Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

" TỪ CHỨC"... QUY CHẾ HAY VÌ LƯƠNG TÂM TRÁCH NHIỆM VÀ LÒNG TỰ TRỌNG CỦA CÁC QUAN CHỨC CHÍNH PHỦ LẪN LÃNH ĐẠO BỘ NGÀNH CÁC CẤP ...?









                                SỰ THẬT - CÔNG LÝ - TÌNH YÊU





Do Minh Tuyen



Nhìn bức hình Ngài Thủ tướng Đại Hàn Dân quốc nghiêng mình kính cẩn nhận lỗi trước toàn thể dân chúng Hàn Quốc... đồng thời xin được từ chức vì cảm thấy lương tâm và trách nhiệm của mình trong cương vị một quan chức lãnh đạo chính phủ chưa làm tròn hết trách nhiệm trong vụ chìm phà tang thương mới đây dẫn đến hơn 100 nạn nhân tử vong... trong lúc bên cạnh đó, người đứng đầu Bộ Y tế Việt Nam, bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn thị Kim Tiến lại tỏ thái độ khác hẳn một trời một vực... thậm chí gây sốc và tạo ra làn sóng phẩn nộ trong lòng người dân khi có những lời phát biểu vô trách nhiệm và vô đạo đức của một quan chức lãnh đạo Bộ Y tế... cơ quan hàng đầu của Việt nam trong công tác ngành Y... trong số đó nhiều người dân từ cộng đồng người Việt trong nước lẫn hải ngoại đã kêu gọi Bà Bộ trưởng nên từ chức... mà trong lòng mọi người chúng ta cảm thấy vô vàn xót xa.



Thật ra, việc các quan chức lãnh đạo chính phủ xin được từ chức khi xảy ra những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng ... mà họ cảm thấy rằng bản thân chưa làm hết trách nhiệm, hoặc tự chịu trách nhiệm liên đới với thuộc cấp của họ. Đó chính là danh dự, lương tâm và lòng tự trọng của các quan chức lãnh đạo chính phủ hoặc lãnh đạo các Bộ Ngành tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên tại Việt Nam, việc từ chức đối với các quan chức lãnh đạo dường như chỉ là điều gì đó xa xôi, xa lạ và hãn hữu... nếu không nói là chưa từng xảy ra và chưa từng có tiền lệ đó... Trong lúc hàng loạt các vấn đề nghiêm trọng xảy ra gây hệ lụy không nhỏ trong mọi lĩnh vực bao gồm Kinh tế, Xã hội, Y tế, Văn hóa giáo dục... và nhiều lĩnh vực khác nữa... đặc biệt là đối với vấn nạn tham nhũng lan tràn hiện nay... ? 



Hàng loạt các vụ tham nhũng nghiêm trọng trong guồng máy doanh nghiệp Nhà nước... và những dự án bất khả thi gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho đất nước đã xảy ra như các vụ : Vinashine, Tổng công Ty Hàng Hải Việt Nam Vinalines, dự án Bô xít Tây Nguyên, Bộ Giao thông Vận tải (PMU18), và những sai trái trong nhiều lĩnh vực khác gây hậu quả nghiêm trọng lẫn mất niềm tin nơi nhân dân bao gồm lĩnh vực đất đai đối với các trường hợp như tại Tiên Lãng, Vụ Bản, Văn Giang, Dương Nội... hay các vụ án oan sai, các trường hợp công an bạo hành, tra tấn bức cung dẫn đến các nạn nhân tử vong..v..v... nhưng vẫn chưa hề thấy các quan chức nào dám đứng ra tự nhận trách nhiệm... chứ đừng nói chi đến việc nhận lỗi trước toàn dân hay cảm thấy lương tâm cắn rứt mà xin từ chức như hành động đáng trân trọng ngày hôm nay của Ngài Thủ tướng Đại Hàn Dân Quốc Chung Hon-Won. Mọi người chúng ta chắc vẫn chưa quên lời phát biểu gây ồn ào của Đương kim Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khi ông nhậm chức Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vào ngày 27/06/2006 rằng: " Nếu không chống được tham nhũng tôi xin từ chức "... Thế nhưng, tham nhũng thì cứ ngày một lan tràn và càng lúc càng quy mô nghiêm trọng... mà chiếc ghế Thủ tướng Việt Nam của Ngài Nguyễn Tấn Dũng vẫn bình chân như vại... thì nói chi đến các lãnh đạo Bộ Ngành khác tại Việt Nam, những người chưa từng lấy một ngày thật sự quan tâm đến lợi ích người dân, lợi ích Cộng đồng Xã hội... và lợi ích của Quốc gia Dân tộc... thì mong gì đến danh dự, lương tâm và lòng tự trọng của họ khi nhắc đến văn hóa " Từ chức'... mà các quốc gia khác trên thế giới đã và đang làm như hiện nay.




Bản Tin




VN định sửa quy chế từ chức

Cập nhật: 13:20 GMT - thứ hai, 28 tháng 4, 2014

Gần đây có một số ý kiến trên mạng đòi Bộ trưởng Y tế từ chức
Việt Nam dự định sửa đổi quy chế liên quan việc từ chức của lãnh đạo trong bối cảnh dư luận trong nước đòi hỏi xem xét trách nhiệm của quan chức.
Bộ Nội vụ Việt Nam đang lấy ý kiến đến hết ngày 18/6 cho một dự thảo nghị định “về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm và luân chuyển đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý”.
Quy chế từ chức đã có trong nhiều văn bản của chính phủ Việt Nam.
Nhưng truyền thông trong nước nói điểm mới của dự thảo nghị định là quy định rõ quy trình xem xét cho từ chức.
Trong quy trình này, người xin từ chức phải làm đơn trình bày lý do, nguyện vọng, sau đó người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho từ chức,” theo báo Người Lao Động.
Dự thảo này đặt ra bốn trường hợp để quan chức nhà nước làm đơn từ chức.
  • Nhận thấy sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, đơn vị mình hoặc cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình.
  • Chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý
  • Nhận thấy không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao
  • Vì các lý do cá nhân khác
Báo Pháp luật TP. HCM cho biết thêm có hai trường hợp, theo dự thảo, mà quan chức không được từ chức.
Đó là người đang đảm nhận nhiệm vụ “quốc phòng, an ninh quốc gia, đang đảm nhận nhiệm vụ trọng yếu, cơ mật, chưa hoàn thành nhiệm vụ mà cần tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ do người đó thực hiện”.
Ngoài ra là người “đang trong quá trình bị thanh tra, kiểm tra, điều tra của cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo vệ pháp luật hoặc bị xem xét kỷ luật về đảng, chính quyền”.
"Việc gì cũng phải có lúc bắt đầu, nếu có vài trường hợp dũng cảm đi đầu (từ chức) sẽ tạo được hành động văn hóa này."
Lê Như Tiến, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Trả lời báo Người Lao Động về nghị định này, ông Lê Như Tiến, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định rằng ở Việt Nam ‘chưa có thói quen từ chức’.
“Lâu nay, việc cán bộ xin từ chức vì mất uy tín ở nước ta rất hãn hữu. Phần lớn từ chức là để xin thôi việc, vì lý do sức khỏe, về quê… Còn từ chức do năng lực quản lý có hạn, do tín nhiệm thấp là gần như không có,” ông Tiến được dẫn lời nói.
“Việc gì cũng phải có lúc bắt đầu, nếu có vài trường hợp dũng cảm đi đầu sẽ tạo được hành động văn hóa này,” ông nói thêm.

Bi kịch của quan chức?

Tuy nhiên, trao đổi với BBC, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà quan sát chính trị từ trong nước, nói rằng nghị định này là ‘nực cười và lố bịch’.
“Từ chức là quyền hiển nhiên của bất kể một ai,” ông giải thích, “Làm không tốt việc gì thì vì lòng tự trọng mình phải rút lui.”
“Người ta luôn nghĩ rằng tôi phải làm việc đó vì sự phân công của Đảng. Đó là lối suy nghĩ hết sức vớ vẩn để che đấy việc cố bám lấy quyền chức của họ mà thôi,” ông nói thêm.
"Họ (các quan chức Việt Nam) không còn là chính họ nữa mà trở thành đinh ốc của một bộ máy được ai đó tổ chức, lắp đặt vào."
Tiến sỹ Nguyễn Quang A
Khi được hỏi việc từ chức đột ngột có thể ảnh hưởng đến chức trách, Tiến sỹ A nói rằng ‘cấp trên có thể cân nhắc tạm thời chưa cho anh từ chức hay là để anh từ chức sau một thời gian nhất định nào đấy’.
Về việc một quan chức nào đó ở Việt Nam có thể từ chức hay không khi điều này còn tùy thuộc vào quyết định của Đảng, ông Quang A cho rằng đó là ‘bi kịch của quan chức nhà nước trong chế độ Đảng Cộng sản’.
“Họ (các quan chức Việt Nam) không còn là chính họ nữa mà trở thành đinh ốc của một bộ máy được ai đó tổ chức, lắp đặt vào,” ông nói.

Thêm về tin này

Chủ đề liên quan


Nguồn :  BBC TIẾNG VIỆT



Bản Tin



Thủ tướng Hàn Quốc từ chức sau vụ chìm phà

28/04/2014 07:25 (GMT + 7)
TT - Thủ tướng Hàn Quốc trở thành quan chức cấp cao nhất xin từ nhiệm liên quan tới thảm họa đắm phà khiến hơn 300 người thiệt mạng và mất tích, phần lớn trong số này là học sinh tại một trường cấp III.

Theo Yonhap, đơn từ chức của ông Chung Hong Won đã được Tổng thống Park Geun Hye chấp thuận nhưng chưa nói ông sẽ rời nhiệm sở vào thời điểm nào. Trong hệ thống của Hàn Quốc, thủ tướng là người có quyền hành thứ hai sau tổng thống.
Trong bài phát biểu khi thông báo từ nhiệm, ông Chung thừa nhận mình không làm hết trách nhiệm khi phà Sewol chở 476 người bị lật. “Tôi xin lỗi vì đã không thể ngăn chặn tai nạn này và đã không có những phản ứng phù hợp sau khi tai nạn xảy ra. Tôi tin rằng với cương vị một thủ tướng, tôi phải lãnh trách nhiệm và từ chức” - ông nói. Ông Chung từng bị la ó và ném chai nước khi đi thăm gia đình các nạn nhân cách đây hơn một tuần.
“Tai nạn này khiến tất cả người dân Hàn Quốc bàng hoàng và đau xót. Nhiều ngày trôi qua kể từ khi tai nạn xảy ra, tiếng gào thét của thân nhân những hành khách mất tích khiến chúng tôi không thể nào chợp mắt - ông Chung phát biểu trong buổi họp báo - Tôi hi vọng rằng người dân và gia đình các nạn nhân sẽ thông cảm và tha thứ cho việc tôi không thể hoàn thành chức trách. Một lần nữa tôi xin các bạn hỗ trợ việc tìm kiếm cứu hộ”.
Thân nhân của những hành khách thiệt mạng và mất tích chỉ trích việc chậm trễ trong công tác tìm kiếm có thể khiến số người thiệt mạng tăng lên. Nhiều người còn cho rằng việc quản lý yếu kém và tiêu chuẩn an toàn lỏng lẻo là nguyên do tai nạn. Nhiều thông tin cung cấp cho gia đình nạn nhân không chính xác và có cả trường hợp đưa nhầm thi thể cho gia đình nạn nhân.
Tai nạn chìm phà hôm 16-4 khiến ít nhất 187 người thiệt mạng và 115 người mất tích. Thi thể các nạn nhân còn lại có thể bị kẹt trong xác chiếc phà đắm. Cả 15 thành viên thủy thủ đoàn đều đã bị bắt do liên quan tới vụ việc.
ĐÔNG PHƯƠNG




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét