Việt Nam – Trung Quốc ‘vừa hợp tác, vừa đấu tranh’

  • 2 giờ trước





Trả lời tại Quốc hội Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề ra sáu chữ cho quan hệ với Trung Quốc, "vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.
Ông Dũng có phiên trả lời chất vấn vào chiều ngày 19/11.
Trước câu hỏi về chủ trương của Đảng Cộng sản sau khi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, ông Dũng nói cần gìn giữ hòa bình, hữu nghị.
"Đối với Trung Quốc chúng ta là láng giềng, dù mưa bão chúng ta vẫn là láng giềng, mãi mãi là láng giềng.”
"Do vậy cần gìn giữ hòa bình, hợp tác cùng phát triển để thực hiện một các thực chất phương châm 16 chữ, để đem lại lợi ích cho cả 2 nước.”
Ông đề ra sáu chữ cho quan hệ song phương, "vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.
"Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh không chỉ với Trung Quốc mà với tất cả với các nước. Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để có hòa bình ổn định, có hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, cùng có lợi cùng phát triển, cùng thịnh vượng.”
Thủ tướng Việt Nam cũng được hỏi về tin Trung Quốc xây dựng hạ tầng tại một đảo có tranh chấp ở Trường Sa.





Ông nói: "Theo thông tin báo chí đảo Chữ Thập đang được bồi đắp thành một đảo lớn nhất ở Quần đảo Trường Sa.”
"Chúng ta phản đối, vì điều này đã vi phạm điều 5 của tuyên bố DOC, tức là vi phạm tuyên bố về thái độ ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông mà Trung Quốc là một bên ký kết với các nước ASEAN.”
Thủ tướng Dũng nhấn mạnh ông luôn nêu lập trường về biển đảo của Việt Nam khi dự các hội nghị quốc tế như hội nghị Asean gần đây.
Trong ngày 19/11, Thủ tướng Việt Nam có báo cáo giải trình nhiều vấn đề kinh tế, xã hội trước Quốc hội.
Một trong những chủ đề được ông đề cập là khu vực ngân hàng.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam nói theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 khoảng 3,8% và ước tính đến cuối năm 2014 còn khoảng 2,5 - 2,7%.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đưa ra con số cao hơn: tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 khoảng 5,4%, ước đến cuối năm 2014 còn khoảng 3,7 - 4,2%.
Ông Dũng giải thích có sự chênh lệch trong đánh giá vì Ngân hàng Nhà nước "giám sát và đánh giá lại chặt chẽ hơn việc phân loại nợ của các tổ chức tín dụng”.