SỰ THẬT - CÔNG LÝ - TÌNH YÊU
Bản Tin
Kính gởi tới Quý Ân nhân, Quý Ủng hộ viên, Quý Độc giả
- Bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 174 phát hành ngày 01-07-2013,
- Bài xã luận của bán nguyệt san.
Xin cảm ơn Quý vị đã đón nhận và tiếp tay phổ biến, nhất là phổ biến ngược về trong nước cho Đồng bào thân yêu.
Ban biên tập báo TDNL
Hai kiểu liên kết !!!
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 174 (01-07-2013)
1- Chủ tịch nước VNCS Trương Tấn Sang hôm 21-06-2013 đã kết thúc chuyến thăm Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch TQCS Tập Cận Bình. Lãnh đạo hai nước đã ra Tuyên bố chung Việt-Trung bao gồm 8 điểm. Mở đầu, vẫn là giọng điệu “môi hở răng lạnh” có từ thời Việt cộng khấu đầu bái phục Tàu cộng tại Thành Đô năm 1990: “Hai bên đã nhìn lại quá trình phát triển quan hệ Việt-Trung, nhất trí cho rằng tình hữu nghị Việt-Trung là tài sản chung quý báu của nhân dân hai nước, khẳng định sẽ tuân theo các nhận thức chung quan trọng mà Lãnh đạo hai nước đã đạt được trong những năm qua về phát triển quan hệ hữu nghị Việt-Trung, tiếp tục kiên trì phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, không ngừng tăng cường tin cậy chiến lược, làm sâu sắc thêm hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, xử lý thỏa đáng các vấn đề còn tồn tại, tăng cường điều phối và phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực, thúc đẩy quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài”. Với câu dẫn khởi xác định tinh thần và nguyên tắc như thế, đương nhiên tiếp đến là “nhất trí hợp tác chiến lược toàn diện” trong các lĩnh vực :
1- “duy trì tiếp xúc cấp cao thông qua các hình thức linh hoạt, đa dạng”;
2- “thực hiện tốt quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung”;
3- “làm sâu sắc thêm hợp tác giữa hai Đảng, thúc đẩy cơ chế giao lưu hợp tác giữa hai Ban Đối ngoại và Ban Tuyên giáo Tuyên truyền”;
4- “tăng cường hợp tác giữa Bộ Ngoại giao hai nước, thực hiện tốt Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ”;
5- “duy trì tiếp xúc cấp cao giữa quân đội hai nước, phát huy tốt vai trò cơ chế Đối thoại chiến lược quốc phòng”;
6- “hợp tác trong lĩnh vực thực thi pháp luật và an ninh, phát huy đầy đủ vai trò của cơ chế Hội nghị hợp tác phòng chống tội phạm giữa Bộ Công an hai nước”;
7- “tăng cường điều phối chiến lược phát triển kinh tế, thực hiện tốt Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt-Trung giai đoạn 2012-2016”;
8- “hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, hoàn thiện cơ chế hợp tác song phương về nông nghiệp”;
9- “tăng cường giao lưu và hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, thực hiện tốt Thỏa thuận hợp tác giáo dục giai đoạn 2011-2015”;
10- “giao lưu hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, phát huy vai trò của Ủy ban hợp tác về khoa học công nghệ giữa Chính phủ hai nước”;
11- “tăng cường hợp tác giữa các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước, nhất là giữa 7 tỉnh của Việt Nam với 4 tỉnh (khu tự trị) của Trung Quốc”;
12- “thực hiện Kế hoạch công tác năm 2013 của Ủy ban Liên hợp biên giới trên đất liền hai nước; đánh giá tích cực việc thành lập Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới”;
13- “thực hiện tốt “Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ”; tích cực nghiên cứu phương thức kiểm tra liên hợp mới tại khu vực đánh cá chung ở Vịnh Bắc Bộ”.
Ngoài ra, hai bên còn “nhất trí gia tăng cường độ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển”, nhất trí “khai thác dầu chung trên vịnh Bắc Bộ”, nhất trí “thực hiện chính sách một nước Trung Quốc, phản đối hành động chia rẽ: Đài Loan độc lập”, “nhất trí tăng cường điều phối và phối hợp tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Diễn đàn hợp tác Á-Âu…” và cuối cùng là nhất trí ký vào 10 văn kiện quan trọng chỉ 3 ngày sau khi Trương Tấn Sang và đoàn tùy tùng có mặt.
Tóm lại, với 60 chữ “hợp tác”, 29 chữ “nhất trí” và 7 chữ “toàn diện” (nhưng lại chẳng hề có một câu chữ nào nói đến bộ luật về ứng xử COC và Công ước LHQ về Luật biển UNCLOS), Tuyên bố chung trên đây rõ ràng là một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong lịch sử ngoại giao nước Việt cũng như của toàn thể nhân loại từ xưa tới nay. Nó cho thấy VN hoàn toàn nằm trong vòng tay mạnh mẽ lẫn thô bạo của TQ. Nó cũng làm người ta liên tưởng tới hội nghị bí mật tại Thành Đô năm 1990 trong đó lãnh đạo Việt cộng -trong thế yếu đầy tuyệt vọng và với ý muốn tìm chỗ dựa cuối cùng nơi kẻ thù xưa cũ, thậm chí kẻ thù truyền kiếp- đã hoàn toàn chấp thuận tất cả những gì Tàu cộng áp đặt, khiến thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ phải chua chát ghi lại trong Hồi ký: “Cuộc hội đàm Thành Đô tháng 9-90 hoàn toàn không phải là một thành tựu đối ngoại của ta, hiện tại đó là một sai lầm hết sức đáng tiếc về đối ngoại. Vì quá nôn nóng cải thiện quan hệ với TQ, đoàn ta đã hành động một cách vô nguyên tắc. Tưởng rằng thỏa thuận như thế sẽ được lòng Bắc Kinh nhưng trái lại…”. Ông cũng ghi lại lời hối tiếc của chính Phạm Văn Đồng: “Mình bị hớ, mình dại rồi mà còn nói sự nghiệp cách mạng là trên hết, còn được hay không thì chẳng sao… Nhưng tôi không nghĩ vậy là thượng sách. Tôi không nghĩ người lãnh đạo nên làm như vậy.”
Những sự kiện xảy ra từ sau cái hội nghị khốn nạn (với dàn lãnh đạo khốn khiếp) đó tới hôm nay đã cho thấy TQ đúng là một đe dọa cực kỳ nguy hiểm, gây tổn hại sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, làm tiêu tan con đường tiến lên của dân tộc. Thành ra chẳng lạ gì mà hội nghị Bắc Kinh lần này được gọi là Thành Đô 2 và Tư Sang qua đó chỉ làm có một việc là nhận chiếu chỉ. Tuyên bố chung trên đây chỉ là sự hợp thức hóa mối lệ thuộc toàn diện từ lâu của Ba Đình và sự khống chế lẫn xâm nhập toàn diện của Trung Nam Hải. Khống chế trên mọi lãnh vực từ chính trị đến kinh tế, từ văn hóa tới giáo dục, từ thương mại tới công nghệ, từ nội an tới quốc phòng… Xâm nhập từ Bộ Chính trị đến mọi bộ khác trong chính phủ, từ đất liền đến hải đảo, từ biên giới đến cao nguyên, từ phố thị tới thôn làng, từ rừng đến mỏ, từ cảng đến vịnh... Bằng chứng nhức nhối là những công dân Việt phản đối sự khống chế lẫn xâm nhập của TQ từ bao lâu nay (dù viết bài, ra sách, lên tiếng, đặt nhạc, xuống đường, rải truyền đơn, giăng biểu ngữ…) đều bị thóa mạ, sách nhiễu, cấm cản, đánh đập, tù tội. Là những ngư dân Việt đã và đang làm mồi cho trò ngăn chận, cướp bóc, bắn chết, phá hoại, bắt nộp tiền chuộc của bọn Ba Tàu. Là những sản phẩm văn hóa, kỹ nghệ, lương thực, y dược độc hại và giả dổm từ phương Bắc lan tràn đất Nam. Bằng chứng mỉa mai là cờ 5 sao xuất hiện đầy dẫy trong sách mẫu giáo, cờ 6 sao xuất hiện bao lần trên tivi, trong các cuộc tiếp rước quan lại Bắc Kinh, là kỷ niệm 1000 năm Thăng Long khai mạc đúng ngày quốc khánh Tàu cộng. Mới đây là vụ TQ in sách về Tam Sa ngay trong thời gian đón tiếp và đàm phán với Chủ tịch nước Việt, rồi Tư Sang lại chọn đúng thời điểm TQ kỷ niệm một năm ngày thành lập thành phố Tam Sa phi pháp để sang thăm. Chưa hết! Để chào mừng viên thái thú đội lốt Chủ tịch nước này, TQ còn điều 2 tàu hải tuần ra Biển Đông, tăng cường xây dựng trên phần đảo chiếm đóng trái phép, còn đe dọa “Biển Đông hữu sự” sẽ phái phi cơ J-20 ra bãi Tư Chính, Trường Sa nữa,…
Rõ ràng đây chính là và chỉ là sự liên kết ma quỷ giữa hai đảng CS tàn quân của lịch sử nhằm hỗ trợ nhau, giúp nhau tồn tại, bất chấp ích lợi của quốc gia và sự mất còn của đất nước. Với bọn vô tổ quốc, vô đồng bào, điều này chẳng có gì lạ lùng hay đáng ngại!
2- Tuy nhiên, gần đây cũng thấy xuất hiện trong nước một liên kết mới, đúng ra là một nỗ lực liên kết giữa 5 Giáo hội theo nguyên tắc: “Vì đời, liên kết đạo! Vì dân tộc, hiệp thông tôn giáo” để hình thành một Hội đồng Liên tôn. Lấy kinh nghiệm từ Liên Xô và Đông Âu thập niên 80-90 của thế kỷ trước, nơi mà các tôn giáo và mối liên kết tôn giáo đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xóa bỏ độc tài, khôi phục tự do, xây dựng dân chủ, Hội đồng Liên tôn này thực ra đã hình thành từ tháng 12-2000 với hòa thượng Thích Thiện Hạnh, hội trưởng Lê Quang Liêm, hai linh mục Chân Tín và Nguyễn Văn Lý với văn kiện mở đầu: “Tuyên bố về Chính sách Tôn giáo của CS tại VN” ngày 27-12-2000. Trong đó các vị yêu cầu nhà cầm quyền phải tuyệt đối tôn trọng quyền Tự do Tôn giáo, hoàn trả tài sản cho các Giáo hội, chấm dứt mọi âm mưu thủ đoạn bóp chết Tôn giáo, trả tự do cho các thành viên tôn giáo bị giam giữ và phải tôn trọng các điều khoản qui định trong Công ước Quốc tế Nhân quyền. Thế nhưng, vì sự đàn áp của CS, Hội đồng này đã sớm tê liệt. Đến tháng 4-2008, lại một nỗ lực thành lập Hội đồng Liên tôn mới với 5 chức sắc của 5 tôn giáo. Các vị đã ra “Lời Kêu gọi cho Dân chủ VN” ngày 30-04-2008, kêu gọi
(1) toàn thể nhân dân không phân biệt thành phần tôn giáo, đảng phái, chính kiến, sắc tộc, Bắc Nam, già trẻ, trong hay ngoài nước, hãy tích cực và công khai vận động cho việc thiết lập một xã hội dân chủ tự do, tôn trọng nhân quyền và nhân phẩm;
(2) đảng CS cùng Quốc hội hãy chính thức chấp nhận sự hiện diện của các lực lượng đối lập, lắng nghe các tiếng nói phản biện để tìm sự đồng thuận chính trị cho dân tộc, hãy công bố trước quốc dân một lộ trình dân chủ hóa VN, với thời gian thực hiện rõ ràng minh bạch, có các bước then chốt như: thả tù lương tâm, trưng cầu dân ý, tu chính Hiến pháp, tuyển cử tự do, thiết lập dân chủ. Tiếc thay, Hội đồng này cũng chẳng tồn tại lâu dài. Gần đây, lại một nỗ lực Liên tôn thứ ba hình thành tại Sài Gòn với sự gặp mặt khá thường xuyên của chức sắc 5 tôn giáo (nhiều thành viên trong họ không thuộc hàng cao cấp nhất). Các vị đã mở đầu bằng “Tuyên bố chung về sửa đổi Hiến pháp” ngày 01-05-2013, tiếp đó bằng nhiều hình thức hiệp thông, đồng cảm, chia sẻ chuyện vui lẫn chuyện buồn trong các Giáo hội. Bất chấp những khó khăn cản trở, Hội đồng Liên tôn quyết tâm đi tới trong việc đấu tranh cho tự do hành đạo và dân chủ nhân quyền theo tinh thần và cách thức của tôn giáo, với mong muốn các tín đồ ngày càng nhập cuộc. Việc này tiềm ẩn nhiều hy vọng, vì kinh nghiệm tại nhiều nước độc tài thế kỷ 20 và 21 bị sụp đổ cho thấy: các tôn giáo dễ dàng liên kết tín đồ, vận động nhân dân vào cuộc, nhờ giáo lý dấn thân, chức sắc uy tín, nội bộ kỷ luật, quốc tế hậu thuẫn, mục đích chân thành… Chỉ mong rằng các chức sắc cao cấp nhất trong mỗi Giáo hội (theo gương Giáo hoàng Gioan-Phaolô 2, người đóng vai chủ chốt trong việc hạ đo ván CS Đông Âu) dẹp bỏ trở ngại tâm lý “làm chính trị” để liên kết cùng nhau, lãnh đạo cuộc đấu tranh cho quyền con người, quyền công dân, quyền tín hữu, vốn không nằm ngoài nội dung giáo lý của các Giáo hội.
Sự liên kết tốt đẹp này giữa các tôn giáo (là những tổ chức duy nhất còn tồn tại trong chế độ và khó bị lũng đoạn) rất cần thiết, cần thiết để đối trọng và hóa giải sự liên kết xấu xa tác hại giữa hai đảng Tàu cộng và Việt cộng hiện thời.
BAN BIÊN TẬP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét