Thứ bảy, 05/07/2014

Tin tức / Việt Nam

Đỗ Thị Minh Hạnh: ‘May mắn đã được ở tù’

VOA phỏng vấn nhà hoạt động công đoàn trẻ Đỗ thị Minh Hạnh qua Skype
VOA phỏng vấn nhà hoạt động công đoàn trẻ Đỗ thị Minh Hạnh qua Skype
Một nhà hoạt động công đoàn trẻ tuổi đươc trả tự do vô điều kiện giữa những áp lực gia tăng từ Mỹ về vấn đề nhân quyền Việt Nam trong lúc Hà Nội mong muốn gia nhập Hiệp định Tự do Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP vốn yêu cầu tôn trọng quyền của người lao động, quyền tự do lập hội, và công đoàn độc lập.
Hạnh cũng muốn gửi đến các bạn trẻ rằng nếu các bạn đấu tranh thì các bạn đừng nên sợ tù đày. Các bạn nên cảm thấy như Hạnh là may mắn khi được ở tù. Bởi khi các bạn ở tù, các bạn sẽ hiểu được rất nhiều vấn đề mà có thể các bạn đã bỏ lỡ hay lãng quên. Những điều các bạn chưa thực hiện được sau khi ở tù các bạn sẽ có rất nhiều kinh nghiệm để áp dụng tiếp cho con đường của mình. Hạnh sẽ tiếp tục con đường đã chọn.
Cô Đỗ Thị Minh Hạnh hôm 26/6 được phóng thích sớm 2 năm 8 tháng trong bản án 7 năm tù về tội danh phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân’ vì tổ chức cho công nhân đình công đòi tăng lương và đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho nông dân bị mất đất.
Tạp chí Thanh Niên hôm nay mời quý vị cùng gặp gỡ cô gái nhỏ bé dấn thân hoạt động xã hội từ độ tuổi đôi mươi, người có tên trong danh sách các tù nhân lương tâm tại Việt Nam được quốc tế biết tiếng.
Bấm vào nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn với Đỗ Thị Minh Hạnh
Đỗ Thị Minh Hạnh: Ngày 29/5, ban giám thị trại giam Thanh Xuân gọi Hạnh ra đưa hai tờ giấy gồm Đơn xin Đặc xá và Lời Cam kết. Họ nói sẽ thả Hạnh về. Hạnh hỏi có điều kiện gì không vì Hạnh sẵn sàng ở đủ chứ quyết không ‘nhận tội’. Ban giám thị trả lời là không có điều kiện gì cả, chỉ cần điền các tờ đơn này để hợp lý hóa hồ sơ trả Hạnh về. Ngoài ra, không có yêu cầu phải ‘nhận tội’. 
Trà Mi: Xưa nay các yếu tố chính thường được nhà nước nêu lên khi giảm án cho tù nhân lương tâm là ‘lao động-cải tạo tốt’ hoặc ‘nhận tội’, ‘xin khoan hồng’. Hạnh không ‘nhận tội’ và cũng không ‘lao động tốt’ vì đã đôi lần chống lại lệnh lao động trong trại giam. Theo Hạnh hiểu, lý do chính của việc phóng thích này là gì?
Đỗ Thị Minh HạnhBan giám thị nói với Hạnh rằng có nhiều yếu tố như bệnh già yếu, mắc bệnh nguy hiểm, là người kinh tế trụ cột trong gia đình, hoặc lý do khách quan về ngoại giao.
Trà Mi: Trong những lý do nêu ra đó, Hạnh thấy cái nào phù hợp nhất đối với trường hợp của mình?
Đỗ Thị Minh Hạnh: Lý do ngoại giao là phù hợp nhất vì hôm 24/4/2014, hai phái đoàn của chính phủ Đức và lãnh sự quán Na Uy tại Việt Nam đã vào trại giam Thanh Xuân gặp Hạnh.
Trà Mi: Hạnh cùng bị bắt và bị tuyên án với 2 người bạn đồng chí hướng là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương. Vì sao Hạnh chứ không phải là Hùng hay Chương được phóng thích sớm?
Đỗ Thị Minh Hạnh: Thật sự mẹ Hạnh đã đi khắp nơi cầu cứu không chỉ cho Hạnh mà còn kêu gọi cho anh Chương, anh Hùng. Hy vọng chính quyền Việt Nam sẽ trao trả tự do anh Chương, anh Hùng cũng như các tù nhân lương tâm khác, đặc biệt là chị Mai Thị Dung.
Trà Mi: Hạnh đã nhiều lần khẳng định là không bao giờ ‘nhận tội’ hay ‘xin khoan hồng’. Song, báo Quân đội Nhân dân hôm 18/1/2014 nói rằng: “Trước vành móng ngựa, Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng đã thành khẩn thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình, đồng thời xin được khoan hồng. Chính vì vậy mà Đỗ Thị Minh Hạnh đã được hưởng mức án nhẹ hơn nhiều tội phạm khác có cùng hành vi.” Thực hư ra sao?
Đỗ Thị Minh Hạnh: Hạnh cảm thấy buồn cười. Nếu Hạnh ‘nhận tội’ thì tại phiên tòa đầu tiên Hạnh đã không hát. Tại phiên tòa đó, Hạnh hát, anh Chương hát. Còn anh Hùng đứng rất hiên ngang, mặt đưa lên trời. Sự thật là các anh em rất kiên cường.
Trà Mi: Thường khi người ta trong cùng cảnh ngộ, trải qua cùng hoàn cảnh thì mới dễ đồng cảm, rồi dấn thân, lên tiếng tranh đấu cho những quyền lợi mà trong đó có của mình. Hạnh bảo vệ quyền lợi cho công nhân, cho nông dân bị mất đất dù Hạnh không phải là công nhân và gia đình Hạnh cũng không bị mất đất đai. Vì sao Hạnh lại quan tâm đến quyền lợi của giới công nhân, nông dân mà bạn không phải là một thành phần trong đó?
Đỗ Thị Minh Hạnh: Câu chuyện này đã khiến Hạnh quan tâm đến công nhân. Một lần Hạnh đi xe từ Sài Gòn về quê, ngồi cạnh một nữ công nhân ẵm một đứa con nhỏ. Qua trò chuyện, chị ấy kể về cuộc sống của người công nhân làm điều khổ lắm. Chị nói nhiều khi làm việc đói quá phải ăn cắp điều để ăn. Những lời chị ấy kể làm Hạnh suy nghĩ rất nhiều. Bạn bè Hạnh cũng có một số người làm công nhân. Họ cũng kể cho Hạnh nghe về cuộc đời của họ. Hạnh cảm thấy có một sự đồng cảm và thương xót. Mình thấy mình may mắn hơn phải làm sao giúp họ, để họ một cuộc sống tốt hơn.
Trà Mi: Từ phút ban đầu bắt đầu tìm hiểu về hoàn cảnh sống của công nhân cho tới khi bắt đầu có những hoạt động như rải truyền đơn kêu gọi công nhân đình công đòi tăng lương, Hạnh làm thế nào có thể tiếp xúc gần gũi với giới công nhân?
Đỗ Thị Minh Hạnh: Khi Hạnh tốt nghiệp phổ thông lên Sài Gòn đi học và kiếm việc làm, Hạnh thấy được nhiều cảnh cơ hàn hơn. Mình khao khát muốn giúp họ, nhưng cô đơn lắm, không có ai chỉ bảo hay dẫn dắt. Vô tình Hạnh gặp được một người anh. Anh cho Hạnh địa chỉ vài người để Hạnh tự tìm hiểu và có một quyết định sáng suốt. Thế là Hạnh lặn lội từ Nam ra Bắc, đi khắp nơi tìm các nhà đấu tranh dân chủ. Sau mấy năm trời, Hạnh tìm được anh Chương, anh Hùng và rất nhiều người khác. Nhóm của Hạnh quyết định thành lập Lao động Việt.
Trà Mi: Yếu tố nào thúc đẩy Hạnh đánh đổi tuổi trẻ và ngưỡng cửa tương lai đầy hứa hẹn để dấn thân vào con đường chông gai? Hạnh muốn nói gì về sự lựa chọn đó?
Đỗ Thị Minh Hạnh: Khao khát Việt Nam có được một công đoàn riêng của công nhân và phải được công nhận: đó là mục đích mà các anh em muốn hướng tới. Chính vì vậy, Hạnh mới dấn thân bước vào con đường này, xuất phát từ lòng yêu nước. Hạnh chỉ thấy bất công, muốn đi và phải đi. Hạnh cũng bị nhiều sự cản trở, nhất là từ gia đình. Hạnh phải từ bỏ tất cả để bước đi.
Trà Mi: Những hoạt động Hạnh nói xuất phát từ lòng yêu nước rằng thấy bất công không thể khoanh tay đứng nhìn bị nhà nước gọi là ‘bất hợp pháp’, là ‘vu cáo’, ‘bôi nhọ đảng’, ‘kích động biểu tình’, ‘gây rối trật tự công cộng’, và ‘tham dự cuộc họp của các tổ chức phản động hải ngoại’. Hạnh phản hồi thế nào?
Đỗ Thị Minh Hạnh:  Đó là đối với họ thôi. Thật sự Hạnh không còn tin tưởng vào công đoàn Việt Nam sau thời gian dài tìm hiểu từ phía công nhân. Tất cả công đoàn ở Việt Nam không đứng ra bảo vệ quyền lợi của công nhân. Hạnh sẽ viết đơn đi đâu để khiếu kiện đây? Họ quy chụp Hạnh, quy chụp lòng yêu nước của những anh em khác. Họ chụp mũ chẳng qua vì họ không cho phép các công đoàn đứng về phía công nhân để đấu tranh cho quyền lợi của công nhân.
Trà Mi: Hạnh từng nói nếu không làm được gì nhiều thì ít nhất phải được khóc cùng với bà con qua các hoạt động dấn thân bảo vệ họ. Những giọt nước mắt trong lao tù ấy có ý nghĩa thế nào trong cuộc đời Hạnh?
Đỗ Thị Minh Hạnh: Nước mắt của Hạnh không dành cho sự đớn đau về thể xác, mà dành cho sự đớn đau về những mãnh đời cùng khổ của người dân Việt Nam. Chính những điều đó làm cho Hạnh có động lực để bước tiếp con đường của mình. Hạnh tin rằng chân lý sẽ chiến thắng và quyết đi đến hết con đường của mình.
Trà Mi: Những ngày tháng trong tù Hạnh trải qua thế nào? Có gì đáng nhớ?
Đỗ Thị Minh Hạnh: Rất nhiều điều đáng nhớ: hạnh phúc với tình đồng đội và căm phẫn với sự hành hạ đê hèn của chính quyền cộng sản. Trại giam Xuân Lộc có thái độ ứng xử khinh miệt Hạnh. Hạnh kịch liệt phản đối và chống đối lao động. Họ đưa Hạnh vào phòng giam gồm những người án tử hình, chung thân, hoặc tiền án tiền sự nhiều, rất dữ để canh chừng Hạnh. Họ dùng phương thức tù trị tù, tù xử tù, đánh đập Hạnh. Hạnh bị đánh rất dã man, bị đánh hội đồng. Không biết Hạnh đã chịu bao nhiêu cú đạp, cú đá. Hạnh còn bị nhốt lên một cái xe đẩy trông giống một con heo vậy. 
Trà Mi: Một cô gái nhỏ bé giữa chốn lao tù khắc nghiệt không nhận tội, không sợ hãi, không lùi bước. Điều gì đã tiếp sức cho Hạnh?
Đỗ Thị Minh Hạnh: Là gia đình. Trong 4 năm lao tù, Hạnh không biết ở bên ngoài cộng đồng quốc tế kêu gọi tự do cho Hạnh nhiều đâu. Hạnh nghĩ Hạnh đã chiến thắng vì đã làm cho gia đình hiểu mình, ủng hộ con đường Hạnh đi. Điều đó làm Hạnh cảm thấy hạnh phúc.
Trà Mi: Một nét đặc biệt ở Hạnh so với những tù nhân lương tâm khác là thái độ lạc quan, bình thản. Hạnh hát trên đường ra tòa, Hạnh hát trên đường về trại giam, và ngay sau khi được trả tự do Hạnh cũng hát. Một hình ảnh mà có người ví von như là một con chim dù bị nhốt trong lồng, nhưng chiếc lồng sắt đó chỉ có thể giam giữ đôi cánh của nó chứ không thể giam hãm tiếng hót của nó. Bây giờ cánh chim được tự do, trong thời gian tới, tiếng hót của nó sẽ như thế nào và những sải cánh sắp tới của nó sẽ ra sao?
Đỗ Thị Minh Hạnh: Khi Hạnh hát, Hạnh chỉ nghĩ rằng mình chẳng nên khiếp sợ làm gì, hãy hát để gửi đến anh em đồng đội của mình. Hạnh dùng tiếng hát khuấy động lương tâm các thanh niên trẻ, các bạn bè anh em và cổ vũ tinh thần cho những tù nhân lương tâm. Hạnh cũng muốn gửi đến các bạn trẻ rằng nếu các bạn đấu tranh thì các bạn đừng nên sợ tù đày. Các bạn nên cảm thấy như Hạnh là may mắn khi được ở tù. Bởi khi các bạn ở tù, các bạn sẽ hiểu được rất nhiều vấn đề mà có thể các bạn đã bỏ lỡ hay lãng quên. Những điều các bạn chưa thực hiện được sau khi ở tù các bạn sẽ có rất nhiều kinh nghiệm để áp dụng tiếp cho con đường của mình. Hạnh sẽ tiếp tục con đường đã chọn. Gắn bó với công nhân, nông dân là con đường mà Hạnh luôn trung thành tuyệt đối.
Trà Mi: Có người nói ‘đấu tranh là tránh đâu’ thì đấu tranh làm gì, mang lại được lợi ích gì hay không. Đối với những bạn trẻ có thắc mắc đó, Hạnh trả lời thế nào?
Đỗ Thị Minh Hạnh: Tại sao bạn lại cứ hỏi lợi ích cho bản thân mình, sao bạn không hỏi lợi ích của đất nước nằm ở đâu, Hạnh chỉ có thể hỏi lại các bạn câu hỏi đó mà thôi.    
Trà Mi: Vừa rồi là cuộc trao đổi với nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh sau khi cô được trả tự do. Hai người bạn của cô, Đoàn Huy Chương và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, cùng bị bắt năm 2010 hiện vẫn đang thọ án tù, lần lượt là 7 và 9 năm.