Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

HỒI TƯỞNG VỀ CỐ THIẾU TÁ ĐẶNG SỸ VINH VÀ GIA ĐÌNH VỢ CON TỰ SÁT NGÀY 30-04-1975









           SỰ THẬT - CÔNG LÝ - TÌNH YÊU







THIẾU TÁ ĐẶNG SỸ VINH

Chúng ta cần gìn giữ để trang sử Việt Nam không bị mai một

Đất nước Việt Nam anh hùng hào kiệt đời nào cũng có. Những đấng tiền nhân tiên liệt đã vị quốc vong thân. Phận làm con cháu chúng ta cần ghi nhớ công đức ! đó mới gọi là hiếu nghĩa vẹn toàn.







Thiếu tá Đặng Sỹ Vinh (chưa có hình). Những tử sĩ vì danh dự cho tổ quốc họ đã hy sinh một đời. Vì vậy nếu quí vị nào có tấm hình của Vị Anh Hùng này xin chia sẽ chúng tôi tại dominhtuyen1962@gmail.com chúng tôi để tưởng niệm.


Tuẫn Tiết

Đặng Sỹ Vinh
Thiếu tá BTL CSQG
30/4/1975 tự sát cùng vợ và 7 con 

Vào khoảng đầu năm 1974, Thiếu Tá Vinh, vợ và 7 người con dọn về sinh sống ở một khu bình dân, ngoài ngoại ô vùng Sài Gòn.

Theo một người hàng xóm cho biết. Và sau một thời gian rất ngắn, gia đình của Th/Tá Vinh được sự thông cảm, và quí mến của bà con lối xóm. Người con trai đầu lòng của Th/Tá Vinh chừng 30 tuổi, Tr/Uy Quân Y, sau khi tốt nghiệp trường Dược (Pharmacist Of medical School), và người con gái út khoảng 15 tuổi.

Gia Đình của Th/Tá Vinh là một gia đình sung sướng, hạnh phúc, nếu Sài Gòn đừng có rơi vào tay bọn Cộng-sản miền Bắc. Theo lời kể lại của hàng xóm về chuyện Th/Tá Vinh, người nắm một chức vụ trong Bộ Cảnh Sát Quốc Gia tại Sài Gòn. Chừng 2 giờ chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau khi Tổng Thống Dương Văn Minh ra lệnh buông súng đầu hàng, thì bà con xung quanh kề cận với gia đình Th/Tá Vinh, nghe vài tiếng súng nổ, xuất phát từ trong nhà của Th/Tá Vinh.

Sau khi thấy không còn nguy hiểm, thì những người lối xóm bước vô trong nhà của Th/Tá Vinh. Họ đã chứng kiến Th/Tá Vinh, vợ, và 7 người con nằm kế bên nhau, trên một chiếc giường, tất cả đều đã chết, do thương tích từ viên đạn xuyên qua thái dương.

Kế bên là bàn ăn, là bữa ăn rất tươm tất. Kế đó là 9 cái ly uống nước trên bàn, mối cái ly đều có dấu vết tích để lại một chất bột màu hồng, đọng lại dưới đáy mỗi cái ly. Có lẽ đây là thuốc ngủ, mà trước đó Th/Tá Vinh đã cho mỗi người trong gia đình uống.

Sau đó tử tự bằng súng lục Colt45. Một cái tủ sắt đã mở sẵn, Th/Tá Vinh đã để lại vài trăm ngàn đồng tiền mặt, tương đương chừng $500 US dollars, cùng với một bức thư ngắn, do chính tay Th/Tá Vinh viết: “Bà Con mến, Mong Bà Con niệm tình tha thứ cho gia đình chúng tôi, bởi vì chúng tôi không muốn sống dưới chế độ Cộng-sản này.

Nên chúng tôi đã chọn cái chết, và chính cái chết đó, có thể đem lại sự buồn phiền đến với bà con. Xin nhờ bà con báo tin này đến người chị (em) của tôi tên là ..., ở ..., và dùng số tiền này, để lo chôn cất cho gia đình chúng tôi. Xin đa tạ Đặng Sĩ Vinh”.






HỒI TƯỞNG VÊ CỐ CHUẨN TƯỚNG TRẦN VĂN HAI - ANH DŨNG TỰ SÁT NGÀY 30-04-1975










          SỰ THẬT - CÔNG LÝ - TÌNH YÊU






                                               


                               Chuẩn Tướng TRẦN VĂN HAI và Viên Đạn Cuối Cùng

                                                                   

Chuẩn Tướng Trần văn Hai
Cuộc Đời Binh Nghiệp vô cùng gian nan*



       Chuẩn tướng Trần Văn Hai sanh năm 1929 tại Cần Thơ.  Ông tốt nghiệp Khoá 7 Sĩ Quan Hiện Dịch,  phục vụ tại chiến trường miền Bắc cho tới khi đất nước chia đôi.

       Sau khi trở về miền Nam, ông phục vụ tại nhiều đơn vị khác nhau tại miền Trung cho tới khi được gởi sang thụ huấn khóa Bộ binh Cao cấp tại Hoa Kỳ năm 1960.  Lúc đó ông mang cấp bậc đại uý.

       Trở về nước, ông tình nguyện sang phục vụ tại binh chủng Biệt Động Quân vừa mới được thành lập và được đưa ra Đà Nẵng để phối hợp  với toán cố vấn Mỹ huấn luyện các đơn vị BĐQ, đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng trung tâm huấn luyện  của binh chủng này.  Cho tới ngày nay, các cố vấn Hoa Kỳ vẫn còn dùng tên gọi Hai Highway khi nhắc tới ông bởi vì trong thời gian này, ông thường lái chiếc xe ủi đất để làm nền cho các cấu trúc sau này.  Sau khi trung tâm huấn luyện đã hoàn thành, ông là người đề xướng ra Khoa Huấn luyện Rừng Núi Sình Lầy, đào tạo biết bao cán bộ cho tất cả các đại đơn vị của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà.
Tướng Trần văn Hai, Cựu Chỉ Huy Trưởng BĐQ


      Đến cuối năm 1963, ông được vinh thăng Thiếu tá.  Cho tới năm 1965 thì được bổ nhiệm vào chức vụ Tỉnh Trưởng Kiêm Tiểu Khu Trưởng Phú Yên.  Trong thời gian tại chức, ông đã chỉ huy các lực lượng Quân Cán Chính trong tỉnh bẻ gẫy những cuộc tấn công của Việt Cộng xuất phát từ mật khu Vũng Rô của chúng.  Quân đội ta nhiều khi còn tổ chức những cuộc hành quân vào tận sào huyệt này.  Đầu năm 1966, phu nhơn của Thiếu tướng Vĩnh Lộc, Tư lệnh Quân Đoàn II và Quân khu 2 là nữ ca sĩ Minh Hiếu tới Phú Yên có việc riêng và lệnh của tướng Vĩnh Lộc là phải đón tiếp chu đáo.  Thiếu tá Hai lúc đó đã được thăng cấp Trung tá, quyết định dùng tiền riêng thuê xe dân sự đưa đón thay vì dùng công xa.  Vì chuyện này mà Trung tá Hai mất chức tỉnh trưởng với lý do 'không hoàn tất chu đáo nhiệm vụ'.  Ngày ông ra phi trường đi đáo nhậm đơn vị mới, quân dân cán chính ra tiễn đưa rất đông.  Không ít người đã nhỏ lệ.  Năm 1969, Đại tá Trần Văn Hai trở lại Phú Yên để xem xét việc thực thi một số kế hoạch trong Chiến dịch Phượng Hoàng, đã đem theo rất nhiều quà để tặng dân chúng.  Ông được quân dân tiếp đón như một người ruột thịt khiến cho một trong những người tháp tùng ông lúc đó là Trung tá Lê Xuân Nhuận, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Đặc Biệt Khu 2 đã ngạc nhiên.  Và sau này có thuật lại trong cuốn hồi ký 'Cảnh Sát Hoá, Quốc Sách Yểu Tử Của Việt Nam Cộng Hoà' rằng chắc hẳn là trong thời gian làm tỉnh trưởng Phú Yên, tướng Hai đã đối xử với dân chúng tốt hết mực nên mới được quí trọng làm vậy.

       Sau khi mất chức tỉnh trưởng Phú Yên, Trung tá Trần Văn Hai được bổ nhiệm vào chức vụ Chỉ huy Trưởng Biệt Động Quân.  Và trong biến cố Tết Mậu Thân, ông đã chứng tỏ tài chỉ huy của mình.  Liên đoàn 5 Biệt Động Quân là đơn vị đã phản công tiêu diệt địch ngay trong những giờ giao tranh đầu tiên tại Thị Nghè - Hàng Xanh và sau đó, phụ trách mặt trận Chợ Lớn và Phú Thọ.  Ông đã nhiều lần có mặt ngay tại tuyến đầu, chỉ cách nơi giao tranh khoảng 50 thước đặng thị sát mặt trận, khích lệ tinh thần chiến đấu của quân nhân các cấp.

       Tháng 5 năm 1968, Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc Gia là Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan bị trọng thương tại mặt trận Thị Nghè. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký đã sắc lệnh bổ nhiệm Đại tá Trần Văn Hai thay thế.  Cho tới nay, nhiều người vẫn còn ngộ nhận rằng bởi Thủ tướng Trần Văn Hương là một người trong thân tộc đề nghị nên Đại tá Hai mới có được chức vụ này.  Kỳ trung, cụ Trần Văn Hương quê quán Vĩnh Long trong khi Đại tá Hai quê quán Cần Thơ.  Hơn nữa, Thủ tướng Chánh Phủ lúc đó là Luật sư Nguyễn Văn Lộc.  Cụ Trần Văn Hương tới cuối năm đó mới làm thủ tướng.

       Trong thời gian giữ chức Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, Đại tá Hai đã điều hợp tất cả các đơn vị một cách rất xuất sắc trong chiến dịch Phượng Hoàng khiến cho các hạ tầng cơ sở của Việt Cộng bị thiệt hại nặng nề và tê liệt.  Tuy vậy, giới truyền thông Tây phương đã xuyên tạc nhiều về chiến dịch này gây nhiều bất lợi cho Việt Nam Cộng Hoà.  Quí bạn đọc nào muốn biết thêm về chiến dịch Phượng Hoàng, xin tìm đọc cuốn 'Vietnam: the Conflict and Controversy' của Paul Elliot xuất bản tại Luân Đôn năm 1996 hoặc cuốn 'The Team' của Ian McNeil do University of Queensland Press xuất bản năm 1984.

       Tướng Trần Văn Hai tuẫn tiết đã đúng 30 năm và khi nhắc tới ông, chúng ta không quên những thiệt thòi mà ông đã cam chịu trong những ngày phục vụ đất nước. Tuy vậy, cũng phải công tâm mà nói, ông không phải là một cấp chỉ huy có tài dùng người.  Khi về chỉ huy ngành cảnh sát, ông có đem theo một số thuộc cấp mà ông một lòng tin tưởng.  Một số sĩ quan  khi sang làm việc với tướng Hai trong ngành cảnh sát, thấy không thích hợp trong vai trò mới đã xin trở về binh chủng Biệt Động Quân.  Cũng cần nói thêm ở đây là tuy giữ chức vụ cao cấp nhứt trong ngành cảnh sát, tướng Hai vẫn thường xuyên ghé thăm các thuộc cấp cũ, một điều mà những ai ở vào vị trí của ông rất ít khi làm.

       Năm 1970, tướng Hai rời ngành cảnh sát với cấp bậc Chuẩn tướng để giữ chức vụ Tư lệnh Biệt khu 4

       Năm 1972, Việt Cộng và Cộng Sản Bắc Việt tung ra chiến dịch Xuân - Hè 1972 mà người Mỹ gọi là The Easter Offensive và chúng ta thường gọi là Muà Hè Đỏ Lửa với ba mặt trận chánh là Trị Thiên, Kontum và An Lộc.

       Tại mặt trận Kontum, địch tạm chiếm ưu thế trong những ngày đầu.  Bộ Tư lịnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh bị chúng tràn ngập,  Đại tá Tư lịnh Lê Đức Đạt bị mất tích.  Tại phía Bắc Kontum, Lữ đoàn 2 Nhảy Dù chịu trách nhiệm ngăn chặn Cộng quân tại Tân Cảnh.  Sau khi Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù rút khỏi Charlie (Cố Đại tá Nguyễn Đình Bảo hy sinh ngày 12 tháng 4 tại đây) thì áp lực địch nặng hơn, nên Liên đoàn 6 Biệt Động Quân từ vùng 3 được gởi ra tăng cường cho trận tuyến này.  Tại thị xã Kontum, Đại tá Lý Tòng Bá chỉ huy Sư đoàn 23 Bộ Binh cùng các lực lượng tại đây chống lại vòng vây của địch ngày càng xiết chặt.  Trong tình thế đó, Tư lịnh Phó Quân Đoàn I và Quân khu 1 là Thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn được bổ nhiệm làm Tư lịnh Quân Đoàn II và Quân khu 2 thay thế Trung Tướng Ngô Dzu.  Đồng thời Chuẩn tướng Trần Văn Hai được bổ nhiệm vào chức vụ Tư lịnh Phó Hành Quân của Quân đoàn. Tướng Hai đã đích thân có mặt tại chiến trường để chỉ huy 10 tiểu đoàn Biệt Động Quân tái chiếm đèo Chu Pao, khai thông Quốc lộ 14 lên tiếp tay cho các lực lượng bạn giải toả Kontum.  Chính trong thời gian này đã xảy ra mấy chuyện đáng tiếc.


Tướng Trần văn Hai tại Huấn Khu Lam Sơn


       Sau khi các lực lượng Biệt Động Quân đã đẩy lui được Cộng Quân, khai thông Quốc lộ 14 lên Kontum thì Chuẩn tướng Hai cho một số đơn vị Biệt Động Quân tiếp tục khai thông quốc lộ đồng thời một số truy kích tàn quân Việt Cộng.  Mọi việc đang diễn tiến tốt đẹp thì Thiếu tướng Toàn gọi máy xuống mạt sát tướng Hai mà theo lời các nhơn chứng thì Quế Tướng công có chửi thề trong lúc điện đàm.

       Lệnh của tướng Toàn lúc đó là bằng mọi cách mọi tiến về Kontum trong thời gian ngắn nhứt để giải vây cho Đại tá Kỵ binh Lý Tòng Bá cùng Bộ Tư lịnh và Bộ chỉ huy Tiểu khu Kontum và do đó, bỏ mặc cho đám tàn quân Việt Cộng đang tháo chạy vô rừng.  Chính điều này đã cho phép đám tàn quân đó lấy thêm quân đặng tái tổ chức đội hình rồi tấn công quấy nhiễu gây rất nhiều khó khăn cho các lực lượng bạn sau đó.  Sau khi Kontum được giải vây, Đại tá Lý Tòng Bá được vinh thăng Chuẩn tướng trong lúc Chuẩn tướng Hai bị Thiếu tướng Toàn khiển phạt 40 ngày trọng cấm xin gia tăng đồng thời cách chức và gởi trả về Bộ Tổng Tham mưu.

       Trở lại Sài Gòn, Chuẩn tướng Trần Văn Hai được bổ nhiệm vào chức vụ Chỉ huy Trưởng Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Lam Sơn Kiêm Chỉ huy Trưởng Huấn khu Lam Sơn.  Xin nói rõ hơn là Huấn khu Lam Sơn nằm trong quận Ninh Hoà thuộc tỉnh Khánh Hoà.  Huấn khu này gồm có Trường Pháo Binh, Trung tâm Huấn luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ và Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Lam Sơn là nơi tổ chức các khoá huấn luyện cho Hạ sĩ quan Trừ bị và Tân binh quân dịch.

       Mãi tới đầu năm 1974, khi Tư lịnh Sư đoàn 7 Bộ Binh là Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam được bổ nhiệm vào chức vụ Tư lịnh Quân đoàn IV và Quân khu 4 thì Chuẩn tướng Trần Văn Hai được bổ nhiệm thay thế tướng Nguyễn Khoa Nam, chỉ huy Sư đoàn 7 Bộ Binh đặt căn cứ tại Đồng Tâm trong tỉnh Định Tường.
   



Tướng Trần Văn Hai

Viên Đạn Cuối Cùng

Đất nước Việt Nam địa linh, anh hùng hào kiệt đời nào cũng có, đã viết nên những trang sử chiến đấu chống xâm lược chói lọi nhất trong lịch sử nhân loại. Lịch sử chiến đấu của quân dân Việt Nam Cộng Hòa và muôn đời sau sẽ ghi công Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cùng những vị anh hùng dân tộc đã hiến dâng xương máu cho nền tự do của tổ quốc và cho hạnh phúc trường tồn của dân tộc. Xin được vinh danh các anh hùng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Hồ Ngọc Cẩn. Và tất cả những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa vị quốc vong thân.
Chuẩn Tướng Trần Văn Hai sinh năm 1926, nguyên quán Cần Thơ, tuổi Bính Dần. Khi đến tuổi nhập ngũ, ông đã tình nguyện đăng vào học Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, khóa 7. Tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu Úy, vị sĩ quan trẻ 26 tuổi trong năm 1952 đã lần nữa tình nguyện ra chiến đấu ngoài chiến trường miền Bắc.

Thiếu Úy Trần Văn Hai được điều động ra phục vụ trong Tiểu Đoàn 4 Việt Nam, lúc đó do Thiếu Tá Đặng Văn Sơn làm Tiểu Đoàn Trưởng. Khi được vinh thăng, Đại Tá Đặng Văn Sơn được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh, rồi sau đó Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân. Thiếu Úy Trần Văn Hai chỉ chiến đấu vỏn vẹn ngoài Bắc có hai năm, năm 1954 Hiệp Định Đình Chiến Geneva được ký kết, đất nước chia đôi, các lực lượng thuộc Quân Đội Quốc Gia Việt Nam rút về phía Nam vĩ tuyến 17 và làm nỗ lực chính chống đỡ cho nước Việt Nam Cộng Hòa non trẻ, dưới quyền lãnh đạo của Quốc Trưởng Bảo Đại và Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Trong thời gian phôi thai này, Trung Úy tân thăng Trần Văn Hai được điều lên Quân Khu 4 Cao Nguyên.

Về trình diện Quân Khu 4, Trung Úy Hai có dịp công tác chung với Đại Úy Đặng Hữu Hồng, một chuyên viên tình báo cũng vừa mới được bổ nhiệm lên cao nguyên giữ chức Trưởng Phòng 2 Quân Khu 4. Đại Úy Hồng nhận xét thấy vị Trung Úy trẻ rất tích cực trong nhiệm vụ được giao phó và có nhiều khả năng về tình báo nên đã đề nghị xin cho rút ông về làm việc trong Ban Binh Địa thuộc Phòng 2, QK 4. Điều đó chứng minh về sau, Đại Tá Hai đã được cụ Trần Văn Hương, lúc ấy đang làm Thủ Tướng, tín nhiệm đề cử lên Tổng Thống Nguyễn Vãn Thiệu về làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia sau Tết Mậu Thân 1968.

Một thời gian sau, sự làm việc mẫn cán cùng khả năng chỉ huy của Trung Úy Hai đã chứng minh là ông xứng đáng được vinh thăng Đại Úy và được điều về làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 81 Địa Phương Quân (Bảo An) đồn trú tại Phan Thiết. Tuy nhiên con đường thăng tiến binh nghiệp của ông đã bị giật lùi trong thời gian này, khi Đại Úy Hai được thuyên chuyển về làm Đại Đội Trưởng Đại Đội Chỉ Huy và Công Vụ của Trung Đoàn 44 thuộc Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Những tưởng số mệnh đã để cho Đại Úy Hai chìm vào quên lãng với những công việc hành chánh và hậu cứ nhàm chán không xứng với tầm vóc và tài năng, thì ông lại nhận được giấy cho đi học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu Cao Cấp tại Hoa Kỳ trong năm 1961. Khi tốt nghiệp trở về, Đại Úy Hai nhận được lệnh về trình diện Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ thuộc tỉnh Khánh Hòa. Cuộc đời binh nghiệp của người từ đây gắn bó với binh chủng trẻ trung Mũ Nâu vừa mới được thành lập và có nhiều hứa hẹn. Định mệnh đã chỉ định một vị tướng tài của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa về phụ giúp phát triển trung tâm huấn luyện này thành một trong những trung tâm mà đã cống hiến cho quân đội những sĩ quan và chiến sĩ ưu tú nhất.

Lịch sử thành lập binh chủng Mũ Nâu và Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân gắn liền với tên tuổi của Đại Úy Trần Văn Hai. Ông là một trong những vị sĩ quan có nhiều đóng góp lớn lao trong tiến trình thành lập Trung Tâm Huấn Luyện BĐQ vào ngày 1.8.1961. Chính Đại Úy Hai đã nghiền ngẫm, sáng tạo, đề nghị lên Chỉ Huy Trưởng và được chấp thuận cho ông được phụ trách lớp Hành Quân Biệt Động Rừng Núi Sình Lầy. Chính khóa học độc đáo này đã cung hiến cho đất nước không biết bao nhiêu là chiến binh thiện chiến và sĩ quan chỉ huy tài năng trên chiến trường, đóng góp những chiến thắng lừng lẫy trong quân sử QLVNCH.

Đại Úy Trần Văn Hai không những cống hiến trí não xuất chúng của người cho Trung Tâm Dục Mỹ, mà người còn tận tụy đóng góp sức lực lao động cho bộ mặt của trung tâm. Lúc ấy trung tâm còn trong thời kỳ phôi thai, cơ sở trường ốc, đường sá, bãi tập ngổn ngang trăm mối. Đại Úy Hai đã góp công lớn lao dựng nên khuôn mặt khang trang của trung tâm. Không biết bao nhiêu là mồ hôi và tâm sức của người đã đổ vào công việc xây dựng trung tâm huấn luyện lừng danh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Người làm việc cật lực ngày đêm, trên những bãi đất ngổn ngang cây gỗ, tôn thiếc, trong tiếng ầm ì của những chiếc xe ủi đất, mà trên đó Đại Úy Hai mặc độc một chiếc áo thun quân đội màu ô liu, lúc nào cũng đẫm ướt mồ hôi. Giữa cái nắng cháy da và gió rát của vùng rừng đang khai phá, giữa những đám bụi mù bốc cuồn cuộn trên những nẻo đường ngang lối dọc trần trụi đất đá, Đại Úy Hai làm việc hùng hục đến nỗi cả những người cố vấn Hoa Kỳ phụ giúp xây dựng trung tâm cũng phải chào thua và tặng cho ông mỹ danh “Hai Highway” để tỏ lòng kính phục tấm lòng tận tụy và khả năng hiếm có của người. Mặc dù chỉ với những phương tiện kém cỏi và thô sơ, chỉ trong một thời gian kỷ lục, Đại Úy Hai đã cùng với chiến sĩ Công Binh Việt Nam Cộng Hòa dựng xây lên được một trung tâm huấn luyện khang trang hoàn hảo, xứng đáng với tầm vóc quốc gia và cả vùng Đông Nam Á.

Trung Tâm Huấn Luyện đã được hoàn thành, giờ đây Đại Úy Hai có thể an tâm theo các toán huấn luyện viên và khóa sinh Rừng Núi Sình Lầy ra tận các bãi tập, cùng ăn cùng ngủ cùng chịu gian khổ trên những cánh đồng lầy hay trong những khu rừng Trường Sơn âm u. Không thể nào có thể diễn tả hết được những nỗi cực nhọc thân xác của những người chiến binh trải qua 42 ngày Rừng Núi Sình Lầy, nhưng đồng thời cũng là niềm tự hào lớn. Phải là một con người thép, có ý chí thép mới có thể làm được nhiều chuyện lớn lao cho đất nước như vậy.

Cái cá tính cao cả của Chuẩn Tướng Hai là một khi nhận nhiệm vụ nào, dù có khó khăn gian khổ đến mấy, người cũng quyết tâm hoàn thành cho đến thật hoàn hảo mới thôi. Vẫn thấy còn thiếu kém nhiều mặt, trên tay Đại Úy Hai lúc nào đồng đội và khóa sinh cũng thấy có nhiều loại sách tự học khác nhau. Người tâm sự với các chiến hữu và thuộc cấp: “Con đường binh nghiệp của chúng ta hãy còn dài, cấp bậc chúng ta hiện giữ tuy còn nhỏ, nhưng lần lần sẽ được nâng cao hơn. Nếu bây giờ chúng ta tự mãn với hiện tại, không biết cầu tiến, không lo học hỏi trau dồi thêm sinh ngữ, đọc nhiều binh thư binh thuyết, một mai cấp trên giao vào tay ta cả đại đơn vị, thì làm sao chu toàn được nhiệm vụ”.

Tài năng của Đại Úy Hai đã được xác định bằng chiếc lon Thiếu Tá và ông được bổ nhiệm làm Tỉnh Trưởng tỉnh Phú Yên. Một kỷ niệm mà quân dân Phú Yên không bao giờ quên được, là sự ra đi đột ngột trong sự luyến tiếc bàng hoàng của tất cả giới Quân-Cán-Chính và quần chúng trong tỉnh. Một sĩ quan cấp Tá như Trung Tá Hai đã dám cưỡng lệnh cấp chỉ huy hàng Tướng vì một câu chuyện nhỏ không nằm trong phạm trù quân sự. Ông Tướng bay tới khiển trách Trung Tá Hai nặng nề từ việc cộng sản gia tăng hoạt động, công cuộc bình định phát triển trì trệ, báo cáo chậm trễ, không làm tròn trách nhiệm, ông buộc phải cách chức Tỉnh Trưởng của Trung Tá Hai và sẽ cho người ra thay.

Trung Tá Hai đứng nghiêm chào khiêm tốn nói: “Xin tuân lệnh. Nếu ai cũng có lòng lo cho dân như Thiếu Tướng thì đất nước ta rồi đây sẽ khá”. Từ khi người ra đi rồi, các bô lão và quân dân Phú Yên vẫn thường kể cho nhau nghe câu chuyện chính khí “đất nước ta rồi đây sẽ khá”, như là một trong những huyền thoại còn lưu truyền cho mãi đến ngày nay. Khi được đông đảo giới chức Quân Cán Chính tiễn ra trực thăng từ giã Phú Yên, Trung Tá Hai với chiếc túi vải hành trang nhỏ đơn sơ đã cảm xúc nhắn nhủ: “Tôi cảm ơn các ông đã tận tình làm việc với tôi trong mấy tháng vừa qua. Có thể người ta cho rằng tụi mình là những đứa dại, chỉ biết làm việc mà không biết đục khoét. Nhưng tôi tin là mình đã làm đúng”.

Rời Phú Yên về trình diện Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, vừa đúng lúc chiếc ghế Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân đang cần một khuôn mặt tài năng. Các giới chức quân sự BTTM từng nghe biết tiếng tốt của Trung Tá Biệt Động Quân Trần Văn Hai ngoài Trung nên đã nhanh chóng bổ nhiệm ông vào chức vụ này và được vinh thăng Đại Tá. Trong thời gian hai năm làm Tư Lệnh binh chủng Mũ Nâu 1967-1968, Đại Tá Hai đã tỏ rõ tư cách, năng lực và sự dũng cảm của một người chỉ huy một đại đơn vị khét tiếng của QLVNCH. Trên thực tế, trách nhiệm của Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân rất khác biệt với các vị tư lệnh sư đoàn bộ binh. Người Chỉ Huy Trưởng BĐQ chỉ làm công tác gần như thuần túy hành chánh, quản trị quân số, đào tạo và tuyển mộ, vị Tư Lệnh Mũ Nâu không có thực quyền điều động và trực tiếp chỉ huy hành quân. Câu chuyện cảm động về một vị Tư Lệnh Mũ Nâu có mặt trên chiến hào tiền tuyến ở Khe Sanh lại là một huyền thoại khác nữa của người.

Cuối năm 1967, Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân được lệnh gởi Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân và một đại đội của Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân ra Khe Sanh phối hợp chiến đấu với hai Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Thiếu Tá Hoàng Phổ dẫn quân ra Khe Sanh và nhận thiết lập chiến tuyến phía Đông dài một cây số của căn cứ. Đặc biệt, tuy với vũ khí cũ kỹ và trang bị thiếu kém so với đối phương, nhưng Mũ Nâu của ta đã được cho trấn đóng một khu vực quan trọng nằm bao ngoài cùng căn cứ, phía bên trong là chiến hào của TQLC Mỹ và Bộ Chỉ Huy Căn Cứ. Báo chí thế giới đã gọi chiến tuyến trấn giữ của BĐQ là “tiền đồn của tiền đồn”. Với một vị trí khó khăn và hung hiểm như vậy, vũ khí lạc hậu yếu kém, chiến sĩ Mũ Nâu của đã chứng tỏ tinh thần quyết chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và nhận được sự nể trọng của lính Mỹ. Tuy nhiên vị Tư Lệnh Mũ Nâu đã hết sức băn khoăn ăn ngủ không yên, lo lắng cho những đứa con cô đơn của mình, ông quyết định phải ra Khe Sanh nhìn tận mắt cảnh ăn ở, sinh hoạt và chiến đấu của lính, ông mới an lòng. Đại Tá Hai cùng với hai sĩ quan tham mưu là Đại Úy Trần Đình Đàng, thuộc Phòng 1 và Thiếu Tá Ngô Minh Hồng, thuộc Phòng 3 tháp tùng theo một chiếc vận tải cơ C123 ra Khe Sanh. Thiếu Tá Ngô Minh Hồng sau vinh thăng Trung Tá và về làm Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân.
Chiếc phi cơ đáp xuống chạy trên phi đạo dã chiến, bụi đất cuốn mù mịt. Khi chiếc C123 vừa chạm đất thì pháo địch đủ loại từ bốn phía đã dồn dập dội xuống, tiếng nổ ùng oàng buốt óc. Chiếc C123 không dám ngừng bánh, nó vẫn tiếp tục chạy chầm chậm trên phi đạo cho đến cuối đường. Trong thời gian đó, mọi người trên tàu đều phải nhảy xuống lăn mình vào những cái rãnh hai bên phi đạo để tránh đạn pháo, những kiện tiếp liệu được hối hả tuôn xuống. Khi đến cuối phi đạo, vận tốc phi cơ có chậm lại vì phải quày đầu chuẩn bị tăng tốc độ để cất cánh, những giây phút cực ngắn ngủi nhưng quí giá đó dành cho các thương bệnh binh. Các chiến sĩ Quân Y và những người lính Mũ Nâu phải thật nhanh chóng đẩy thương binh lên càng nhiều càng tốt, trước khi con tàu gầm rú chuyển bánh và tăng tốc độ. Báo chí thế giới đã ví von hoạt cảnh ấy như là những cuộc chạy đua 100 mét với thần chết. Có nhiều chiếc C123 hay C130 vừa cất cánh lên đã trúng pháo địch vào đuôi và nổ vỡ rơi xuống tan tành.

Trong bối cảnh hỗn loạn, căng thẳng và chết chóc ấy, nhóm ba người của Đại Tá Hai không biết làm cách nào mà đã nhảy xuống được phi cơ và một vài giây phút sau, họ đã có mặt trong những dãy chiến hào tiền tuyến của Tiểu Đoàn 37 và 21 Biệt Động Quân. Những chiến sĩ Liên Đoàn 1 Mũ Nâu chỉ có thể rưng rưng nước mắt xúc động không nói nên lời, nhận những lời khích lệ và thăm hỏi chân tình của người anh cả binh chủng. Người hỏi han tỉ mỉ từng chiến sĩ một, xem những thằng em của ông ăn làm sao, ngủ làm sao. Ông cảm xúc nhìn những chiến binh mặt mũi đen nhẻm vì nắng gió biên giới, những bộ quân phục nhàu rách và hỏi thăm họ có được cấp phát thay thế hay chưa. Và nhiều điều thăm hỏi chứa chan tình chiến hữu khác nữa. Không ít những sĩ quan và chiến sĩ Mũ Nâu của Liên Đoàn 1 BĐQ đã từng một thời cùng Đại Úy Hai mài miệt học tập trên những căn cứ rừng núi sình lầy của Trung Tâm Dục Mỹ ngày xưa. Sự hiện diện của vị Tư Lệnh binh chủng và là người thầy xưa trong vòng hai ngày đêm, cùng ăn cùng ngủ cùng chia xẻ gian nguy chết chóc ở chiến hào tiền tuyến của các sĩ quan Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân đã thổi bùng lên hùng khí chiến đấu của quân ta lên đến mức cao nhất. Vì vậy khi nổ ra cuộc tấn công lớn nhất của cộng quân trong toàn chiến dịch Khe Sanh, với một trung đoàn của sư đoàn thiện chiến 304 Điện Biên Phủ CSBV lúc 9 giờ tối ngày 29.2.1968, thì Tiểu Đoàn 37 và 21 BĐQ tuy với vũ khí yếu kém hơn của đối phương, đã đánh một trận long trời lở đất tiêu diệt hai tiểu đoàn địch. Từ sau cơn thảm bại đó, binh đội BV đang bao vây uy hiếp Khe Sanh lần lượt nhận lệnh rút khỏi khu vực, đánh dấu chấm hết cơn mộng đẹp chiến thắng một “Điện Biên Phủ Thứ Hai” của Võ Nguyên Giáp.

Trước đó chừng một tháng, tức ngày 31.1.1968 Việt Cộng tấn công 44 tỉnh thành Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt chiến sự nổ lớn và kéo dài ở Huế và khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Đại Tá Hai đã có dịp tỏ rõ tài năng quân sự, khi ông chỉ huy Biệt Động Quân giải tỏa áp lực địch trong khu vực trách nhiệm. Quân ta thắng lớn trên khắp mặt trận. Trong đợt tổng tấn công Mậu Thân 2 khởi diễn ngày 22.5.1968, Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân của Trung Tá Đào Bá Phước chịu trách nhiệm mặt trận Chợ Lớn. Bộ chỉ huy Liên Đoàn đóng trong Trường Tiểu Học Phước Đức nằm trên đường Khổng Tử. Chiều ngày 2.6.1968, Trung Tá Phước cùng những sĩ quan cao cấp của Cảnh Sát Đô Thành và Biệt Khu Thủ Đô đang họp hành quân trong trường, thì đột nhiên có một chiếc trực thăng võ trang của quân đội Hoa Kỳ xuất hiện từ phía trái đường Khổng Tử bay đến. Quân ta chưa kịp nắm vững tình hình về chiếc phi cơ lạ thì chiếc trực thăng đã chúi mũi xuống phụt một trái hỏa tiễn bắn thủng bức tường lầu nhì xuyên xuống tầng dưới. Chiến sĩ Biệt Động Quân vội tung khói màu ra hiệu quân bạn, nhưng chiếc trực thăng đã quay trở lại quạt đại liên xuống dữ dội. Quả rocket và tràng đại liên oan nghiệt đã phụt trúng bộ chỉ huy hành quân hỗn hợp và gây tử thương cho sáu vị sĩ quan cao cấp Việt Nam Cộng Hòa. Những vị hy sinh gồm có :

1./ Trung Tá Đào Bá Phước, Liên Đoàn Trưởng LĐ5BĐQ.
2./ Trung Tá Nguyễn Văn Luận, Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia Đô Thành.
3./ Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Sinh, Phụ Tá Trung Tá Luận.
4./ Trung Tá Lê Ngọc Trụ, Trưởng Ty CSQG Quận 5.
5./ Trung Tá Phó Quốc Trụ, Giám Đốc Nha Thương Cảng Sài Gòn.
6./ Thiếu Tá Nguyễn Bảo Thùy, Chánh Sở An Ninh Đô Thành, ông là bào đệ của Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị.
Ngoài ra còn có những vị sĩ quan sau bị thương nặng nhẹ:
1./ Đại Tá Văn Văn Của, Đô Trưởng Sài Gòn, bị thương nặng.
2./ Đại Tá Nguyễn Văn Giám, Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô, bị thương nhẹ.
3./ Trung Tá Trần Văn Phấn, Phụ Tá Tổng Giám Đốc CSQG, bị cưa chân.

Trong lúc xảy ra tai nạn, Đại Tá Trần Văn Hai đang ngồi trên xe Jeep trực chỉ về hướng Chợ Lớn để dự buổi họp hành quân với Trung Tá Phước. Xe của ông bị kẹt giữa khối đám đông dân chúng đang ùn ùn đổ ra Sài Gòn, cho nên khi ông đến được Trường Phước Đức thì thảm kịch đã xảy ra và kết thúc từ lâu. Có lẽ định mệnh đã dành cho người một cái chết khác bảy năm sau. Cao cả hơn và bi tráng hơn. Đó là cái ngày 30.4.1975.

Thủ Tướng lúc đó là cụ Trần Văn Hương chú ý đến cung cách chỉ huy và lòng trung trực thẳng thắn của Đại Tá Hai trong hai kỳ Mậu Thân. Đại Tá Hai đã cùng lên chiến tuyến với các Tiểu Đoàn Mũ Nâu để khích lệ tinh thần binh sĩ. Đặc biệt, để bảo toàn danh dự quân đội, ông nghiêm cấm binh sĩ không được phá quấy và cướp giật tài sản người dân. Thậm chí ông còn hạ lệnh sau mỗi lần diệt xong một ổ kháng cự của VC, ba lô của sĩ quan và binh sĩ đều phải được lục soát kỹ, không cho phép chiến sĩ lợi dụng cảnh hỗn loạn và nhà vắng chủ để lấy của cải dân chúng. Hành động đạo đức này đã được thuộc cấp nể trọng, đến quỉ thần cũng phải cúi đầu.

Thủ Tướng Hương đề nghị Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho Đại Tá Hai về làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, thay thế Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan bị thương chân giải ngũ. Lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia sau thời điểm Mậu Thân điêu tàn, lòng người rúng động, cần hình ảnh một vị chỉ huy cảnh sát có thành tích chiến đấu vì dân, có đạo đức, thanh liêm trong sạch và lòng mẫn cán để thu hút lòng dân, đưa dân đến gần hơn với những đường lối của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Đại Tá Hai chính là con người hội đủ điều kiện đó. Trong lĩnh vực quân sự, cụ Hương cũng đã đề cử Trung Tướng Đỗ Cao Trí về nắm Tư Lệnh Quân Đoàn III. Hai nhân vật được đề cử đã tạo nên nhiều chiến công lớn , giúp cải thiện tình hình trị an và quân sự được ổn định một thời gian dài.

Nhận một chức vụ cực quan trọng, là cánh tay mặt đắc lực của chính quyền, Đại Tá Hai đã hết lòng chu toàn nhiệm vụ. Cũng vì tính trong sạch thẳng thắn quá mà ông lại làm phiền lòng ông Bộ Trưởng Nội Vụ thời đó, vì ông không chịu sa thải một luật sư phụ tá mẫn cán để thay thế đàn em của ông Bộ Trưởng vào. Vì vậy mật phí dành cho Cảnh Sát Quốc Gia bị thẳng tay cắt giảm quá nửa, gây khó khăn rất nhiều cho ông, nhưng người vẫn quyết làm những gì theo lương tâm và ông nghĩ đó là lẽ phải. Với chức vụ cao tột bậc như vậy mà trong thời gian hơn một năm, ông cũng không xun xoe vào gặp cấp lãnh đạo cao nhất để cầu cạnh lợi lộc, vì điều đó trái với tính cách con người ông. Đại Tá Hai chỉ đến gặp Tổng Thống Thiệu, Thủ Tướng Hương rồi Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, sau khi Thủ Tướng Hương rời khỏi chức vụ, khi có lệnh hoặc vì công vụ phải đích thân trình bày. Chưa bao giờ người ta thấy ông dùng công xa lộng lẫy với còi hụ dẫn đường để khoe khoang, mỗi lần di chuyển công tác, người vẫn sử dụng chiếc Jeep BĐQ cùng với mấy người cận vệ ngồi phía sau. Đại Tá Hai chỉ huy CSQG rất tốt và không cho phép nó đi lệch hướng, nhưng những thế lực muốn chi phối lực lượng Cảnh Sát vào những mục tiêu riêng lại không thích ông, vì ông không thuộc phe phái nào cả. Người chỉ có một phe phái lớn nhất, đó là tổ quốc. Khi được nghe phàn nàn về những bê bối trong ngành Cảnh Sát, người đã trầm ngâm trả lời: “Tôi biết, nhưng vấn đề khôngthể giải quyết một sớm một chiều, mà phải kiên nhẫn tìm ra những đầu mối, những tương quan thế lực chằng chịt thì mới ngăn chận được. Từ ngày về đây tôi đã gặp khá nhiều khó khăn.Mình như người vác chiếc thang dài đi trong căn nhà hẹp, bốn bề đều đụng chạm. Không ai muốn mình làm những điều mình thấy cần phải làm”.

Công việc sửa chữa làm sạch ngành Cảnh Sát còn đang dang dở thì Thủ Tướng Trần Văn Hương rời khỏi chức vụ, Đại Tá Hai liền nhận sự vụ lệnh trở ra Vùng II Chiến Thuật làm Tư Lệnh Phó Quân Đoàn II dưới quyền Thiếu Tướng Nguyễn Văn Toàn. Từ vị trí Tư Lệnh Phó, một lần nữa người sĩ quân mẫn cán ấy lại vướng phải một ông Tướng vùng nóng nảy và đầy tai tiếng tham nhũng, ăn chơi xa hoa trụy lạc, ông bằng lòng trở về làm Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn kiêm Huấn Khu Dục Mỹ, coi như một sự đi xuống trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Thời gian này người thường tịnh khẩu, hướng về thiền định, ông ăn uống rất đơn giản, trong bữa cơm thường có nhiều rau trái.

Cuộc đời lên xuống thăng trầm vì những thế lực đè nén của người thật giống với cuộc đời của người anh hùng Nguyễn Công Trứ. Cũng giống như cụ Nguyễn Công Trứ, trong bất kỳ tình cảnh nào, vị trí nào, Đại Tá Hai đều chu toàn hoàn hảo và hãnh diện với nhiệm vụ phục vụ đất nước của mình. Cụ Trứ đã chẳng từng nói: “Lúc làm đại tướng tôi chẳng lấy làm vinh, thì lúc làm lính thú tôi cũng chẳng lấy làm nhục”. Có lần trong năm 1974, một vị sĩ quan Tiểu Đoàn Trưởng là Thiếu Tá Nguyễn Thanh Vân dẫn Tiểu Đoàn 95 Biệt Động Quân từ căn cứ Ben Het về Dục Mỹ tái trang bị và huấn luyện đã đến thăm người anh cả, người thầy cũ đáng kính của mình. Chuẩn Tướng Hai đã chân tình tâm sự với người chiến hữu cũ, mãi về sau này nghiệm ra, Thiếu Tá Vân mới nghĩ đó chính là lời nhắn nhủ và là trăn trối cuối cùng mà người để lại cho hậu thế: “Bây giờ “Toi” cũng là Tá, cũng là Tiểu Đoàn Trưởng rồi, và “Moi” bâygiờ cũng mang sao. Nhưng mình hãy xét mình và làm sao cho xứng đáng với cái lon của mình. “Moi” đã già rồi, tóc cũng đã bạc nhiều, rồi mai kia cũng phải ra đi. “Toi” hãy còn trẻ, tre tàn măng mọc mà “Toi”, thời gian là như vậy. “Moi” mong “Toi” sống cho đáng sống, đừng để binh sĩ dưới tay mình khổ sở vì sự kém tài bất đức của mình. Cũng như “Moi” đây, bây giờ được về đây dưỡng già, nhưng nhà binh mà “Toi”, lúc lên voi xuống chó là chuyện thường tình, chỉ cần ta sống không thẹn với mình là đủ…”.
Đất nước trong cơn nghiêng ngửa rất cần những vị chỉ huy tài năng đứng ra chống đỡ. Một lần nữa, Chuẩn Tướng Trần Văn Hai được Tổng Thống Thiệu tín nhiệm trong chức vụ cực kỳ quan trọng ở Miền Tây, ông được vời về làm Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh thay thế Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam lên làm Tư Lệnh Quân Đoàn IV & Quân Khu IV kể từ tháng 11.1974. Chuẩn Tướng Hai về nắm Sư Đoàn 7 Bộ Binh trong thời điểm đã khá muộn màng, ông không còn có được bao nhiêu thời gian để cùng chiến binh Miền Tây làm tròn trách nhiệm bảo quốc an dân. Từ phía Bắc, binh đội cộng sản đã ùn ùn tràn xuống như thác lũ, lần lượt đánh bứt các tỉnh Phước Long, Ban Mê Thuột, rồi toàn Quân Khu II, đến Quân Khu I, và sau cùng, trong những ngày tháng 4.1975 hầu như Quân Khu III cũng rơi vào tay giặc.

Chuẩn Tướng Trần Văn Hai trong ngày cuối cùng 30.4.1975 vẫn tươm tất uy nghi trong bộ quân phục quân đội Việt Nam Cộng Hòa ngồi trong văn phòng tư lệnh bình tĩnh chờ quân địch đến. Trước đó, sau khi nghe Tướng Dương Văn Minh đọc hàng lệnh trên đài phát thanh, người đã ôn tồn khuyên bảo sĩ quan và chiến sĩ thuộc cấp, cho phép họ được buông súng trở về gia đình, nhưng có một số vẫn nhất quyết ở lại căn cứ Đồng Tâm, Mỹ Tho và bố trí chiến đấu. Vì họ biết Chuẩn Tướng Hai sẽ không bàn giao Đồng Tâm cho giặc, hoặc nếu người có bàn giao thì cái phương thức ông làm sẽ không phải là phương thức kiểu đầu hàng. Một con người đã từng chiến đấu bảo vệ những mảnh đất của tổ quốc hơn hai mươi năm, không lý do gì người giao lại cho giặc một cách dễ dàng. Chúng muốn lấy thì chúng phải trả một cái giá nào đó. Chuẩn Tướng Hai cảm xúc nhìn những đôi mắt u sầu của thuộc cấp đang cố giương súng để bảo vệ ông. Người trao lại cho một sĩ quan thuộc cấp một gói nhỏ, trong đó đựng một vài vật dụng cá nhân và tiền hai tháng lương Chuẩn Tướng là 70.000 đồng nhờ trao lại cho bà mẹ già ở Gò Vấp, Sài Gòn. Người sĩ quan rùng mình, mặc dù không biết những vật gì chứa trong gói vải đó, nhưng ông biết giờ phút chia tay với Chuẩn Tướng Hai sắp điểm.

Khoảng xế trưa, một lực lượng của Việt Cộng thận trọng tiến vào Đồng Tâm và cho người đến yêu cầu Chuẩn Tướng Hai bàn giao căn cứ. Chuẩn Tướng Hai ngồi ngay ngắn sau chiếc bàn bên trên có hai cái đế gắn lá cờ vàng Việt Nam và lá cờ Tướng một sao, bình tĩnh và nghiêm nghị ra điều kiện. Ông chỉ bàn giao căn cứ khi nào có một người chỉ huy trưởng sư đoàn của đối phương đến văn phòng Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh. Ngoài điều kiện đó, ông không muốn bàn chuyện nào khác. Tình hình rất căng thẳng và làm những người lính Cộng bối rối, chúng rút trở ra bàn tính. Mãi một lúc sau khá lâu, bọn chúng gọi đâu được một người tự xưng là sư đoàn trưởng xin vào gặp Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa để làm thủ tục bàn giao. Người thủ trưởng sư đoàn rụt rè tiến vào văn phòng Tư Lệnh SĐ7BB, Chuẩn Tướng Hai bất thần rút súng lục ra nổ mấy phát vào tên sư trưởng địch. Với khoảng cách rất gần đó, người có thể giết chết gã dễ dàng, nhưng người chỉ bắn gã bị thương nhẹ. Người sư trưởng địch cùng mấy cận vệ lần nữa rút chạy ra ngoài. Lính Sư Đoàn 7 Bộ Binh giương súng lên sẵn sàng tử chiến và bảo vệ Tư Lệnh của mình.

Viên đạn cuối cùng của vị Tướng Việt Nam Cộng Hòa và lòng vị tha dành cho người sư trưởng địch đã nói lên được hai điều. Thứ nhất, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không phải là một quân đội khiếp nhược. Thứ hai, người lính Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ căm thù những người đồng bào cùng sinh ra trên mảnh đất Việt Nam, khi cuộc chiến tàn, tất cả chỉ còn lại thuần túy là người Việt Nam.

Tối ngày 30.4.1975, Chuẩn Tướng Hai ngồi trong văn phòng đóng kín cửa và đã uống thuốc độc tử tiết. Sáng hôm sau người Trung Úy thuộc cấp đã tìm được bà cụ thân sinh của Chuẩn Tướng Hai trao lại di vật và hướng dẫn bà trở xuống Mỹ Tho. Bản thân vị Trung Úy cũng chưa trở về gặp lại vợ con của ông ở Sài Gòn. Người mẹ già tấm lưng đã còm cõi với thời gian đã mưu trí gạt được người lính VC gác cổng và đưa được thi hài Chuẩn Tướng Hai về Gò Vấp an táng. Hiện nay bà phu nhân Thiếu Tướng Hai vẫn còn ở Việt Nam, các chiến hữu Biệt Động Quân nhớ về người tướng quân tư lệnh binh chủng và người thầy cũ, đã có gửi tiền về cho bà ít nhiều để gọi là trân trọng tưởng nhớ đến ông.

Người anh hùng dân tộc, vị thần tướng nước Nam Trần Văn Hai đã đi vào cõi thiên thu, nhưng tấm gương chiến đấu anh dũng, tấm lòng tận tụy phục vụ tổ quốc đến giây phút cuối cùng của người sẽ mãi mãi được những người còn sống và người đời sau truyền tụng và vinh danh.

Phạm Phong Dinh







HỒI TƯỞNG VỀ CỐ CHUẨN TƯỚNG LÊ NGUYÊN VỸ- ANH HÙNG TỰ SÁT NGÀY 30-04-1975









          SỰ THẬT - CÔNG LÝ - TÌNH YÊU






Chuẩn Tướng LÊ NGUYÊN VỸ






TƯỚNG LÊ NGUYÊN VỸ
CHẾT THEO THÀNH


Lê Nguyên Vỹ


Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ (1933-1975) là Tư lệnh Sư đoàn 5 bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hoà, là một trong năm tướng lĩnh đãtự sát trong sự kiện 30 tháng 4, 1975.
Ông sinh ngày 22 Tháng Tám năm 1933 tại Sơn Tây.


Vài Kỷ Niệm Về Sư Ðoàn 5 Bộ Binh Và Tướng Lê Nguyên Vỹ

Triệu Vũ

Ðầu tháng 9-1965, sau khi tốt nghiệp khóa 19 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức, tôi về Bình Dương trình diện Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh. Ðây là một trong những đại đơn vị kỳ cựu của Quân lực VNCH, bao gồm các đơn vị thiểu số miền Bắc – mà đa số thuộc sắc dân Nùng thuộc vùng tự trị Móng Cáy của Ðại tá Woòng A Sáng. Di cư vào Nam, được mang tên Sư Ðoàn 3 Dã Chiến, sau đổi thành Sư đoàn 5 Bộ Binh, trấn giữ vùng đông bắc thủ đô Saigon và được coi như đơn vị tín cẩn nhất của chế độ.

Ngày ấy, Tướng Vỹ còn mang cấp bậc Thiếu Tá, giữ chức Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 9. Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn đồn trú tại Bến Cát, sau dời lên Chơn Thành, cách tỉnh lỵ Bình Dương khoảng 50 km về hướng Bắc. Từ Bộ Tư Lệnh SÐ ở Phú Lợi - Bình Dương, tôi đã nhiều lần lên đó, khi thì đi cùng phái đoàn Thanh Tra, khi thanh tra một mình, theo lệnh đơn vị trưởng, nên tôi có nhiều dịp tiếp xúc với Thiếu Tá Vỹ và các Sĩ Quan trong Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn. Nhờ vậy, cũng từ những ngày đó, tôi biết thêm nhiều về cuộc đời "người lính chiến thực sự" Lê Nguyên Vỹ.

Tướng Vỹ sinh năm 1933 tại Sơn Tây, miền Bắc Việt Nam. Ông nguyên là sĩ quan binh chủng Nhảy Dù, thời Thiếu Tá Ðỗ Cao Trí còn giữ chức Liên Ðoàn Trưởng. Ông tham dự nhiều cuộc hành quân từ Bắc vào Nam. Năm 1955, sau cuộc tảo thanh Bình Xuyên ở Saigon - Chợ Lớn, ông được thăng cấp Ðại Úy. Ít năm sau, rời Nhảy Dù, Ông ra phục vụ tại Sư Ðoàn 5 BB. Ông được giao chức Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 2/9, rồi Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 9BB năm 1965 với cấp bậc Thiếu Tá sau một thời gian làm Chi Khu Trưởng Chi Khu Bến Cát.

Những ai từng làm việc với ông, dù thượng cấp, hay quân sĩ dưới quyền, đều chung một nhận xét: Ông là vị chỉ huy rất nóng tánh – theo tôi phải nói là trực tánh mới đúng. Trong một đặc san của Sư Ðoàn 5BB thuở đó, đã ghi như sau về Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 9 – tức Thiếu Tá Vỹ: "Có một lần Ông vung tay đập vỡ mấy cái mặt bàn". Nhưng nói gì thì nói, không ai có thể phủ nhận Ông là một sĩ quan chỉ huy hành quân tài giỏi, thủ cũng như công. Những phái đoàn thanh tra từ Tổng Tham Mưu, Quân Ðoàn, Sư Ðoàn khi đến quan sát nơi đóng quân của đơn vị Ông, đều hết lời khen ngợi. Bản doanh Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn 9 tại Chơn Thành là một căn cứ phòng thủ hình ngũ giác kiểu mẫu.

Ðối với nhân viên thuộc Bộ Chỉ Huy, có lẽ Ban 2 vất vả hơn cả. Lý do đơn giản là Ông Trung Ðoàn Trưởng luôn quan tâm đến tình hình địch, tình hình bạn. Nhờ vậy, đơn vị do Ông chỉ huy đã ghi hết chiến công này đến chiến công khác, trong cũng như ngoài Khu 32 Chiến Thuật. Những địa danh, những mật khu, những chiến khu từ Bến Súc, Bến Sỏi qua Dầu Tiếng, Lộc Ninh, Hớn Quản, đến Ðồng Xoài, Phước Long, Phước Quả rồi mênh mông Tam Giác Sắt, Chiến Khu C, Chiến Khu D v.v. nơi nào cũng in dấu gót giầy hành quân của các chiến sĩ Trung Ðoàn 9.

Những năm 1965-1967, sau khi quân tác chiến Mỹ ào ạt đổ vào miền Nam, tình hình chiến trận cũng như chính trị có nhiều biến động. Trên mặt trận quân sự, CSBV công khai đưa các đơn vị chính qui vào vùng Cao nguyên Trung phần (Tây Nguyên, tức Mặt trận B-3) và Tây Bắc vùng Hỏa Tuyến (Mặt trận Trị-Thiên). Ðồng thời, CSBV cũng thành lập Sư Ðoàn 2 tại Quảng Ngãi và Sư Ðoàn 3 "Sao Vàng" tại Bình Ðịnh (Quân khu 5 CS). Tại miền Ðông Nam Phần (Quân Khu 7 CS), CSBV thành lập sư đoàn (Công trường) 9 tại Bình Long, 5 tại Bà Rịa (Căn cứ Mây Tầu) và 7 tại Phước Long.

Về chính trị, từ tháng 6-1965, chính phủ dân sự Phan Khắc Sửu - Phan Huy Quát rút lui, trả lại quyền điều hành đất nước cho quân đội! Người ta được nghe những cụm từ như Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia, Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương v.v., hoặc Tổng Cục A, Tổng Cục B, Cục Y, Cục Z v.v. Vì Quân Ðội điều hành việc nước, dĩ nhiên nhiều quân nhân được nắm giữ các chức vụ quan trọng tại các Bộ và nha, sở. Những cấp chỉ huy cao trong quân đội cứ thay đổi liên tục. Thực là đau lòng khi thấy phe này hạ bệ hoặc thanh toán phe kia, tôn giáo này kình chống tôn giáo nọ. Chắc không ai có thể quên vụ "bàn thờ ra đường" còn được gọi là vụ "Phật Giáo miền Trung" xẩy ra vào mùa Xuân 1966. Chính quyền Trung Ương tại Saigon năm ấy đã mang quân đội và cảnh sát ra Ðà Nẵng và Huế thẳng tay dẹp bàn thờ và phong tỏa chùa chiền... Một số lớn quân nhân theo Phật giáo đã bị thuyên chuyển từ Vùng I vào Vùng III hoặc vùng IV Chiến Thuật. Dân gian thời đó thường truyền miệng "được làm vua, thua làm đại sứ" hoặc "được làm vua, thua đi chữa bệnh" v.v. Trường hợp các Ông Dương Văn Minh, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Khánh, Ðỗ Cao Trí, Nguyễn Chánh Thi, Phạm Văn Liễu v.v. là những chứng nhân rực lửa hận thù hoặc xót xa, tiếc nuối, ngậm ngùi tới cuối đời. (Xem hồi ký Nguyễn Chánh Thi, Ðỗ Mậu, Phạm Văn Liễu, v.v.)

Thời gian này, Trung Ðoàn 9 của Trung Tá Vỹ thường phối hợp hành quân với các đơn vị của Sư Ðoàn 1 Bộ Binh Hoa Kỳ trong các chiến dịch tiến vào các mật khu Cộng Sản như Cedar Falls, Junction City v.v. Ông giữ vững lập trường một người lính chiến đấu, gắn bó với tiền tuyến, sát cánh cùng thuộc cấp giữ chắc tay súng truy cản địch quân ngoài mặt trận, chỉ lo chu toàn nhiệm vụ mà không quan tâm đến nhiều rối loạn chính trị, nhiều tranh giành quyền lực tại hậu phương.

Sự tham chiến của binh đội Mỹ – nhất là việc đánh bom miền Bắc để áp lực Hà Nội ngưng xâm lược miền Nam, chấp nhận sự hiện hữu và biên giới của hai thể chế chính trị do các cường quốc ngấm ngầm chấp nhận – gặp sức phản kháng và chống đối trên toàn thế giới. Ngay tại Mỹ, phong trào phản chiến cũng ngày một dâng cao, khởi đi từ những cuộc biểu tình ngồi chống lệnh động viên trong các đại học, rồi đến những cuộc biểu tình ngoài đường phố. Bởi vậy, từ năm 1966-1967, chính phủ Tổng Thống Lyndon B. Johnson phải tìm cách tiếp xúc với Bắc Việt để tìm một giải pháp chính trị.

Trong khi đó, tại miền Nam, các phe phái, Tướng Tá vẫn không ngừng tranh chấp, thanh toán lẫn nhau. Tình huynh đệ chi binh và mục tiêu chiến lược bảo vệ miền Nam khỏi họa Cộng Sản không đủ ngăn chặn những mưu bá, đồ vương. Người ta cho rằng miền Nam sẽ ổn định nếu chấm dứt tình trạng quân đội nắm quyền và tổ chức bầu cử càng sớm càng tốt. Thế nhưng oái oăm thay, sau khi liên danh Nguyễn Văn Thiệu -Nguyễn Cao Kỳ thắng lợi trong cuộc tuyển cử tháng 9-1967 và dẹp yên được chống đối của phe Phật Giáo cùng sinh viên, học sinh, tình hình hậu phương bề ngoài yên tĩnh, thực ra có biết bao cột sóng ngầm cuồn cuộn. Sự kết hợp bất đắc dĩ của liên danh Thiệu - Kỳ có nguy cơ trở thành đối đầu và tiến đến thanh toán nhau trong những ngày tới.

Ngoài chiến trường, chỉ nói riêng khu 32 Chiến Thuật (gồm 3 tỉnh Bình Dương, Bình Long, Phước Long), vùng trách nhiệm của Sư Ðoàn 5 BB, đã mở rất nhiều cuộc hành quân bình định, hành quân truy quét địch, cho nên tình hình an ninh tạm ổn. Lại thêm lúc này quân đội Mỹ vào miền Nam đã lên con số khá cao. Quốc lộ 13, còn có tên gọi là "Quốc lộ máu", đoạn Bình Dương - Bình Long đã ít bị phục kích hoặc gài mìn. Hoặc đoạn đường "gai lửa" Bình Dương - Phước Long trên Quốc lộ 14 cũng được khai thông.
Ðặc biệt thời gian này, Tiểu Ðoàn 2 Trung Ðoàn 9BB đã ghi một chiến công lớn. Nhờ tinh thần chiến đấu anh dũng, quyết tâm kháng cự, lại được phi pháo yểm trợ, Tiểu đoàn đã bẻ gẫy một cuộc tấn công của địch vào Bộ chỉ huy, đóng tại Phước Quả, cách tỉnh lỵ Phước Long hơn 10 km về phía tây nam. Do chiến thắng trên, Tiểu Ðoàn Trưởng 2/9 (Ðại Úy T.) được thăng cấp Thiếu Tá, sau về làm Trung Ðoàn Phó Trung Ðoàn 9 BB.

Như đã lược nhắc, từ năm 1967, phong trào phản chiến trên nước Mỹ dâng cao. Những vụ biểu tình đòi rút binh đội Mỹ khỏi Việt Nam không ôn hoà như trước mà có phần quá khích, có khi còn đốt cờ Mỹ hoặc xé thẻ trưng binh v.v. Chính phủ Johnson bối rối, hơn nữa lại sắp có tổng tuyển cử vào năm tới (1968). Ðây là một thách thức lớn của Tổng Thống Johnson và Ðảng Dân Chủ. Qua trung gian Tổng thư ký LHQ, Pháp, Vatican cùng một số nước khác, chính phủ Johnson tìm cách dò ý Hà Nội về một giải pháp chính trị. Trong khi đó, bộ máy chiến tranh tại Hà Nội, được Liên Sô và Trung Cộng cố vấn, đã bắt mạch được thế lúng túng của Hoa-Thạnh-Ðốn, nên ra sức chuẩn bị một trận đánh lớn để chứng tỏ khả năng hiện diện và tiềm năng quân sự của họ tại chiến trường miền Nam, đồng thời làm chao đảo tinh thần nhân dân và Quốc Hội Mỹ cũng như tạo áp lực với chính phủ Johnson tiến tới bàn hội nghị.

Ðúng vào những ngày Tết năm Mậu Thân 1968, Hà Nội đơn phương hủy bỏ thỏa thuận hưu chiến, mở cuộc Tổng Tấn Công vào Saigon và 44 tỉnh, thị xã của VNCH. Mặt trận tại Bình Dương và BTL/SÐ5 khởi diễn đêm mùng 1 rạng mùng 2 Tết (31-1-1968). Lúc này, quân số hiện diện tại các đơn vị thuộc BTL/SÐ, cũng như Tiểu Khu Bình Dương, trường Công Binh, Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh v.v. không tới 50%.

Thế mà, dù cho địch có chuẩn bị thật kỹ, bảo mật tối đa và đặc biệt tấn công bất ngờ, chúng vẫn không làm chủ tình hình. Giao tranh dữ dội tại khu vực Lò Chén và trường Công Binh trong tỉnh lỵ. Ðịch cũng đặt những "chốt" chặn xung quanh thị xã và pháo kích vào Phú Lợi, cách Bình Dương 5km về hướng đông, nơi đặt Bộ Tư Lệnh SÐ5BB, mục đích cầm chân, không cho tiếp viện. Lập tức, Sư Ðoàn điều động đơn vị của Trung đoàn 7BB giải toả từ phía nam lên và đặc biệt lệnh cho Trung Ðoàn 8 của Ðại Tá Vỹ ở Bến Cát (lúc này Ông đã thăng cấp Ðại Tá, chỉ huy Trung Ðoàn 8BB) đưa đơn vị về giải tỏa từ phía bắc và phía đông. Ðại Tá Vỹ đặt Bộ chỉ huy Hành Quân tại Bưng Cải, khoảng giữa tỉnh lỵ và BTL/SÐ. Ông đích thân điều động cuộc hành quân đánh đuổi địch ra khỏi thị xã và các chi khu lân cận, đồng thời tiếp tục truy quét tàn quân địch.

Nhìn chung, cuộc tổng tấn công và tổng khởi nghĩa của Việt Cộng năm Mậu Thân đã thất bại nặng nề. Nhưng về chính trị, chúng đã đạt thắng lợi đáng kể. Trước áp lực từ nhiều phía, tháng 3-1968, Tổng Thống Johnson tuyên bố không tái tranh cử và hai tháng sau, Hoa-Thạnh-Ðốn cùng Hà Nội cử phái đoàn tới Paris để thương nghị. Số phận VNCH đang nằm trên bàn cờ chính trị cũng như lịch sử VN sắp sang một trang mới.

Sau những đợt hành quân giải tỏa năm Mậu Thân, Ðại Tá Vỹ trở về Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn tại Bến Cát. Thế là, sau khi chỉ huy Trung Ðoàn 9 trên 3 năm, rồi Trung Ðoàn 8 trên 2 năm, Ðại Tá Vỹ đã thực sự dẫn giắt và có công xây dựng thành 2 Trung Ðoàn chủ lực hùng hậu của SÐ5BB. Chính Tướng Phạm-Quốc-Thuần, người đã nắm chức Tư Lệnh SÐ5 hơn 4 năm (có lẽ lâu hơn các vị Tư Lệnh khác) chắc rất hãnh diện và quý mến vị Trung Ðoàn Trưởng này. Ðổi lại, Ðại Tá Vỹ được địch quân treo giá tính mạng rất cao. Ðể có thể chiêu dụ hoặc thanh toán Ông, địch đã dùng nhiều phương cách, kể cả ám sát và mỹ nhân kế v.v. Ðịch còn dùng thủ đoạn khác là lợi dụng tình cảm quan hệ gia đình từ miền Bắc gửi thư cho Ông. Nhưng chúng đã không thực hiện được một ý đồ nào. Ông và các quân sĩ thuộc quyền, tiếp tục truy lùng và diệt địch, tiếp tục lập chiến công. Những trận đánh tại Phú Hòa Ðông, bên kia sông tỉnh lỵ Bình Dương, vòng lên Cầu Ðịnh, Bầu Bàng, Bầu Lòng, qua tận Phú Giáo, hoặc những vụ phục kích trên hành lang di chuyển của địch, bắt sống, hạ sát giao liên - kinh tài, tịch thu vũ khí - tài liệu v.v. khiến hoạt động quấy phá của địch trong vùng trách nhiệm suy giảm rõ rệt. Thời gian này, sự kiện đáng ghi nhớ là một lần nữa, SÐ5BB lại được tuyên dương công trạng trước Quân Ðội. Và tất cả quân nhân từ binh sĩ tới cấp Tướng thuộc SÐ hãnh diện được đeo Dây Biểu Chương Bảo Quốc Huân Chương màu đỏ hoàn toàn.

Tuy nhiên, chiến thắng quân sự của VNCH và Ðồng Minh năm 1968 không đủ làm nguội tham vọng chiếm miền Nam của Hồ Chí Minh - Lê Duẩn và Ðảng CSVN. Tại Mỹ, việc TT Thiệu chưa chịu gửi phái đoàn qua Paris tham dự hòa đàm trước ngày bầu cử phần nào giúp liên danh Nixon đắc cử khít khao, nhưng chính sách giải kết của Mỹ đã là hòn đá tảng. Tổng thống Nixon gọi TT Thiệu qua Midway thông báo sẽ bắt đầu triệt thoái quân Mỹ và Ðồng Minh, nhưng sẽ giúp VNCH tăng gia quân số cũng như trang bị vũ khí hiện đại hơn, trong khuôn khổ kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh (Vietnamization).

Ðích thân TT Nixon, trong chuyến công du Á Châu, đã bí mật ghé Saigon vào hạ tuần tháng 7-1969, cho lệnh quân đội Mỹ triệt thoái nhanh hơn. Chính sách ngoại giao toàn cầu của Mỹ cũng thay đổi dần, từ "đối đầu" sang "hòa hoãn", "đối thoại". TT Nixon và Cố vấn An Ninh Quốc Gia Henry Kissinger bắt đầu sử dụng cả hai lá bài Nga Sô và Trung Cộng, để ép Hà Nội phải chấp nhận một giải pháp chính trị.

Ðầu năm 1970, vì quân đội Ðồng Minh đã một phần rút khỏi Việt Nam, trong khuôn khổ kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh, BTL/SÐ5 di chuyển lên Lai Khê, cách quận lỵ Bến Cát khoảng 5km về hướng đông bắc, nằm trên Quốc lộ 13. Lai Khê xưa kia là nơi người Pháp xây dựng nhà máy, phòng thử nghiệm cao su và có trồng hàng trăm héc ta cao su làm mẫu. Lai Khê đã trở thành một căn cứ quân sự quan trọng, nơi đặt Bộ Tư Lệnh một Lữ Ðoàn của SÐ1BB Hoa Kỳ; và khi họ về nước, BTL/SÐ5BB tiếp nhận căn cứ trên. Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn 8 cùng đóng chung trong căn cứ.

Thời gian này, Tướng Nguyễn Văn Hiếu đã thay Tướng Thuần làm Tư Lệnh. Ðại Tá Vỹ làm Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 8 thêm một thời gian trước khi đi thụ huấn tại Hoa kỳ. Và Trung Ðoàn này đặt dưới quyền chỉ huy của một sĩ quan do Tướng Hiếu đưa từ miền Trung về. Tiếc thay vị Ðại Tá Trung Ðoàn Trưởng mới (Bùi Trạch D.) đã thân bại danh liệt trong trận Snoul (nằm giữa tỉnh Kratie và biên giới Việt - Campuchia), khiến cả một Trung Ðoàn chủ lực của SÐ, với phù hiệu "Chúa Sơn Lâm" trên ngực áo trái, bị thảm bại, nay như người bệnh đang cần chữa trị, thuốc thang để mau có sức hồi phục – cả đơn vị chỉ còn khoảng 500 tay súng. Chính Tướng Hiếu cũng bị ảnh hưởng không tốt sau trận Snoul. Kể từ đây, con đường binh nghiệp của Tướng Hiếu đã rẽ sang một khúc quanh mới (và cuối cùng Ông đã tử nạn tại Văn Phòng Tư Lệnh Phó Quân Ðoàn III với lý do "Bất cẩn khi lau chùi vũ khí?")

Năm 1971, sau khi tốt nghiệp khoá Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp tại Hoa Kỳ, Ðại Tá Vỹ được lệnh trở lại SÐ5BB, với chức vụ Tư Lệnh Phó SÐ. Ðương kim Tư Lệnh là Tướng Lê Văn Hưng. Ðại Tá Vỹ ra sức chấn chỉnh việc phòng thủ căn cứ Lai Khê, nơi đặt bản doanh chính của Bộ Tư Lệnh SÐ. Căn cứ Lai Khê có vòng đai phòng thủ khá rộng. Các pháo đài, các vọng gác làm bằng gỗ thông và bao đựng cát che chắn, có tính dã chiến, tạm bợ, do quân đội Ðồng Minh để lại, đã đến lúc phải tu bổ, sửa chữa nhiều.

Ðích thân Ðại Tá Vỹ cùng các Ðơn vị trưởng đến từng vọng gác, từng pháo đài quanh căn cứ để kiểm soát, đôn đốc, tái thiết lập hệ thống phòng thủ. Ông chỉ thị các đơn vị phải đào những hầm trú ẩn hình chữ "A" để giảm thiểu thiệt hại cho binh sĩ khi địch pháo kích v.v. Cũng nhờ vậy mà sau nhiều lần tấn công của đặc công Việt Cộng, khi thì vài toán nhỏ, khi cả tiểu đoàn, cũng không thể nào xâm nhập sâu trong căn cứ. Trái lại, bị lực lượng bố phòng phát hiện kịp thời và phản kích khiến chúng thiệt hại nặng. Có lần, sau một cuộc tấn công xâm nhập, tổng số tử thi đặc công đếm được ngay tại vòng đai trong cùng của căn cứ lên tới hơn 40 xác. Ðây là con số khá lớn, vì căn bản, tấn công bằng đặc công là xử dụng những toán nhỏ, được huấn luyện rất thuần thục, nhằm gây tổn thất lớn về vật chất và tinh thần cho đối phương. Vả lại, phải mất một thời gian lâu dài, địch mới đào tạo bổ sung được hơn 40 đặc công.

Ngoài bản doanh chính tại căn cứ Lai Khê, Sư Ðoàn 5 đặt Bộ Tư Lệnh Hành quân tại thị trấn An Lộc, tức tỉnh lỵ Bình Long, nằm trên Quốc lộ 13, cách Saigon khoảng 100km về hướng bắc. Tướng Hưng và Ðại tá Vỹ thường luân phiên có mặt tại An Lộc để kịp đáp ứng tình hình.

Thời gian này, kế hoạch "Việt Nam hóa" chiến tranh đã gần hoàn tất. Cả Mạc-Tư-Khoa lẫn Bắc Kinh đều áp lực Hà Nội sớm giải quyết chiến tranh. Lê Ðức Thọ – nhân vật quyền lực thứ ba trong bộ Chính trị Ðảng CSVN – nhiều lần mật đàm tại Paris cùng Cố vấn An Ninh Quốc Gia Mỹ Henry Kissinger, trong chiến lược "vừa đánh vừa đàm". Về phương diện quân sự, nhân thế thất bại chiến lược của quân lực VNCH tại Hạ Lào và Campuchia, Hà Nội quyết định mở một đợt tấn công mới trong mùa Xuân-Hè 1972, với miền Ðông Nam Việt làm "điểm", và Quảng Trị cùng Cao nguyên Trung phần làm "diện", nhằm tiêu hao lực lượng VNCH và mở rộng lãnh thổ kiểm soát, chuẩn bị cho giải pháp "ngưng bắn da beo". Trên mặt trận ngoại giao, Hà Nội muốn lợi dụng năm tranh cử Tổng thống ở Mỹ để ép chính phủ Richard Nixon phải nhượng bộ ngưng yểm trợ chế độ VNCH của Tổng Thống Thiệu, hầu thành lập một chính phủ hòa hợp. Hà Nội còn muốn thành lập một thủ đô cho Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, dưới bảng hiệu mới Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.

Tuy nhiên, vào tháng 1-1972, do Tướng Abrams dự đoán được ý đồ của Hà Nội – đã gia tăng những cuộc oanh tạc B-52 khiến các trục tiếp vận chiến lược của CSBV bị thiệt hại nặng nề – cuối cùng Bộ Chính trị Ðảng CSVN đổi ý, chọn Quảng Trị làm "điểm" [chủ yếu], mặt trận miền Ðông và Cao nguyên chỉ còn là "diện" [hỗ trợ]. Hạ tuần tháng 3-1972, đích thân Văn Tiến Dũng mang hơn 1 quân đoàn với đầy đủ tăng pháo vượt qua giới tuyến Bến Hải đánh chiếm Quảng Trị.

Khác với những đợt tấn công năm Mậu Thân (2/1968, 5/1968, 9/1968) mà các nhà nghiên cứu và bình luận gọi là cuộc "tấn công tự sát", lần này Hà Nội, với mục đích tạo ưu thế tại bàn hội nghị, đồng loạt mở 3 mặt trận lớn tại Quảng Trị, Kon Tum và Bình Long.

Những ngày đầu tháng 4-1972, đã có tin tình báo ghi nhận những cuộc chuyển quân của địch từ phía bên kia biên giới, theo hướng bắc và đông bắc tiến gần đến Lộc Ninh, một quận lỵ thuộc tỉnh Bình Long, cách thị trấn An Lộc khoảng 20km về phía tây bắc. Ðây là nơi đặt Bộ Chỉ Huy Chiến đoàn 9 (gồm Trung đoàn 9 BB, tiểu đoàn Biệt động quân, Chi đoàn Thiết giáp, tiểu đoàn Pháo binh v.v.). Thế rồi, rạng sáng ngày 6 tháng 4 năm 1972, vẫn với chiến thuật quen thuộc tiền pháo hậu xung, lực lượng địch với quân số đông gấp ba quân trú phòng, lại có chiến xa yểm trợ mở cuộc tấn công. Ðại Tá Chiến đoàn trưởng Nguyễn Công V. cùng một số sĩ quan tham mưu bị bắt làm tù binh. Trong khi đó, thị trấn An Lộc, tức tỉnh lỵ Bình Long, bị địch pháo kích từ mấy ngày trước, mở màn cho những trận mưa pháo ròng rã trên ba tháng trời. Người ta bàng hoàng, lo lắng được tin Lộc Ninh thất thủ. Tướng Hưng và Ðại Tá Vỹ đều có mặt tại BTL Hành quân để điều động quân sĩ trong vùng được gọi là mặt trận Bình Long - An Lộc.

Ngày 13-4-1972, Việt Cộng tung 3 Sư đoàn bộ binh (Công trường 5, 7, 9), có pháo và chiến xa yểm trợ tấn công. Mở đầu là những trận mưa pháo rót vào thị xã từ nửa khuya. Ðạn pháo nổ liên tục trải khắp thành phố, rung chuyển mặt đất. Người ta không thể ước tính được có bao nhiêu trái đạn pháo và cũng không định hướng được địch đã pháo từ phía nào... Không kể những vị trí quân sự như Bộ Tư Lệnh Hành Quân/SÐ5, Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long, Bộ Chỉ Huy TrÐ 8 v.v., bệnh viện, trường học, chợ, nhà dân, trung tâm tạm cư cho người di tản từ Lộc Ninh đều bị trúng pháo địch. Cả thành phố chìm trong lửa khói. Rồi bỗng nhiên địch ngừng pháo. Bên ngoài, trời vừa hừng sáng, những cột khói đen vươn lên cao. Người ta nghe được tiếng máy gầm gừ của đoàn cơ giới tiến vào thị xã. Không! Không thể lầm được! Chiến xa địch đang di chuyển, càng lúc càng gần Bộ Tư Lệnh Hành Quân. Ðây là lần đầu địch sử dụng chiến xa tại chiến trường miền Ðông và cũng là lần đầu tiên, binh sĩ của ta phải đối phó, nên có phần nào hoảng hốt, bối rối.

Nhưng lạ thay, các họng súng đại bác trên chiến xa không thấy nhả đạn, địch hình như đang dò tìm mục tiêu, chúng đã mất phương hướng. Một chiếc T54 đang nghiến xích sắt trên mặt đường sát bên hông BTL/Hành Quân. Mọi người, từ binh sĩ tới Tư Lệnh chiến trường, đều nín thở như chờ đợi một thảm họa và hầu như phó mặc cho số phận. Bỗng Ðại Tá Vỹ lao khỏi hầm, với nón sắt, áo giáp và đặc biệt khẩu súng chống chiến xa M72 trên tay, theo sau là Trung úy sĩ quan tùy viên. Tới bờ tường phòng thủ, vừa lúc chiến xa địch vượt qua khỏi cổng chính khoảng 20 mét, Ông quỳ người, giữ tư thế tác xạ, đưa M72 lên vai. Người sĩ quan tùy viên kế bên, khom người quan sát. Mọi người trong hầm chỉ huy hồi hộp phóng tầm nhìn qua lỗ châu mai. Một tiếng nổ. Và một luồng lửa đỏ tống về phía sau. Chiến xa địch bị trúng hỏa tiễn, bốc khói nhưng vẫn cố di động trước khi trở thành một khối sắt xám xịt vô dụng bên vệ đường.

Quân sĩ từ trong hầm chỉ huy đổ ra ngoài reo hò mừng rỡ. Bây giờ người ta mới thực sự tin M72 đã bắn hạ chiến xa địch mà suốt mấy năm qua, từ khi được trang bị, chưa có cơ hội tác xạ. Ai ngờ ngày hôm đó, trong cơn nguy khốn, vị Ðại Tá Tư Lệnh Phó chiến trường lại làm nhiệm vụ một khinh binh, đích thân sử dụng M72 triệt hạ T54 của Bắc Việt. Câu chuyện Ðại Tá Vỹ bắn hạ chiến xa địch lan truyền, tinh thần quân sĩ trú phòng tại Bình Long - An Lộc lên cao... Ðó đây có những báo cáo về Bộ Tư Lệnh, cho biết đã bắn hạ thêm nhiều chiếc khác. Hình như chiến xa địch bị vô hiệu hoá vì không có bộ binh phối hợp, có lẽ do hiệu quả những đợt B52 trải nhiều thảm bom suốt ngày đêm hôm trước.

Vì Hà Nội mở chiến dịch Xuân Hè 1972 khắp 3 vùng chiến thuật, lực lượng Tổng trừ bị VNCH (Dù và TQLC) bị phân tán mỏng. Sau đó, Bộ Tổng Tham Mưu giữ TQLC ở vùng I, và đưa Nhảy Dù về vùng III và vùng II. Quân Ðoàn III còn được tăng phái một số đơn vị của Quân Ðoàn IV như SÐ21BB, SÐ9BB. Liên Ðoàn Biệt Cách Dù cũng vào mặt trận hầu có thể sớm giải tỏa An Lộc. Nếu An Lộc thất thủ, Sàigòn tất nhiên bị đe doạ.

Trong khi các lực lượng giải tỏa gặp rất nhiều khó khăn tại các nút chặn quanh thị xã An Lộc, nhất là tại Xa Cam, khoảng 10km về phía nam, thì lực lượng tử thủ bên trong thị xã như sống trong hỏa ngục. Hàng ngày, cái thị trấn nhỏ bé nhận nhiều ngàn đạn pháo của địch, cộng thêm tiếng bom nổ của các phi cơ oanh kích chiến xa địch trên đường tiến gần thị xã, tiếng bom từ B52 trải xuống quanh vùng dội lại v.v. Liên lạc từ BTL Hành Quân đến các đơn vị bên ngoài bị gián đoạn. Tinh thần mọi người quá căng thẳng và rơi vào tình trạng khủng hoảng. Cũng có thể nhận xét của Tướng Hollingsworth, Cố vấn Quân Ðoàn III, rằng Tướng Hưng, Tư Lệnh chiến trường, như người "mất hồn" và "không làm được việc gì cả" là quá khắt khe chăng?

An Lộc bị vây hãm càng lâu, tinh thần quân sĩ trú phòng càng xuống. Thiếu ngủ, thiếu dinh dưỡng, thiếu nước, v.v. lại thêm môi trường ô nhiễm vì xác tử thi đã thối rữa, bốc mùi v.v. thực không sao tả hết được nỗi kinh hoàng cùng cực của các chiến sĩ tử thủ An Lộc ba mươi sáu năm về trước (cũng vào THÁNG TƯ quái ác). Vì "tất cả cho chiến trường", cho nên kế hoạch tiếp tế, tản thương đã lập tức thực hiện song song với việc giải tỏa. Việc tiếp tế thả dù khởi đầu không được như ý. Phi cơ phải tránh phòng không địch, nên bay quá cao và có nhiều kiện hàng rơi không đúng nơi dự tính. Lại thêm địch tiếp tục pháo nên việc đón nhận các tiếp liệu phẩm gặp khó khăn. Ðã có những quân nhân tử nạn vì bị kiện hàng rơi trúng, không kịp tránh, hoặc bị trúng đạn pháo trước khi chạm tay vào các vật phẩm tiếp tế.

Dẫu vậy, không như Cổ Thành Quảng Trị ở Vùng I hay Tân Cảnh (Dakto) ở Vùng II, thị trấn An Lộc đã đứng vững, chứng minh tinh thần anh dũng, quyết chiến của các chiến sĩ tử thủ cũng như giải tỏa, trong mặt trận Bình Long - An Lộc. Kết thúc trận chiến, sau này theo thống kê, cả hai bên đều thiệt hại nặng. VNCH vẫn kiểm soát được các tỉnh lỵ, huyện lỵ (trừ Lộc Ninh) và thị trấn trên Quốc lộ 13, đoạn Bình Dương - Bình Long, Việt Cộng kiểm soát vùng nông thôn và ven ranh. Di chuyển lên Bình Long, Phước Long, phải dùng phi cơ, không còn thênh thang đường bộ như năm trước.

Rời chiến trường Bình Long - An Lộc, một trận chiến làm rúng động thế giới, Ðại Tá Vỹ về làm Phụ Tá Hành quân Tư Lệnh Quân Ðoàn III rồi được chỉ định làm Tư Lệnh lực lượng đặc nhiệm (gồm liên đoàn Biệt Ðộng Quân, Thiết Giáp, Pháo Binh v.v.). Ngoài ra, Ông cùng một phái đoàn được đi du ngoạn Ðài Loan gọi là để tưởng thưởng các chiến sĩ hữu công. Sư Ðoàn 5BB cũng có một Tư Lệnh mới, Ðại Tá Trần Quốc Lịch thay Tướng Hưng từ sau trận chiến An Lộc. Những cuộc giao tranh ác liệt không còn, thỉnh thoảng địch "đóng chốt" hoặc bắn xẻ.

Năm 1973, Ðại Tá Vỹ thuyên chuyển về Sư Ðoàn 21 BB, giữ chức Tư Lệnh Phó. Ít lâu sau, chính Tướng Hưng lại về làm Tư Lệnh Sư Ðoàn 21 một thời gian trước khi nhận chức Tư Lệnh Phó Quân Ðoàn IV. Rừng núi miền Ðông Nam Phần khác với vùng sình lầy miền Tây. Hơn hai mươi năm trước, Thiếu Úy Vỹ đã cùng bao đồng đội, lao mình ra phỏi phi cơ ở độ cao mấy ngàn bộ, khi thì nhảy ngay trên đầu địch, khi thì nhảy xuống sau lưng địch, đánh bọc hậu, thì nay, dù Sư Ðoàn 5 hay Sư Ðoàn 21, dù Quân Ðoàn III hay quân Ðoàn IV, đời chiến binh đâu chẳng là nhà. Và nhiệm vụ nào thượng cấp đã giao, phải ra sức chu toàn. Với nhiệm vụ của một Tư Lệnh Phó, Ðại Tá Vỹ thường bay thị sát trong vùng và không may, trong một phi vụ quan sát, máy bay gặp nạn, Ông bị văng ra khỏi phi cơ nhưng như có phép lạ, chỉ bị gẫy xương ống chân và xây xát, bầm tím trên mặt, trên thân thể. Còn sống sót khi máy bay gặp nạn là điều hiếm thấy và quân y viện đã săn sóc, bó bột chân; xong để Ông về nhà dưỡng thương ba tháng trước khi tháo băng bột.

Thời gian dưỡng thương, đi lại phải nhờ vào cặp nạng nhôm quân y viện cho mượn, sinh hoạt cần thiết hàng ngày đôi lúc phải nhờ người khác. Nhưng đây cũng là thời gian hiếm có trong đời để nhớ về những trận đánh, những chiến trường và những chiến công. Là một chiến sĩ từng xông pha ngoài trận tuyến, dày dạn chiến trường, mà nay chỉ làm bạn với chiếc máy thu thanh, thu hình, tin tức chỉ xoay quanh Việt Cộng vi phạm hiệp định bao nhiêu lần, đã đón nhận bao nhiêu tù binh, giành dân lấn đất ở đâu v.v., Ông thường tự hỏi chẳng lẽ mang danh chiến sĩ mà cứ loanh quanh trong căn phòng hơn 20 mét vuông với đôi nạng hay sao?....

Thoắt đã gần 3 tháng, còn 2 tuần nữa là tới ngày tháo bột. Những bằng hữu, chiến hữu lui tới thăm hỏi cũng thưa dần. Trong khi ấy, sau trận chiến An Lộc, Sư Ðoàn 5 BB cần được bổ sung và chỉnh đốn về mọi mặt, từ quân số đến trang thiết bị. Ðại Tá Trần Quốc Lịch, đã được thăng cấp Chuẩn Tướng. Bộ Tham Mưu/SÐ gồm Ðại Tá Tham Mưu Trưởng Ð., Trưởng Phòng 1 H., Trưởng Phòng Tổng Quản Trị T.H., Trưởng Phòng 4, Tiểu Ðoàn Tiếp Vận, Trung Tâm Huấn Luyện Sư Ðoàn v.v. cộng với các Trung Ðoàn Trưởng mới … tập họp thành một "…" (không biết dùng từ nào cho thích hợp), làm Sư Ðoàn "tuột dốc" thê thảm. Nạn bè phái, chạy chọt chức vụ, cấp bậc, lo lót về đơn vị yểm trợ, lính ma, lính kiểng, ăn chơi, trụy lạc v.v. khiến Trung Ương không thể dung dưỡng được lâu. Và kết quả, Chuẩn Tướng Lịch bị cách chức Tư Lệnh, giáng cấp, chờ ngày ra toà (dịp này, Chuẩn Tướng Lê Văn Tư/SÐ25BB cũng bị cách chức và giáng cấp).

Vào một ngày đầu tháng 11-1973, Ðại Tá Vỹ nhận lệnh về đảm nhiệm chức vụ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 BB với trọng trách chấn chỉnh, thanh lọc và lấy lại uy danh ngày xưa. Thời gian này, Trung Tướng Phạm Quốc Thuần đã thay Tướng Nguyễn Văn Minh làm Tư Lệnh Quân Ðoàn III và Quân Khu III. Lệnh trên đã ban ra, buộc Ðại Tá Vỹ phải yêu cầu các quân y sĩ tháo băng bột ở chân sớm hơn dự dịnh một tuần và ngày 7 tháng 11-1973, lễ bàn giao diễn ra tại Bộ Tư Lệnh/SÐ ở Căn Cứ Lai Khê.

Trở lại chiến trường miền Ðông lần này, lại nhận một trọng trách lớn, Ðai Tá Vỹ bắt tay ngay vào việc chấn chỉnh, sắp xếp các sĩ quan ở Trung Ðoàn và Bộ Tham Mưu. Ông rất hài lòng với ba Trung Ðoàn Trưởng: Trung Tá Quế, từ đơn vị Biệt Cách Nhảy Dù chỉ huy Trung Ðoàn 9; Trung Tá Hùng, thụ huấn tại Trường Chỉ Huy Tham Mưu, về chỉ huy Trung Ðoàn 8; và Trung Tá Vượng, Trung Đoàn 7. Trường hợp Trung Tá Vượng tưởng cũng nên mở dấu ngoặc để nói thêm: Ông từ binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, về Sư Ðoàn 5 làm ... sĩ quan Thanh Tra! Ðại Tá Vỹ, không muốn phí phạm nhân lực và muốn tạo cơ hội tốt cho Trung Tá Vượng, nên đã trao Trung Ðoàn 7 cho Ông. Ðối với Bộ Tham Mưu Sư Ðoàn, trải qua những kinh nghiệm chiến trường và những phúc trình đầy đủ, Ðại Tá Vỹ muốn có một phụ tá biết xử dụng khả năng, sức mạnh của thiết giáp, kỵ binh nên Ðại Tá Thoàn thuộc binh chủng Thiết Giáp đã về làm Tư Lệnh Phó/SÐ, và Trung Tá Ð.Ð.Chinh, một Sĩ Quan Tham Mưu nhiều năm kinh nghiệm thay Ðại Tá Ðăng trong chức vụ Tham Mưu Trưởng. Dĩ nhiên phần lớn các trưởng phòng thuộc Bộ Tham Mưu/SÐ cũng lần lượt ra đi. Thế là SÐ5BB bây giờ đã mang một bộ mặt mới và quân sĩ đã có niềm tin mới vào các cấp chỉ huy. Con đường trước mặt là phải ngăn chặn và giáng trả những vi phạm, phải giành lại những nơi mà địch lấn chiếm sau hiệp định tháng 1-1973, tới nay còn đóng "chốt" và cố thủ. Ngoài ra, việc phòng thủ các vị trí đóng quân cũng là mối quan tâm lớn của vị tân Tư Lệnh. Bài học đắt giá từ chiến trường An Lộc khiến các đơn vị đã tích cực hơn nhiều trong việc thiết lập hệ thống phòng thủ. Ngoài việc đào giao thông hào quanh đơn vị, lập hầm trú ẩn an toàn cho binh sĩ, mỗi đơn vị bắt buộc phải đào một giếng nước v.v. Riêng vòng đai phòng thủ căn cứ, ngoài hệ thống mìn bẫy dĩ nhiên phải có, Ðại Tá Vỹ đặc biệt giao cho Tiểu Ðoàn 5 Công Binh sản xuất thực nhiều chông nhỏ rải xung quanh các pháo đài quanh căn cứ. Loại chông này, lấy vật liệu từ kẽm gai, có hình dáng như 4 cái đinh, mỗi đinh dài khoảng 3cm, mũ của đinh tụ lại ở giữa, bốn đầu nhọn của đinh có ngạnh giống lưỡi câu, hướng ra ngoài. Khi chông rải ra, lúc nào cũng có một mũi nhọn hướng lên trời để chờ đợi những bàn chân "đi giải phóng". Ðại Tá Vỹ muốn tạo niềm tin cho các quân sĩ, tin vào khả năng tác chiến, tin vào vũ khí và hỏa lực, tin vào hệ thống phòng thủ vững chắc và nhất là tin vào tinh thần quyết chiến của cấp chỉ huy cùng đồng đội, thì cho dù tiền pháo hậu xung, cho dù biển người, cho dù xe tăng T54, T56 v.v. cũng không làm sờn lòng chiến sĩ SÐ5.

Tuy rất bận rộn với công vụ, Ðại Tá Vỹ thường dành vài giờ mỗi tháng để nhắn nhủ hoặc tâm tình cùng quân sĩ tại võ đường của SÐ. Ðặc biệt, rút kinh nghiệm chiến trường An Lộc, Ông đã chỉ thị Trung Ðoàn 8 cho tác xạ biểu diễn hoả tiễn TOW (được trang bị từ cuối năm 1972), một loại hoả tiễn tối tân có thể điều khiển tìm mục tiêu, để quân sĩ trú phòng vững tin hơn. Thời gian này, Sư Ðoàn lại được bổ sung hai Sĩ Quan nhiều kinh nghiệm tham mưu và chiến trận: Ðại Tá Nguyễn Mạnh Tường và Ðại Tá Từ Vấn. Ðại Tá Tường xuất thân binh chủng Nhảy Dù, trước khi về SÐ là Tiểu Khu Phó TK/Bình Ðịnh; Ðại Tá Vấn nguyên là Liên Ðoàn Trưởng Liên Ðoàn 22 Biệt Ðộng Quân.

Về an ninh diện địa, trong vùng trách nhiệm của SÐ5BB, Việt Cộng vi phạm Hiệp Ðịnh ngừng bắn nhiều lần, nhưng chỉ lẻ tẻ và ở mức độ thấp. Ðơn vị tác chiến của SÐ đã trực tiếp giáng trả hoặc hỗ trợ các đơn vị Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân giành lại thôn, ấp xa xôi do địch tạm chiếm. Tuy nhiên vào khoảng gần cuối năm 1974, cách quận lỵ Bến Cát hơn 10km về phía tây nam, đồn Rạch Bắp bị địch tràn ngập...

Ðây là một trọng điểm kiểm soát hành lang di chuyển của địch. Lực lượng đồn trú bị tổn thất nhẹ và đã rút ra ngoài an toàn. Bộ Tư Lệnh chỉ thị Trung Ðoàn 9 phải đưa một đơn vị hành quân giải tỏa. Ðịch đã rút lui về vùng Tam Giác Sắt chỉ để lại chừng một trung đội cố thủ tại đây. Trải qua mấy ngày đầu, lực lượng tái chiếm vẫn dậm chân tại chỗ. Ðịch núp dưới giao thông địa đạo tránh bom và pháo. Khi ta xung phong lại gặp hỏa lực dữ dội của địch. Cho nên đơn vị của TrÐ 9 đến giải tỏa, thay đổi chiến thuật. Trong khi cả tiểu đoàn vây hãm vòng ngoài, có những toán nhỏ với vũ khí nhẹ và lựu đạn, xâm nhập và tiêu diệt từng ổ kháng cự. Thế là cũng với quân số tương đương, ta chiếm lại được Rạch Bắp.

Niềm vui chiến thắng kéo dài tới ngày Quốc Khánh 1-11-1974, ngày Ðại Tá Lê Nguyên Vỹ được vinh thăng Chuẩn Tướng. Một số các quân nhân khác cũng được tưởng thưởng và thăng cấp trong dịp lễ kỷ niệm này. Ðặc biệt sắc lệnh thăng thưởng cấp Tướng chỉ có hai vị: H.V.Lạc lên Chuẩn Tướng thực thụ, và Lê Nguyên Vỹ nhiệm chức.

Khoảng trung tuần tháng 12-1974, từ phía đông bắc căn cứ Lai Khê, tin dữ đưa về: Việt Cộng tấn công một số chi khu của tỉnh Phước Long như Ðôn Luân, Ðức Phong và đang uy hiếp tỉnh lỵ. Mọi liên lạc tiếp viện, yểm trợ không thể dùng đường bộ, chỉ hoàn toàn trông vào không lực VNCH. Trong khi phi trường Biên Hòa, phi trường Phước Long, và BTL/SÐ5 bị pháo liên tục thì Sư đoàn 7 của địch, có tăng và pháo yểm trợ mỗi ngày một xiết chặt vòng vây quanh Phước Long. Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn III đã không vận tăng cường đến Phước Long lực lượng Biệt Cách Dù, một tiểu đoàn bộ binh và 3 đại đội trinh sát. Ngoài ra rất nhiều phi tuần đánh bom quanh tỉnh lỵ. Nhưng vì đánh giặc theo kiểu "con nhà nghèo", bắn một viên đạn, thả một trái bom đều phải tính thành tiền, vả lại làm gì còn B52 trải bom thảm theo yêu cầu nữa, lại không còn một lực lượng Tổng Trừ Bị nào tăng phái cho Quân Ðoàn, vì thế Phước Long chỉ cầm cự được thêm ít lâu và thất thủ vào ngày 6-1-1974. Ðây là tỉnh lỵ đầu tiên của VNCH bị địch lấn chiếm trong chiến dịch "tầm ăn dâu" hay là "giành dân lấn đất".

Không biết do áp lực nào, Tổng Thống Thiệu đưa Tướng Dư Quốc Ðống về thay Tướng Thuần. Hình như Tướng Ðống cũng lập kế hoạch giải tỏa và cần tăng viện một sư đoàn, nhưng không được đáp ứng vì không đủ quân, nên có ý xin từ chức. Rồi vài tháng sau, Tướng Nguyễn Văn Toàn thay Tướng Ðống. Tướng Thuần, Ðống hoặc Toàn làm tư lệnh, Phước Long vẫn nằm trong tay Việt Cộng và hình như Phủ Tổng Thống hay Bộ Tổng Tham Mưu đã quay mặt với lý do nơi đây không phải là vị trí chiến lược quan trọng. Chỉ trong vòng 3 tháng mà hai lần thay Tư Lệnh quân đoàn bảo vệ Saigon. Rồi lại một tin không vui từ Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn III truyền đi: Tướng Hiếu đã tử nạn!!! Nghe tin này, người ta thực hoang mang và xúc động.

Trong khi đó, sau khi chiếm được Phước Long, Việt Cộng tảng lờ những chống đối, lên án, tại Ủy ban kiểm soát đình chiến, tại Ban liên hợp quân sự v.v. cứ khăng khăng "chỉ đánh trả lại những vi phạm Hiệp định Paris" của VNCH. Quan trọng hơn hết, Hoa Kỳ không có phản ứng, hoặc phản ứng lấy lệ. Dĩ nhiên, đối với Hoa Kỳ, chiến tranh VN đã là dĩ vãng. Kể từ năm 1967, họ đã từng bước lập kế hoạch, nào là thư từ qua lại, nào là đi đêm, hoạt động con thoi, nào là qua trung gian các cường quốc rồi chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh, rồi leo thang, rồi ném bom Hà Nội v.v. Cuối cùng, gần 6 năm sau, đúng nửa đêm ngày 27 rạng 28-1-1973 giờ quốc tế, có một bản văn được ký kết tại Hội nghị Paris với tên gọi "Hiệp Ðịnh về Chấm Dứt Chiến Tranh và Tái Lập Hòa Bình tại Việt Nam" theo nhu cầu và quyền lợi của quốc gia Hoa Kỳ. Hơn 60,000 lính tác chiến Mỹ còn lại đã triệt thoái. Hầu hết tù binh Mỹ được phóng thích, kể cả Ðại tá Không quân John McCain – đương kim ứng cử viên Tổng thống Mỹ – sau hơn 5 năm đủ mùi vị đầy đọa, hạ nhục tại Hỏa Lò Hà Nội. Dù chẳng phải không tiên liệu được tham tâm nhất thống miền Nam của Lê Duẩn và Ðảng Lao Ðộng Việt Nam, nhưng TT Nixon và Ngoại trưởng Kissinger không có một lựa chọn nào khác, đành vui hưởng cái gọi là "hòa bình trong danh dự" [peace with honor] từ mùa Xuân 1973. (Không biết đây có phải là Mỹ đã "thua" và phải "tháo chạy" như có người đã nhận xét?).

Tại Bộ Tư Lệnh SÐ5BB, đầu năm 1975, Ðại Tá Từ Vấn giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng thay Ðại Tá Chinh xin thuyên chuyển về trường Hạ Sĩ Quan Nha Trang. Ðại Tá Nguyễn Mạnh Tường, theo trên cho biết, có liên hệ đến vụ đảo chánh 11-11-1960, nên không được chấp thuận chức vụ Tham Mưu Trưởng. Tướng Vỹ chỉ định Ông làm Phụ Tá Hành Quân.

Nhìn chung Quân đội VNCH giai đoạn này, đã ở thế thủ. Viện trợ quân sự bị cắt giảm nhiều, không đủ lực mở những cuộc hành quân quy mô, có tăng, có pháo và phi cơ yểm trợ đầy đủ như trước. Tướng Vỹ cho biết, trong tình hình xấu nhất, Ông có thể cầm cự 6 tháng không cần tiếp tế.

Nhưng Hà Nội bắt đầu phát động chiến dịch Xuân-Hè 1975, với hy vọng làm ăn ở miền Tây nguyên. Ba sư đoàn Bắc quân, được tăng pháo và đặc công yểm trợ, tấn công và chiếm được thị xã Ban Mê Thuột, nơi đặt Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 BB vào thượng tuần tháng 3-1975. Tư lệnh Quân đoàn II và Bộ Tổng Tham Mưu hoàn toàn bị bất ngờ. Giữa lúc các lực lượng cơ hữu của QĐ II đang lo tái chiếm Ban Mê Thuột, TT Thiệu triệu tập một phiên họp mật với Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Ðại Tướng Cao Văn Viên và Trung Tướng Ðặng Văn Quang tại hành lang Dinh Ðộc Lập, tiết lộ đã quyết định triệt thoái khỏi Pleiku và Vùng I chiến thuật, rút về lập tuyến phòng thủ Phan Rang - Ban Mê Thuột. Lý do chính là phái đoàn Nghị sĩ mới từ Mỹ về cho biết viện trợ tài khóa 1975-1976 lại bị cắt giảm. TT Thiệu đành phải thực hiện chiến lược "đầu bé, đít to" – cắt nhỏ dần lãnh thổ kiểm soát, cốt sao giữ được Vùng III và Vùng IV. Quyết định này được thông báo cho Tướng Trưởng ngày 12-3-1975: Hoàn trả Nhảy Dù về Sài Gòn; nếu cần, triệt thoái Huế, về giữ Ðà Nẵng. Hai ngày sau, TT Thiệu cùng các Tướng Khiêm, Viên và Quang bay ra Cam Ranh, họp mật với Tướng Phạm Văn Phú, và cho lệnh triệt thoái Kontum - Pleiku.

Tướng Phú đề nghị cho hành quân cấp Quân Đoàn dài theo Quốc lộ 7-B – từ ngã ba Thuần Mẫn trên lộ 14, xuống Cheo Reo (Phú Bổn), Củng Sơn, rồi Tuy Hòa. Vì lý do "bảo mật", ngay ngày 16-3, toàn bộ lực lượng QÐ II bắt đầu rút khỏi Pleiku. Các lực lượng Cảnh sát, Ðịa Phương Quân và Nghĩa quân đều bị bỏ lại. Ngay trong đêm 16-3, hỗn lọan đã bùng nổ ở Pleiku, khi Sư Đoàn 6 Không Quân di tản gia đình và thân nhân. Hàng chục ngàn dân chúng Pleiku thu góp tài sản đổ về đường 7-B. Văn Tiến Dũng, dù bất ngờ, cũng sai quân đuổi theo truy kích. Ðoàn di tản bị kẹt đọng lại ở Cheo Reo, và rồi Củng Sơn.

Quốc lộ 7-B trở thành địa ngục trần gian cho những quân nhân QÐ II di tản. Toàn bộ xe tăng, thiết giáp và pháo bị lọt vào tay CSBV. Chưa đầy 5000 người di tản tìm được về Tuy Hòa. Tư lệnh lực lượng bảo vệ, Chuẩn Tướng Tất, bị bắt sống. Trực thăng cứu thoát được Chuẩn Tướng Cẩm, Tư lệnh phó QĐ II, về Tuy Hòa, nhưng sau này vẫn lọt vào tay CS.

Lý do TT Thiệu ra lệnh triệt thoái, tới nay vẫn còn là dấu hỏi lớn, vì đã mở đầu cho sự sụp đổ hoàn toàn của miền Nam Việt Nam. Người ta nghĩ rằng trước khi trở thành Tổng Thống, Ông đã là một Trung Tướng, đã là Bộ Trưởng Quốc Phòng, vậy thì đằng sau quyết định đó, có ẩn ý gì? ... Chỉ chắc một điều là quyết định này không do Mỹ chỉ thị để có thể "tháo chạy". Ðại tướng Khiêm và Trung tướng Quang đã khiến các nhân viên Mỹ cực kỳ bực dọc vì không thông báo cho Mỹ biết việc này, khiến các nhân viên Mỹ ở vùng II và Vùng I thất điên bát đảo.

Hạ tuần tháng 3-1975, sau khi cuộc triệt thoái cao nguyên trở thành thảm bại, TT Thiệu cho lệnh Tướng Trưởng bỏ ngỏ các tỉnh Quân khu I, rút về tử thủ Ðà Nẵng. Nhưng ngày 29-3, Ðà Nẵng bị bỏ ngỏ. Các tỉnh duyên hải miền Trung cũng lần lượt sụp đổ như lâu đài trên bãi cát. Ngay đến Phan Rang, quê hương của TT Thiệu, cũng di tản từ ngày 2-4-1975.

Lữ Ðoàn 3 Dù đang trên tàu về Sài Gòn, được lệnh đổ bộ xuống Nha Trang, rồi từ đây kéo lên Khánh Dương, chốt chặn mức tiến của SÐ 10 CSBV. Một Lữ đoàn Dù khác, cùng tàn quân SÐ 2 BB và SÐ 6 KQ, được điều ra Phan Rang lập Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Ðoàn III. Nhưng chốt phòng thủ chiến lược này bị cánh quân miền Ðông của Lê Trọng Tấn, với quân số hơn 1 quân đoàn, diệt gọn trong hai ngày 16/17-4-1975.

Ngày 18-4-1975, Long Khánh bỏ ngỏ. Tướng Toàn phải di tản Không quân xuống Cần Thơ. Mặc dù hai Sư Đoàn 25 BB và 5 BB còn trấn giữ phía Tây Bắc và Bắc Sài Gòn, tình thế đã tuyệt vọng. Bắc quân lên tới hơn 3 quân đoàn, với tăng, pháo hợp đồng...

Tối 21-4-1975, TT Thiệu bàn giao cho Phó TT Trần Văn Hương, để "trở lại chiến đấu bên các chiến hữu". Nhưng bốn ngày sau, hai ông Thiệu, Khiêm bí mật rời Sài Gòn bằng phi cơ Mỹ. TT Hương cũng chỉ ở Dinh Ðộc Lập được một tuần lễ, rồi ủy quyền cho Quốc Hội. Chiều ngày Thứ Hai, 28-4-1975, Ðại Tướng Dương Văn Minh tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống – với hy vọng đạt một giải pháp màu hồng với Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam. Ðiều Tướng Minh và nhiều chuyên gia ngoại quốc không biết là vai trò MTDT/GPMN đã hầu như chấm dứt. Lê Duẩn – người không ngừng cổ võ "cách mạng là tấn công" – cho lệnh phải giải quyết càng sớm càng tốt, nếu có thể trước năm 1976 như dự định.
Tướng Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu không chọn đường tử thủ. Sáng ngày 29-4-1975, Thủ Tướng Mẫu chính thức yêu cầu người Mỹ rút khỏi VN, đóng cửa văn phòng tùy viên quân sự (DAO) – một bước ngoại giao có tính toán giúp Mỹ rảnh tay ra đi.

Cũng ngày 29-4-1975 này, Tướng Toàn và Bộ Tư Lệnh QÐ III từ Biên Hòa di chuyển về Gò Vấp, 5km bắc Thủ đô Sài Gòn. Riêng Sư Ðoàn 5, lực lượng vẫn bảo toàn nguyên vẹn. Theo Tướng Vỹ, có thể địch tránh không muốn đụng SÐ5, nên chúng pháo cầm chân và tiến quân về Sàigòn theo hai hướng đông và tây của Lai Khê, đồng thời đặt các nút chặn phía nam của Lai Khê, Bình Dương. Sư Ðoàn 5 cũng được lệnh chuẩn bị di chuyển về phía nam để tái phối trí. Sáng 30 tháng 4-1975, sau buổi họp Tham Mưu thường lệ chừng một tiếng đồng hồ, người ta bàng hoàng nghe tin TT Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Ông còn nhân danh Tổng Tư Lệnh Quân Ðội ra lệnh cho quân nhân các cấp buông súng, chờ bàn giao! Ðúng là sét đánh ngang tai!

Tướng Vỹ lúc đó ưu tư nhiều, vẻ mặt trầm lặng, khác với bản tánh thường ngày. Ông tâm sự với một số sĩ quan tham mưu thu hẹp bên cạnh, với nét mặt bình thản khác thường: "Lệnh trên đã ban ra, phải thi hành. Hơn nữa, con em người ta giao cho mình, không lẽ đem nướng vào giờ thứ 25 sao? Ðối với các anh em thì tùy ý quyết định". Xong Ông đi về phía trailer [phòng lưu động của quân đội] dùng làm phòng ngủ riêng cho Tư Lệnh.

Ít phút sau, hai tiếng nổ khô khan vọng ra. Mọi người hốt hoảng chạy tới. Tướng Vỹ đã dùng khẩu súng ngắn của Ông để tự sát. Vết đạn xuyên từ phía dưới cằm lên đầu. Các Sĩ Quan hiện diện kính cẩn nghiêng mình, không cầm được nước mắt. Lúc ấy là 12 giờ rưỡi trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Trong khi mọi người vội vã đưa thi hài Tướng Vỹ an táng tạm trong vòng đai căn cứ thì phía ngoài hàng rào, Việt Cộng dùng loa phóng thanh, âm lượng thật lớn kêu gọi mọi người bên trong đầu hàng. Khoảng 3 giờ chiều, Bộ Tham Mưu và các đơn vị mới tự động rời khỏi căn cứ, không có súng nổ. Nhưng mới qua khỏi quận lỵ Bến Cát, bị địch chận lại, tịch thu tất cả vũ khí, quân trang dụng. Hạ sĩ quan trở xuống cho tự túc về điạ phương, sĩ quan giữ lại, phân theo cấp bậc để đưa đi tù. Trang quân sử về Sư Ðoàn 5 Bộ Binh chấm dứt ở thời điểm này.
* * *
Từ lâu, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, rồi sau những năm tháng bị Việt Cộng giam cầm, hành hạ, tôi đã có ý định ghi lại vài kỷ niệm về Sư Ðoàn 5 Bộ Binh và Tướng Lê Nguyên Vỹ. Ðã gần 33 năm trôi qua, tôi chưa thực hiện được ý nguyện này. Khi còn ở trong nước cũng như kể từ khi định cư tại Mỹ mười mấy năm trước, biết bao nhiêu câu hỏi của bằng hữu, của đồng đội, của người thân xoáy sâu mãi trong tâm trí tôi. Ai cũng yêu cầu tôi nói đôi điều về Tướng Vỹ. Tôi biết ở đâu đó, rải rác một vài dòng trên báo chí, hay vài phút trong một chương trình phát thanh tiếng Việt, không đủ thỏa mãn người đọc, người nghe. Lại nữa, tôi là một sĩ quan của Sư Ðoàn 5BB, suốt 10 năm rưỡi trong quân ngũ, 2 năm dành cho quân trường và một đơn vị ngoài SÐ, 8 năm rưỡi còn lại dành cho Sư Ðoàn 5 và tôi đã khoác quân phục mang phù hiệu SÐ5 tới ngày cuối cùng. Ai mà không hãnh diện khi có dịp nhắc đến đơn vị của mình, lại còn hãnh diện hơn nữa khi nhắc đến cấp chỉ huy đơn vị đã anh dũng, can đảm tuẫn tiết, quyết không chấp nhận đầu hàng địch. Ngày nào chưa ghi được đôi dòng, dù là không đầy đủ lắm về Tướng Lê Nguyên Vỹ, tôi còn rất áy náy, như gánh nặng chưa trút xuống được và thấy mình mắc một món nợ chưa kịp trả. Món nợ ấy là niềm hãnh diện mà Tướng Vỹ đem lại cho SÐ5 BB nói riêng và Quân lực VNCH nói chung. Tướng Vỹ là người lính chiến đấu ngoài mặt trận với đầy đủ cái OAI cái DŨNG của nhà Tướng. Tôi cũng muốn nhắc nhở một sự thực mà người ta muốn chối bỏ là Miền Nam có nhiều dũng tướng, thành mất, Tướng phải chết theo thành, như Tướng Lê Nguyên Vỹ đã làm.

30 tháng 4-1975, ngày tang lớn. Những bàng hoàng, xúc động sau 33 năm, nay đã lắng dịu phần nào. Cuộc sống nơi xứ người và tuổi 70 khiến tâm trí tôi bình thản hơn. Ðôi dòng đơn sơ trên là những sự thực về Tướng Vỹ mà tôi biết, dĩ nhiên chưa phải là tất cả. Dẫu sao, đây là những dòng tâm thành, thay nén nhang dâng lên tưởng niệm vị anh hùng dân tộc Lê Nguyên Vỹ nhân ngày giỗ thứ 34, 30 tháng 4-2009 sắp tới của người.




HỒI TƯỞNG VỀ CỐ THIẾU TƯỚNG PHẠM VĂN PHÚ- ANH HÙNG VN TỰ SÁT NGÀY 29-04-1975









         SỰ THẬT - CÔNG LÝ - TÌNH YÊU


              


  




                                          

THIẾU TƯỚNG PHẠM VĂN PHÚ TƯ LỆNH QUÂN Đ0ÀN 2 NGƯỜI ANH HÙNG BẤT KHUẤT
TỰ SÁT NGÀY 29-04-1975.



Tiểu Sử

Thiếu Tướng Phạm Văn Phú sinh năm 1929 tại Hà Đông, Bắc Việt. Sau khi tốt nghiệp học khóa 8 trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt vào giữa năm 1953, ông đã tình nguyện phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù. Ngày 14 tháng 3/1954, trong tình hình chiến trường Điện Biên Phủ vô cùng sôi động, ở cấp bậc Trung Úy ông đã chỉ huy một đại đội của Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù, nhảy xuống Natasha, một vị trí sát phi đạo chính. Sau hơn một hơn tháng liên tục giao tranh với Việt Minh, ngày 16 tháng 4/1954, Trung Úy Phạm Văn Phú đã chỉ huy một thành phần của Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù cùng với các đơn vị bạn phản công tái chiếm một cứ điểm trọng yếu. Sau trận phản công này, ông được thăng cấp Đại Úy tại mặt trận khi vừa đúng 25 tuổi, và đến ngày 26 tháng 4/1954, được cử giữ chức Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù. Ngày 7/5/1954, Điện Biên Phủ thất thủ, ông bị địch quân bắt giam. Sau 20/7/1954 (Hiệp định Genève), ông được trao trả và tiếp tục phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).


Năm 1960, được tuyển chọn để phục vụ trong binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt. Cuối năm 1962, thăng cấp Thiếu Tá và giữ chức vụ Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn Quan Sát 77 Lực Lượng Đặc Biệt. Giữa tháng 5/1964, ông đã chỉ huy liên đoàn này đánh tan Trung Đoàn 765 Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) tại Suối Đá, Tây Ninh. Gần cuối năm 1964, ông được thăng Trung Tá và giữ chức tham mưu trưởng Lực Lượng Đặc biệt. Một năm sau, ông được thăng Đại Tá nhiệm chức.


Đầu năm 1966, không hiểu vì lý do gì, ông bị vị Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt trình Bộ Quốc Phòng thâu hồi cấp Đại Tá nhiệm chức và thuyên chuyển ra miền Trung, giữ chức Phụ Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh, giữa năm 1966, ông là Đại Tá Tư Lệnh Phó, xử lý thường vụ Tư Lệnh Sư Đoàn này. (Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh là Thiếu Tướng Hoàng Xuân Lãm, được cử giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn 1 Vùng 1 Chiến Thuật vào cuối tháng 5/1966). Cuối năm 1966, ông được điều động ra Sư Đoàn 1 Bộ Binh làm Tư Lệnh Phó Sư Đoàn. Giữa năm 1968, được cử giữ chức vụ Tư Lệnh Biệt Khu 44 (bao gồm các tỉnh biên giới ở miền Tây Nam phần). Năm 1969, được thăng cấp Chuẩn Tướng tại mặt trận. Đầu năm 1970, chuẩn Tướng Phú được cử thay thế Thiếu Tướng Đoàn Văn Quảng trong chức vụ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc biệt.


Gần cuối tháng 8/1970, Tướng Phú được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm giữ chức Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh thay thế Thiếu Tướng Ngô Quang Trưởng, được cử giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn 4. Tháng 3/1971, ông được thăng Thiếu Tướng tại mặt trận sau cuộc hành quân Lam Sơn 719 ở Hạ Lào (ngoài Tướng Phú, có hai Đại Tá được thăng cấp chuẩn tướng: Đại Tá Vũ Văn Giai -- Tư Lệnh phó Sư Đoàn 1 Bộ Binh, Đại Tá Hồ Trung Hậu -- Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Nhảy Dù). Trong cuộc chiến mùa Hè 1972, ông đã điều động, phối trí các trung đoàn của Sư Đoàn 1 Bộ Binh giữ vững phòng tuyến Tây Nam Huế. Do điều kiện sức khỏe, đến tháng 9/1972, ông bàn giao Sư Đoàn 1 Bộ Binh cho Đại Tá Điềm, Tư Lệnh Phó, xử lý thường vụ. Từ 1973 đến tháng 10/1974, ông giữ chức chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn luyện Quang Trung. Tháng 11/1974, thể theo đề nghị của Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm và Phó Tổng thống Trần Văn Hương, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã ký sắc lệnh cử ông giữ chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 và Quân Khu 2 thay thế Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn. (Tướng Toàn trở lại binh chủng Thiết giáp, giữ chức chỉ huy trưởng).

Phạm Phong Dinh

Giở lại những trang sử chiến đấu dũng mãnh của Quân Lực Việt Nam Cộng
Hòa ngăn chống làn sóng cộng sản tràn xuống từ phương Bắc, chúng ta không khỏi
bồi hồi cảm xúc và trân trọng những hy sinh xương máu quá lớn của người Lính Việt
Nam Cộng Hòa, họ không chỉ chiến đấu bảo vệ một đất nước nhỏ bé nằm bên bờ
Thái Bình Dương, mà họ còn bảo vệ cho cả vùng Ðông Nam Á nữa. Thật đau xót,
trong lúc Quân Dân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh hàng triệu người chiến đấu ròng rã
hơn hai mươi năm khổ ải, những nước ấy rãnh tay thong dong dựng xây đất nước
để trở thành những con rồng con hổ như ngày nay.


Các bạn thanh niên Việt Nam trẻ hãy kể lại cho bạn bè trong Trường Trung
Học hay Ðại Học cùng nghe rằng có một Quân Ðội trang bị bằng những vũ khí lạc
hậu là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nhưng đã dám ngăn chống cả một đại khối
cộng sản quốc tế với một đoàn quân hung bạo khát máu là binh đội bắc cộng, được
trang bị bằng những loại tư tưởng căm thù phanh thây uống máu quân thù, cùng
những loại vũ khí giết người tối tân và ghê rợn nhất. Hãy nghe chính Tổng Thống
Hoa Kỳ Nixon xác định cuộc chiến đấu anh dũng của cha anh của các bạn trong
quyển hồi ký No More Vietnams như sau: ‘’Tương quan sức mạnh và vũ khí của
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa với quân đội cộng sản Bắc Việt có thể ví với những
đứa trẻ cầm súng nước đồ chơi, chiến đấu với những người lính cứu hỏa xịt vòi
rồng’’. Không còn cách so sánh nào chính xác hơn được nữa. Nhờ sức mạnh và
lòng dũng cảm kỳ diệu nào mà người Lính Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu bảo vệ con
cái của họ, là các bạn, trong vòng hai mươi năm, rồi khi sang định cư ở xứ người,
cũng những người Lính ấy tiếp tục chiến đấu với muôn ngàn khó khăn để các bạn có
được sự nghiệp huy hoàng như ngày hôm nay. Có khi nào các bạn nghĩ một chút
đến cha mẹ của các bạn trong những ngày Mother`s Day hay Father`s Day. Hãy tin
chúng tôi, chỉ cần các bạn siết chặt bàn tay đen đúa chai sạn và đầy vết thẹo chiến
tranh của cha, chỉ cần nói: Chúng con cảm ơn những giọt máu và những giọt mồ hôi
của cha, các bạn sẽ thấy bàn tay cha run run và những giọt lệ sung sướng của
người chảy ràn rụa trên đôi má nhăn nheo vì vết chém tàn nhẫn của bội bạc và thời
gian. Các bạn trẻ Việt Nam, các bạn hãy ưỡn ngực và ngẩng cao đầu tự hào, vì các
bạn thuộc về một Dân Tộc có nhiều Anh Hùng, Anh Thư hơn bất cứ Dân Tộc nào
khác, trong đó Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã cống hiến tên tuổi những vị Thần
Tướng Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn
Hai, Hồ Ngọc Cẩn.


Thiếu Tướng Phạm Văn Phú xuất thân từ Trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt
trong thập niên 1950, lúc cường độ chiến tranh giữa quân cộng sản và quân Pháp
lên đến mức độ cao nhất. Tuy có một vóc dáng nhỏ thó, thanh mảnh, nhưng tân
Thiếu Úy Phú đã tình nguyện gia nhập Binh Chủng Nhảy Dù thuộc Quân Ðội Quốc
Gia Việt Nam. Người Pháp đã chính thức ký kết với Vua Bảo-Ðại trong năm 1948,
thừa nhận nền độc lập của nước Việt Nam, công nhận Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam
là Lực lượng chính danh bảo vệ nước Việt Nam non trẻ. Với tham vọng bành trướng
chủ nghĩa cộng sản, quốc tế cộng sản do Nga xô lãnh đạo đã đào tạo nhiều tên tay
sai chó săn đắc lực, hiếu chiến hiếu sát, trong đó nổi bật nhất là Hồ chí Minh, tròng
dây xích vào cổ chúng, rồi xua trở về chiêu mộ binh lính cắn xé chính Dân Tộc của
chúng. Cho nên bọn cộng nô bán nước ấy nhất định đánh gục quân Pháp trước rồi
tấn công Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam sau, thôn tính toàn cõi ba nước Việt, Miên,
Lào, tàn nhẫn thiêu đốt hàng triệu thanh niên miền Bắc và miền Nam vào lò lửa
chiến tranh. Chúng không đời nào chịu quy phục Chính Phủ có Chính Danh của Vua
Bảo-Ðại. Hơn thế nữa chúng còn ngỗ ngáo gọi toàn thể người Quốc Gia Việt Nam là


Khi về phục vụ trong Binh Chủng Nhảy Dù, chẳng mấy chốc Thiếu Úy Phạm
Văn Phú đã nổi tiếng là một trong những Chiến Sĩ dũng cảm nhất của Tiểu Ðoàn 5
Nhảy Dù, cho nên khi Tiểu Ðoàn 5 Dù nhận lệnh nhảy vào Ðiện Biên Phủ trong
những ngày tháng 5.1954, thì Thiếu Úy Phú đã được vinh thăng lên Trung Úy Ðại
Ðội Trưởng, rồi Ðại Úy Tiểu Ðoàn Trưởng trong những ngày địa ngục tại nơi này.
Ðại Úy Phú đã chiến đấu sát cánh cùng các chiến hữu đến những giây phút cuối
cùng nhất. Rạng sáng ngày 7.5.1954, toàn Tiểu Ðoàn của Ðại Úy Phú chỉ còn có 100
tay súng mà phải ngăn chống một số lượng quân địch đông đảo gấp hai mươi lần.
Ðại Úy Phú xung phong dẫn đầu Tiểu Ðoàn lên đánh cận chiến với địch và dành lại
hơn 100 thước chiến hào. Ðại Úy Phú cùng các Sĩ Quan chỉ huy Tiểu Ðoàn đều bị
đạn địch quật ngã và một vài giờ sau đó bị sa vào tay giặc. Trong thời gian bị giặc
bắt làm tù binh, bệnh phổi của Ðại Úy Phú bị tái phát và ông mang bịnh lao, người đã
thề với lòng là thà chết chứ không chịu nhục nhã lọt vào tay giặc một lần nữa. Ðịnh
mệnh vẫn còn muốn cho người anh hùng được sống, để tiếp tục chiến đấu cống
hiến nhiều hơn nữa cho nền tự do của Tổ Quốc. Sau ngày 20.7.1954, là ngày đất
nước bị chia đôi, lấy vĩ tuyến 17 và Sông Bến Hải làm ranh giới, Ðại Úy Phú được trả
về cho Việt Nam Cộng Hòa. Một thời gian sau, ông được vinh thăng Thiếu Tá và
được Tổng Thống Ngô Ðình Diệm tín nhiệm cử giữ chức Liên Ðoàn Trưởng Liên
Ðoàn 77 Lực Lượng Ðặc Biệt trong năm 1961. Lực Lượng Ðặc Biệt là một Binh
Chủng hoạt động đặc biệt như danh xưng của nó, giữ nhiệm vụ tổ chức những cuộc
xâm nhập và thám sát trong những khu vực hoạt động của quân phỉ cộng miền Nam
của binh đội Bắc Việt. Cùng với Trung Tâm Hành Quân Delta, Liên Ðoàn 77 Lực
Lượng Ðặc Biệt là cái cột xương sống của cấu trúc Binh Chủng. Sau này khi Lực
Lượng Ðặc Biệt giải thể trong năm 1970, cả hai Ðơn Vị này trở thành Liên Ðoàn 81
Biệt Cách Nhảy Dù, mà vị Chỉ Huy lừng danh chính là Ðại Tá Phan Văn Huấn. Có lẽ
nhờ kinh nghiệm trong thời kỳ chỉ huy quân Mũ Xanh Biệt Kích, nên khi sau này ra
làm Tư Lệnh Sư Ðoàn I Bộ Binh, Chuẩn Tướng Phú đã phát triển Ðại Ðội Hắc Báo


Thiếu Tướng Phú là một trong những vị Tướng trẻ xuất sắc nhất của Quân
Lực Việt Nam Cộng Hòa, cho nên khi Binh Chủng Lực Lượng Ðặc Biệt đã lớn mạnh
và nhu cầu chiến trường miền Tây đòi hỏi một vị chỉ huy tài giỏi, Bộ Tổng Tham Mưu
liền cử ngay Ðại Tá Phạm Văn Phú về làm Tư Lệnh Biệt Khu 44. Biệt Khu 44 là một
vùng đất quan trọng bao gồm các Tỉnh nằm dọc theo biên giới Miên Việt thuộc Vùng
IV Chiến Thuật, trong đó cánh Ðồng Tháp Mười quanh năm sình lầy và ngập nước
vẫn được việt cộng ngỗ ngáo cho là mật khu bất khả xâm phạm của chúng. Ðại Tá
Phú quyết định đánh một đòn trời giáng lên đầu việt cộng. Dưới quyền Ðại Tá Phú
có nhiều Sĩ Quan trẻ năng nổ, nhiều kinh nghiệm chiến trường như Trung Tá Hà Mai
Việt, Thiết Ðoàn Trưởng Thiết Ðoàn 12 Kỵ Binh và Sĩ Quan các cấp Liên Ðoàn 4 Biệt
Ðộng Quân. Ðại Tá Phú giao trách nhiệm cho Trung Tá Việt bằng mọi giá phải đánh
phá cho tan tành Ðồng Tháp Mười qua Chiến dịch Tà Nu 1969. Ðại Tá Phú tổ chức
Chiến Ðoàn 12, với Thiết Ðoàn 12 Kỵ Binh tăng phái thêm Tiểu Ðoàn 38 Biệt Ðộng
Quân tiến đánh Tà Nu. Tà Nu là một cái Làng nằm sát biên giới, là mật khu mà quân
phỉ cộng dùng làm hậu cần, tiếp tế, huấn luyện và bổ sung quân số cho quân cộng
trong khu vực miền Tây. Cái khó khăn của Trung Tá Việt là bọn phỉ lủi tránh nhanh
như những con chuột ngày sợ ánh sáng khi nghe tiếng xích sắt của những con thần
mã M-113 và chường mặt ra chúng hiếp giết đồng bào khi quân ta rút đi. Trung Tá
Việt quyết tâm đánh dập ngay trên hang ổ bọn chúng vào lúc mà chúng không ngờ
nhất. Các Sĩ Quan Thiết Giáp của ta được lệnh tắt máy truyền tin và bốc quân Mũ
Nâu một cách lặng lẽ tại những điểm tập trung. Ðể những chiếc M-113 di chuyển
nhẹ nhàng và dễ dàng trong vùng sình lầy, các giang thuyền Hải Quân chờ sẵn ở
những bến sông Hồng Ngự để tiếp tế xăng dầu. Chiến Ðoàn 12 chờ cho đêm xuống,
lợi dụng những ánh hỏa châu thường lệ như hàng đêm, những con ngựa sắt tiến
quân trong tiếng trực thăng bay vần vũ trên trời để át tiếng động cơ thiết giáp. Bọn
giặc cộng yên chí gác chân ngủ khoèo như mọi lần. Trung Tá Việt quyết định xuất
kích lúc 6 giờ sáng, thay vì 7 giờ, vì lúc đó trời đã sáng tỏ, e quân cộng sẽ phát giác
và chém vè nhanh chóng. Ðúng 6 giờ, quân ta nhận lệnh tấn công trên 8 mục tiêu.
Những chiếc M-113 đã trườn vào ngay sát... đít mà quân phỉ vẫn cứ điếc đặc. Cho
đến khi những bánh xích sắt ầm ầm cán lên những công sự phòng thủ và Chiến Sĩ
Biệt Ðộng Quân tràn ngập các chiến hào đánh cận chiến quá dữ dội, quân việt cộng
vỡ ra từng mảng, bị thiệt hại rất nặng người và vật chất chiến tranh. Tầm mức chiến
thắng quá lớn, đến nỗi Tổng Thống Thiệu đích thân xuống Cao Lãnh ngày 16.4.1969
khen thưởng Chiến Ðoàn. Tháp tùng Tổng Thống Thiệu có Thủ Tướng Hương, Cụ
Hương ba lần đề nghị Tổng Thống Thiệu gắn một sao cho Ðại Tá Phú và được chấp
thuận. Tổng Thống Thiệu phải mượn tạm cặp ngôi sao trên ve áo của Chuẩn Tướng
Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư Lệnh Sư Ðoàn 21 Bộ Binh gắn cho Chuẩn Tướng Phú. Trung
Tá Việt được trao gắn Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu và được vinh
thăng Ðại Tá. Tình hình chiến sự vùng hỏa tuyến nổ lớn, Chuẩn Tướng tân thăng
Phạm Văn Phú nhận lệnh ra Quân Khu I làm Tư Lệnh Sư Ðoàn I Bộ Binh thay thế
Thiếu Tướng Ngô Quang Trưởng về làm Tư Lệnh Quân Ðoàn IV & Quân Khu IV.
Những vị Tư Lệnh Sư Ðoàn 1 Bộ Binh luôn luôn được cân nhắc lựa chọn và
bổ nhiệm, vì đây là Sư Ðoàn thiện chiến nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
ngang hàng với Sư Ðoàn Dù và Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến, với trọng trách bảo
vệ Tỉnh Thừa Thiên, Cố Ðô Huế và Tỉnh Quảng Trị. Dù có ăn gan...trời, ông Thiệu
cũng chưa bao giờ dám bổ nhiệm những viên Tư Lệnh tồi và tham nhũng vào vị trí
này. Cho nên những vị Tư Lệnh lừng lẫy nhất như Ngô Quang Trưởng, Phạm Văn
Phú, Lê Văn Thân, Nguyễn Văn Ðiềm đều là những Danh Tướng nước Nam, đã


Chuẩn Tướng Phú, người Chiến Sĩ đã từng có nhiều kinh nghiệm đánh những
trận long trời với quân cộng sản ở miền Bắc và Ðiện Biên Phủ, cho nên ông thiết trí
con cái trên những căn cứ liên hoàn để tiếp ứng nhau một cách rất chặt chẽ như
những cái mắt xích. Trong những ngày đầu trong khu vực trách nhiệm của Sư Ðoàn
I Bộ Binh, các lực lượng giặc cộng đã chạm phải một bức tường thép kiên cố rất khó
đánh thủng. Ngược Lại Quân Sư Ðoàn I Bộ Binh bung rộng ra càn quét và gây nhiều
thiệt hại lớn cho địch. Các Chiến Sĩ Sư Ðoàn I Bộ Binh tinh thần lên rất cao khi lúc
nào cũng trông thấy trực thăng Chuẩn Tướng Phú bay yểm trợ ngay trên đầu. Ðại Tá
Giai nhiều lần nhảy xuống các Căn Cứ để thăm hỏi và khích lệ hùng khí chiến đấu
của quân Nam. Sau chiến công Hạ Lào, cả hai vị Tư Lệnh đều được vinh thăng lên
một cấp, riêng Chuẩn Tướng Giai còn được đề bạt làm Tư Lệnh Sư Ðoàn 3 Bộ Binh
tân lập vào tháng 10 năm 1971. Giai đoạn Hai của kế hoạch có bị trở ngại, khi Liên
Ðoàn I Biệt Ðộng Quân ở mặt Bắc bị sư đoàn 304 Bắc Việt tấn công biển người,
quân Mũ Nâu được lệnh rút về bên này biên giới. Lữ Ðoàn 3 Dù gặp khó khăn chồng
chất lên các căn cứ 30 và 31, vì phải đương đầu với chiến thuật tiền pháo hậu xung
và biển người của địch. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, nếu Cấp Chỉ Huy Việt
Nam Cộng Hòa tiết kiệm từng giọt máu của Chiến Sĩ, thì bọn chỉ huy đồ tể cộng sản
lại sát hại binh lính của chúng một cách giã man bằng chiến thuật biển người. Ðây là
chiến thuật phù hợp với trình độ thấp kém của cấp chỉ huy địch, cứ thúc đít cán binh
xổng lưng tiến lên tấn công, chết bao nhiêu cũng mặc, miễn là đạt được chiến thắng.
Vì vậy khi quân Dù buộc phải rút bỏ các Căn Cứ Hỏa Lực, giai đoạn hai bị khựng lại.
Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh 719 quyết định dùng Sư Ðoàn I Bộ Binh
tấn công Tchépone thay Lữ Ðoàn Dù và không vận Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến
sang giữ mặt hậu cho Tướng Phú điều quân tiến lên. Chuẩn Tướng Phú nhất quyết
đánh chiếm cho bằng được Tchépone để gây tiếng vang Quốc Tế theo như mong
mỏi của Thổng Thống Thiệu. Thiếu Tá Trần Ngọc Huế, người anh hùng của Trận


Mục tiêu chiến lược Tchépone đã được chiếm, Quân Ta hoàn thành kế hoạch
và được lệnh rút hết về Việt Nam. Bốn sư đoàn địch gồm các sư đoàn 2, 304, 308 và
324B Bắc Việt chia quân bao vây chia cắt Lực lượng Sư Ðoàn I Bộ Binh. Quân số
khởi đầu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là 17.000 Chiến Sĩ, hao hụt dần trong
suốt tháng 2.1971 với những trận đánh đẫm máu, đã tụt xuống còn có 8.000, trong
khi quân số địch lên đến 40.000. Người Lính Việt Nam Cộng Hòa lúc nào cũng gánh
vác những sức nặng quá mức, chiến đấu trong những điều kiện nghiệt ngã, với sức
chịu đựng bền bỉ đến phi thường. Sang ngày 15.3.1971, tình hình thêm nguy kịch vì
Quân Ta cạn kiệt tiếp liệu, ngay cả phi cơ tản thương và tiếp tế thuốc men cũng
không xuống được. Quyết định rút quân không khó, nhưng ở chỗ chỉ định một Tiểu
Ðoàn nhận trách nhiệm cản hậu cho Quân Nam triệt thoái trật tự và an toàn về đến
các Căn Cứ gần biên giới. Cản hậu đồng nghĩa với tử biệt Chiến Hữu. Những người
ở lại chắc chắn sẽ chết. Nếu may mắn sống sót nhưng sa vào tay giặc thì cũng cầm
bằng như chết. Trung Tá Lê Huấn, Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 4 của Trung Ðoàn
1 nhận trách nhiệm. Ôi cao cả biết ngần nào, những Anh Hùng Lê Lai của thời đại
lửa binh. Tiểu Ðoàn 4 giao tranh dữ dội với giặc suốt ngày. Vị Tiểu Ðoàn Trưởng và
Tiểu Ðoàn Phó điều quân tả xung hữu đột, dũng mãnh dẫn đoàn quân rách nát tả tơi
tiến mãi về hướng Ðông. Trong phút chốc hai người anh cả của Tiểu Ðoàn trúng đạn
địch và hy sinh. Các cấp chỉ huy còn sống của Tiểu Ðoàn 4 không xin tải thương, chỉ
xin đạn để tiếp tục chiến đấu. Cuối cùng thì 32 Chiến Sĩ còn lại của Tiểu Ðoàn 4
cũng được những người bạn phi công Mỹ liều chết lao xuống bốc được về Khe
Sanh.


Thiếu Tướng Phú và Sư Ðoàn I Bộ Binh đánh một trận lừng lẫy trong Mùa Hè
Ðỏ Lửa 1972, khi Võ nguyên Giáp quyết định tung ba sư đoàn với xe tăng và đại
pháo vượt Sông Bến Hải tấn công Sư Ðoàn 3 Bộ Binh của Chuẩn Tướng Vũ Văn
Giai, điều hai sư đoàn tấn công các vị trí của Sư Ðoàn I Bộ Binh ở hướng Tây Huế,
trong suốt tháng 4 năm 1972 quả có những lúc quân Giáp làm cho Quân Nam bối
rối, Quân Sư Ðoàn 3 Bộ Binh rút khỏi Thành Phố Quảng Trị, Quân Sư Ðoàn I Bộ
Binh rút khỏi các cao điểm. Nhưng đến ngày 3 tháng 5 năm 1972, khi Trung Tướng
Trưởng từ Quân Khu IV ra thay thế Trung Tướng Lãm, đó là ngày đánh dấu chấm
hết cuộc đời binh nghiệp của Giáp. Vì sau cơn chiến bại mùa Hè 1972, Giáp bị cách
chức và được thay thế bởi Văn tiến Dũng. Không chiến bại làm sao được, khi Giáp
phải đối đầu với Danh Tướng Trẻ Nước Nam quy tụ dưới Cờ Quân Khu I như: Trung
Tướng Ngô Quang Trưởng, Trung Tướng Lâm Quang Thi Tư Lệnh Phó Quân Ðoàn
I, Chuẩn Tướng Nguyễn Duy Hinh Tham Mưu Trưởng, Thiếu Tướng Hoàng Văn
Lạc, Tham Mưu Trưởng thay thế Chuẩn Tướng Hinh đi làm Tư Lệnh Sư Ðoàn 3 Tân
Lập, Chuẩn Tướng Lê Văn Thân, Phụ Tá Bình Ðịnh Lãnh Thổ, Thiếu Tướng Phạm
Văn Phú, Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng Tư Lệnh Sư Ðoàn Dù, Chuẩn Tướng Bùi
Thế Lân Tư Lệnh Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến. Có Anh Hùng thì cũng có nhiều
Hào Kiệt. Các vị Trung Ðoàn Trưởng, Lữ Ðoàn Trưởng, Tiểu Ðoàn Trưởng như Võ
Toàn, Nguyễn Văn Ðiềm, Phạm Văn Chung, Ngô Văn Ðịnh, Nguyễn Thế Lương,
Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Thu Lương, Ngô Văn Phát, Nguyễn Văn Phán, Nguyễn
Xuân Phúc, Ðỗ Hữu Tùng... Binh quý hồ tinh bất quý hồ đa. Quân Nam tuy quân số
ít hơn, vũ khí yếu kém hơn quân Giáp nhưng dũng mãnh và hào khí cao ngất trời,


Những trận đánh dành đi giật lại những cao điểm Bastogne, Checkmate,
Brimingham ác liệt và đẫm máu đến nỗi xác tử sĩ của đôi bên được vội chôn ngay tại
chỗ. Ðợt tử sĩ kế tiếp được đào hố lên chôn cất, thì lại gặp cái xác cũ nằm ở dưới.
Các Chiến Sĩ Sư Ðoàn I Bộ Binh của ta chỉ chịu dừng quân thôi truy kích địch trong
tháng 10.1972, khi những cơn mưa mùa Thu tầm tã, lê thê bất tận của miền Trung
trải những tấm màn nước lạnh giá lên khắp chiến tuyến. Quảng Trị đã được tái
chiếm ngày 16.9.1972 và Cố Ðô Huế vẫn ngạo nghễ lá Cờ Vàng chính khí trên cột
cờ Phú Văn Lâu.


Sau chiến thắng lừng danh thế giới của Sư Ðoàn I Bộ Binh, các Chiến binh
đồng cam cộng khổ với người Anh Cả Sư Ðoàn bùi ngùi làm lễ tiến đưa vị Tư Lệnh
dũng cảm của họ về Quân Khu III làm Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện
Quang Trung. Dáng vóc mảnh khảnh và cơn bệnh tiềm ẩn hồi năm 1954 buộc Thiếu
Tướng Phú phải về Sài Gòn dưỡng sức. Tuy vậy đảm đương công việc tại Quân
Trường lớn nhất Việt Nam này không phải là một chuyện nhàn hạ. Thiếu Tướng Phú
đã bỏ nhiều tâm huyết cùng công sức chỉnh đốn và phát triển Quân Trường, sau khi
nó đã trải qua những giai đoạn thăng trầm không mong muốn từ tay của những Vị
Chỉ Huy tiền nhiệm. Thật khó mà gỡ những nút rối chằng chịt do những thế lực phe
cánh trong bóng tối chi phối việc điều hành Quân Trường. Quân Trường Quang
Trung huấn luyện Tân Binh Quân Dịch trên khắp 4 Quân Khu nên sức dung chứa
của nó lên đến hàng chục ngàn Chiến Sĩ. Phải là người tín cẩn mới được tuyên
chuyển về làm Chỉ Huy Trưởng Quân Trường này. Nhưng Thiếu Tướng Phú lại là
một ngoại lệ. Giữ tấm lòng tận tụy và tín nghĩa với những Tân Binh, mà nay mai sau
ba tháng quân trường gian khổ, họ chính là cái cột xương sống chống đỡ Giang Sơn
Gấm Vóc của Cha Ông để lại, một cái chức Thiếu Tướng nhỏ nhoi không đủ để
người đương đầu với những trở lực quá lớn. Phó Tổng Thống Trần Văn Hương sớm
nhận ra điều này, chỗ của Tướng Phú phải là ngoài chiến trường, cùng chia sẻ mồ
hôi và máu đào với Chiến Hữu, cho nên Cụ đã thẳng thắn đề nghị Tổng Thống Thiệu
bổ nhiệm Thiếu Tướng Phú trông coi một Quân Khu. Trong bốn Quân Khu, thì hai
Quân Khu III và IV do hai vị: Trung Tướng Dư Quốc Ðống và Thiếu Tướng Nguyễn
Khoa Nam nắm giữ, ngoài Quân Khu I Hà Nội rất ngán sợ uy danh của Trung Tướng
Ngô Quang Trưởng. Sẵn dịp người Tư Lệnh Quân Khu II bị bãi chức vì chuyện ăn
chơi và tham nhũng, Thiếu Tướng Phú được lệnh bay lên Pleiku nhận bàn giao trong
tháng 11.1974. Thiếu Tướng Phú vui mừng gặp lại người Chiến Hữu tâm giao cũ
trong Binh Chủng Lực Lượng Ðặc Biệt và ở Biệt Khu 44 trước kia là Ðại Tá Phạm
Duy Tất, Chỉ Huy Trưởng Biệt Ðộng Quân Quân Khu II và người bạn chiến đấu hồi
Mùa Hè Ðỏ Lửa là Chuẩn Tướng Lê Văn Thân. Chuẩn Tướng Thân sau khi Thiếu
Tướng Phú rời Quân Khu I, ông được Trung Tướng Trưởng đề bạt lên làm Tư Lệnh
Sư Ðoàn I Bộ Binh. Một thời gian sau, vì một vài sơ xuất nhỏ không mong muốn,
Chuẩn Tướng Thân rời Sư Ðoàn I Bộ Binh. Chuẩn Tướng Thân thuộc Binh Chủng
Pháo Binh, ông nổi tiếng là một trong những vị Tướng Pháo Binh giỏi nhất của Quân
Lực Việt Nam Cộng Hòa, ông cũng là một nhà Tham Mưu Hành Quân xuất sắc.
Thiếu Tướng Phú liền bổ nhiệm Chuẩn Tướng Thân làm Phụ Tá Hành Quân trông
coi mặt trận Bình Ðịnh. Phụ giúp Tư Lệnh Quân Khu là một giàn Tham Mưu đầy tài
năng do Bộ Tổng Tham Mưu bổ nhiệm như Ðại Tá Lê Khắc Lý, Tham Mưu Trưởng.


Người ta thường hay nói nhiều về việc thất thủ Ban Mê Thuột,ngày 17.3. 1975
và quy trách nhiệm cho Thiếu Tướng Phú. Nhưng thật sự ông là người đã thiết trí
Lực Lượng Quân Ðoàn II mà bất cứ vị Tư Lệnh tài năng nào cũng hành động như
vậy, làm thành một bức tường thành vững chắc mà ngay cả Văn tiến Dũng cũng
không dám liều lĩnh húc vào. Kontum được bốn Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân bảo vệ
chặt chẽ hơn bao giờ hết, Văn tiến Dũng buộc phải nghiên cứu một chiến trường
khác. Nếu đúng ra, theo thông lệ, cộng quân thường đánh Kontum để mở đường
xuống Pleiku. Ðánh Kontum không được, Văn làm sao có thể đánh Pleiku, khi Quân
Lữ Ðoàn 2 Kỵ Binh, hai Trung Ðoàn 44 và 45 của Sư Ðoàn 23 Bộ Binh cùng hai Liên
Ðoàn Tổng Trừ Bị Biệt Ðộng Quân 4 và 7 phối trí bảo vệ Thủ Phủ Cao Nguyên hết
sức vững vàng. Sư Ðoàn 22 Bộ Binh với các Trung Ðoàn Trưởng trẻ tuổi xuất sắc
Nguyễn Hữu Thông, Nguyễn Thiều và Lê Cầu thề giữ vững Tỉnh Bình Ðịnh. Như vậy
Thiếu Tướng Phú đã khóa kín mọi con đường đi xuống miền duyên hải với ý đồ cắt
đứt Việt Nam Cộng Hòa ra làm đôi của quân cộng. Từ khi Võ đại bại ngoài Quân
Khu I, Văn thận trọng hơn, không dám húc bừa và tàn sát lính tráng như Võ. Ông ta
né tránh Quân Chủ Lực Quân Ðoàn II và dùng chiến thuật Công Kỳ Vô Bị đánh vào
một kẻ hở ít phòng bị của Quân Nam là Ban Mê Thuột. Nếu chiếm được nó rồi, Văn
cũng không dám mơ ước sẽ tiến quân về Pleiku trong năm 1975, mà có thể sang
năm 1976. Với một lãnh thổ mênh mông rừng núi bạt ngàn mà chỉ có hai Sư Ðoàn,
làm sao Quân Ðoàn II có thể rải quân giữ hết được. Còn một điều quan trọng nữa
chứng tỏ quân Bắc cộng e sợ Quân Cộng Hòa. Khi mặt trận Ban Mê Thuột bùng nổ
lớn từ ngày 10.3.1975, trong Thành Phố chỉ có Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Sư Ðoàn
23 Bộ Binh do Ðại Tá Vũ Thế Quang làm Tư Lệnh cùng các Ðơn Vị phân tán của
Trung Ðoàn 53 Bộ Binh, các Ðơn vị Hành Chánh, vài Ðơn Vị Ðịa Phương Quân-
Nghĩa Quân. Chỉ có ngần ấy chưa đến ngàn tay súng mà các đơn vị sư đoàn 10, 320
và 316 Bắc Việt trong ngày 10.3.1975 đã bị đánh dạt ra khỏi Thành Phố, bị thiệt hại
nhiều cán binh và chiến xa. Ở Phi Trường Phục Dực, Trung Tá Võ Ân, Trung Ðoàn
Trưởng Trung Ðoàn 53 hân hoan gọi điện báo cáo về Quân Ðoàn quân ta thắng lớn
và đang chuyển chiến lợi phẩm vào trưng bày trong Phòng Khách Phi Trường. Quân
ta nhận được tin vui, khi Liên Ðoàn 21 Biệt Ðộng Quân đã được Thiếu Tướng Phú
cho đổ xuống Buôn Hồ và đã có mặt ngoài rìa Ban Mê Thuột. Chỉ đến khi hầm chỉ
huy của Ðại Tá Quang bị phi cơ của Quân Ta dội lầm làm Ðại Tá bị thương, máy
móc truyền tin bị hư hại hoàn toàn, Bộ Tư Lệnh không có thể điều động và Chỉ Huy
các Ðơn Vị được nữa. Yếu tố may mắn và sự chênh lệch lực lượng đã ở về phía
quân cộng. Ðại Tá Quang đã giữ trọn lời thề với Thiếu Tướng Phú, khi ông chào từ
biệt vị Tư Lệnh về Ban Mê Thuột: ‘’Thiếu Tướng an tâm, tôi sẽ làm tất cả những gì
có thể làm được, và tôi sẽ chết ở đó trước khi Ban Mê Thuột mất’’. Ðại Tá Quang bị
thương và bị sa vào tay giặc cùng với Ðại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng Ban
Mê Thuột.


Tổng Thống Thiệu từ lâu nung nấu trong lòng ý định thu quân giữ đất, cho nên
khi Ban Mê Thuột chưa thất thủ, Trung Tá Võ Ân và Chiến Sĩ Sư Ðoàn 23 Bộ Binh
còn đang chiến đấu, thì ông ra lệnh cho Thiếu Tướng Phú phải rút quân xuống miền
Duyên Hải, trong buổi họp lịch sử tại Cam Ranh ngày 13.3.1975. Trong buổi họp còn
có sự hiện diện của Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Ðại Tướng Cao Văn Viên, Tổng
Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Trung Tướng Ðặng Văn Quang,
Cố vấn An Ninh. Thiếu Tướng Phú nhiều lần xin cho Quân Ðoàn II được cố thủ


Thiếu Tướng Phú cảm biết cái sinh mạng nhỏ bé của mình co ngắn lại cùng
với sinh mệnh của Ðất Nước. Rồi khi những chiếc khăn rằn và những chiếc áo màu
xanh rêu mốc đã tràn ngập khắp Phố Phường Sài Gòn trong ngày 30.4.1975, người
chọn cái chết lưu danh Thanh Sử, bằng cách uống độc dược, để tỏ rõ ý chí bất khuất
của người làm Tướng, và chứng tỏ cho giặc biết rằng họ có thể chiếm được đất,
nhưng họ không thể quy phục được tiết tháo của những người Lính Quân Lực Việt
Nam Cộng Hòa. Sử sách ngàn đời sẽ trân trọng ghi tên và tôn vinh Thiếu Tướng
Phạm Văn Phú, người Anh Hùng bất khuất của Dân Tộc Việt Nam. Rồi có một ngày
ánh bình minh trở lại xua tan đi bóng đêm của dối trá, độc ác và bạo lực, tên tuổi
những vị Thần Tướng Anh Hùng Tử Sĩ Nước Nam, trong đó có Ðại Danh Thiếu
Tướng Phạm Văn Phú sẽ được chạm khắc bằng những dòng chữ vàng trên những
Tượng Ðài Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân