pháp mới là nhân tố quyết định bản án."
Phúc trình của HRW
Phúc trình dẫn những điều luật trong Bộ Luật hình sự của Việt Nam như điều 79, 87, 88, 89, 91 và 258 và thậm chí cả luật thuế đã được sử dụng để bỏ tù những người cổ súy thay đổi chính trị.
Trường hợp Luật sư Lê Quốc Quân bị chính quyền kết án 30 tháng tù giam về tội ‘trốn thuế’ được HRW đưa ra làm ví dụ.
Về tự do ngôn luận, báo cáo viện dẫn Nghị định 72 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành cấm các trang cá nhân tổng hợp thông tin trên mạng và việc khởi tố các blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào dựa trên điều luật 258 để làm bằng chứng cho việc chính quyền tăng cường tấn công vào những cây bút độc lập trên mạng.

Hội họp và tôn giáo

Về quyền tự do hội họp, HRW lên án việc chính quyền Việt Nam không cho phép tổ chức các cuộc tuần hành, tập hợp hay biểu tình mà họ cho là mang tính chính trị và trừng trị những ai dám chống lại.
Ví dụ mà HRW đưa ra là việc chính quyền can thiệp và quấy rối các buổi dã ngoại nhân quyền hồi tháng Năm ở ba thành phố lớn trong khi những người tham dự chỉ thảo luận Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền và ngăn không cho các nhân vật đối kháng như các ông Huỳnh Ngọc Chênh và Nguyễn Hoàng Đức ra nước ngoài.
Chính phủ cũng tăng cường kiểm soát tôn giáo, phúc trình cho biết, bằng cách dùng bạo lực trấn áp các nhóm tôn giáo nằm ngoài khuôn khổ các giáo hội của Nhà nước như các nhóm Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tin Lành và Công giáo ở Tây Nguyên, Phật giáo Khmer Krom và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Ngoài ra, HRW cũng lên án việc bỏ tù 14 thanh niên mà đa phần là Công giáo và Tin Lành ở Nghệ An hồi đầu năm 2013 mặc dù những thanh niên này chỉ ‘thực hiện những quyền tự do căn bản’.

Hiến pháp và giam giữ

Bản Hiến pháp mới mà Quốc hội Việt Nam vừa thông qua hôm 28/11 được HRW nhận xét là ‘dù có những cam kết về nhân quyền nhưng lại có nhiều kẽ hở nghiêm trọng’ và ‘không đảm bảo việc bảo vệ và phát huy các quyền tự do căn bản’.
Không những thế, chính quyền Việt Nam còn bị lên án về tình trạng bạo lực trong giam giữ khi mà có những tin tức từ truyền thông chính thức và các nguồn khác về việc công an ‘bạo hành, tra tấn hoặc thậm chí làm chết người bị giam giữ’.
Phúc trình cũng nêu lên tình trạng những người nghiện ma túy, kể cả trẻ em, bị giam giữ ở những trung tâm cai nghiện và bị bắt ‘lao động cải tạo’.
“Việc giam giữ này không có cơ quan pháp luật nào giám sát cả. Ai vi phạm kỷ luật sẽ bị đánh đập và nhốt trong phòng cách ly nơi họ không có đồ ăn thức uống,” báo cáo viết.
“Việt Nam tiếp tục ngày càng đi xuống về nhân quyền,” ông Phil Robertson kết luận.
Những cáo buộc của HRW thường bị Việt Nam bác bỏ, xem đó là "bịa đặt" hay "vu cáo".

Thêm về tin này