Thứ năm, 08/05/2014

Tin tức / Việt Nam

Bắc Kinh: Tàu Việt Nam cố tình đâm tàu Trung Quốc ở Biển Đông

Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới Trung Quốc Dịch Tiên Lương nói Việt Nam đã gửi tàu vũ trang tới điểm nóng này trong khi Trung Quốc chỉ đưa các tàu dân sự ra đây.
Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới Trung Quốc Dịch Tiên Lương nói Việt Nam đã gửi tàu vũ trang tới điểm nóng này trong khi Trung Quốc chỉ đưa các tàu dân sự ra đây.
CỠ CHỮ 
Trung Quốc ngày 8/5 tố cáo tàu Việt Nam cố tình húc vào tàu Trung Quốc tại khu vực đang có tranh chấp căng thẳng ở Biển Đông và yêu cầu Hà Nội phải rút hết tàu ra khỏi nơi mà Bắc Kinh cho đặt giàn khoan Hải Dương 981.

Reuters cùng ngày dẫn lời ông Dịch Tiên Lương, Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói thêm rằng phía Việt Nam đã gửi tàu vũ trang tới điểm nóng này trong khi Trung Quốc chỉ đưa các tàu dân sự ra đây.

Phát biểu của ông Dịch được đưa ra một ngày sau khi giới chức Việt Nam mở cuộc họp báo quốc tế tại Hà Nội trưng hình ảnh video, tố cáo tàu Trung Quốc với sự yểm trợ của máy bay ‘hung hăng’ ‘chủ động đâm thẳng vào các tàu Việt Nam’, phun vòi rồng làm hỏng tàu Việt Nam, và gây thương tích cho ít nhất 6 nhân viên kiểm ngư Việt Nam.

Giới chức Việt Nam mở họp báo quốc tế tại Hà Nội trưng hình ảnh video, tố cáo tàu Trung Quốc với sự yểm trợ của máy bay ‘chủ động đâm thẳng vào các tàu Việt Nam’Giới chức Việt Nam mở họp báo quốc tế tại Hà Nội trưng hình ảnh video, tố cáo tàu Trung Quốc với sự yểm trợ của máy bay ‘chủ động đâm thẳng vào các tàu Việt Nam’

Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam, nói Trung Quốc huy động 80 tàu ra bảo vệ giàn khoan Hải Dương, trong số này có 7 tàu quân sự.

Giới chức Việt Nam khẳng định phía Việt Nam không có tàu quân sự tại hiện trường.

Căng thẳng bùng nổ sau khi Trung Quốc hồi cuối tuần cho dựng giàn khoan của công ty dầu khí quốc doanh CNOOC gần quần đảo Hoàng Sa nơi Việt-Trung đều tuyên bố nhận chủ quyền.

Hà Nội nói giàn khoan Hải Dương 981 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam chừng 220 cây số, vi phạm chủ quyền Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Trung Quốc phản bác rằng ‘hoạt động hợp pháp’ của công ty CNOOC ‘trong lãnh hải Trung Quốc’ ‘không liên can tới Việt Nam’ và yêu cầu Hà Nội ngưng các hành vi ‘gây rối.’

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Trình Quốc Bình, ngày 8/5 bác bỏ cáo buộc của Việt Nam cho rằng Bắc Kinh ‘gây hấn’ ở Biển Đông.

Ông Trình phủ nhận có ‘đụng độ’ giữa hai nước Việt-Trung tại khu vực tranh chấp. Ông nói sự việc này ‘chỉ là một sự bất đồng quan điểm trong một số tranh chấp.’

Ông Trình nói Việt Nam cần hiểu rằng khu vực tranh chấp thuộc lãnh thổ Trung Quốc, đương nhiên Bắc Kinh sẽ giữ vững các lợi ích cốt lõi của mình và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Bắc Kinh tố cáo Tàu Việt Nam cố tình đâm tàu Trung Quốc ở Biển Đông
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho rằng vụ tranh chấp ‘có thể kiểm soát được’ và không phản ánh mối quan hệ toàn diện giữa hai nước Việt-Trung.

Ông Trình nhấn mạnh Việt-Trung có thể giải quyết tranh chấp bằng cách thương lượng ôn hòa.

Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu về Biển Đông được nhiều người biết tiếng tại Việt Nam cho rằng động thái vừa rồi của Trung Quốc ở Biển Đông là ‘nguy hiểm.’

Ông Dương Danh Dy nói:

“Đây là một bước đi vô cùng nguy hiểm, một bước leo thang mới của Trung Quốc. Việt Nam trước tình hình này không thể lùi được nữa.”
Ảnh do Cảnh sát biển Việt Nam công bố cho thấy các thủy thủ Việt Nam đứng gần mạn tàu bị rách sau khi bị tàu Trung Quốc đâm vào, ngày 7/5/2014.Ảnh do Cảnh sát biển Việt Nam công bố cho thấy các thủy thủ Việt Nam đứng gần mạn tàu bị rách sau khi bị tàu Trung Quốc đâm vào, ngày 7/5/2014.


Cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Trung Quốc, Dương Danh Dy, nói Việt Nam đủ sức đương đầu với Trung Quốc trong vấn đề bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông bất chấp sự bất tương quan lực lượng về quân sự:

“Theo tôi, Việt Nam đủ sức chứ. Thứ nhất, đây là lãnh thổ của Việt Nam. Thứ hai, đây là gần Việt Nam, cách đảo Lý Sơn hơn 200 cây số thôi. Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng đã có những trang bị quân sự mới. Tôi nghĩ, Việt Nam có cách xử lý theo kiểu Việt Nam. Bao nhiêu lần chúng ta vẫn đánh bại hết quân Nguyên, quân Minh, quân Thanh. Ngày xưa và bây giờ cũng như thế thôi. Bây giờ, cùng một lúc họ vừa xâm phạm lãnh thổ-lãnh hải Việt Nam, vừa nhằm để khai thác dầu lửa của nước Việt Nam. Nếu bây giờ mình lùi được mũi khoan này thì họ sẽ tiến  mũi khoan khác và làm những chuyện khác nữa. Với Trung Quốc thì ta biết rõ họ quá rồi.”

Phát biểu nhân chuyến công du Hà Nội hôm nay (8/5), Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương, ông Daniel Russel, nhắc lại sự quan ngại của Washington về ‘cách hành xử nguy hiểm’ và ‘uy hiếp’ trong vụ tranh chấp ở Biển Đông.

Ông Russel nói cả Việt Nam và Trung Quốc đều có quyền tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. Vẫn theo lời ông, Hoa kỳ không đứng về bên nào nhưng Mỹ và cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa.

Ảnh do Cảnh sát biển Việt Nam công bố cho thấy tàu Trung Quốc (trái) dùng vòi rồng phun thẳng vào tàu Việt Nam, ngày 7/5/2014.Ảnh do Cảnh sát biển Việt Nam công bố cho thấy tàu Trung Quốc (trái) dùng vòi rồng phun thẳng vào tàu Việt Nam, ngày 7/5/2014.

Cùng ngày hôm nay, Nhật lên tiếng bày tỏ ‘quan ngại sâu sắc’ về thái độ của Bắc Kinh trong vụ việc và kêu gọi Trung Quốc tự chế.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói Tokyo nhận thấy vụ này là một phần trong các hoạt động đơn phương và khiêu khích của Trung Quốc.

Trong khi đó, 20 tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam đồng loạt kêu gọi mọi người tuần hành chống Trung Quốc vào chủ nhật tuần này tại hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn để bày tỏ sự phản đối của dân chúng Việt Nam trước ‘hành vi xâm lược’ của Bắc Kinh.

Các cuộc biểu tình tương tự trước đây đã nhanh chóng bị lực lượng an ninh Việt Nam trấn dẹp, với nhiều người bị hành hung và bắt bớ.

Video Trung Quốc đâm tàu kiểm ngư Việt Nam ở Biển Ðông

Trà Mi-VOA


Nguồn :  VOA TIẾNG VIỆT







Bản Tin




BBC

Giàn khoan và Diên Hồng

Cập nhật: 06:30 GMT - thứ năm, 8 tháng 5, 2014

Liệu Việt Nam có thể lùi bước thêm nữa hay không?
Mặc dù Trung Quốc đã chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa 40 năm, nước này mới chỉ bắt đầu nỗ lực củng cố sự kiểm soát trên biển và khai thác tài nguyên trong vùng biển kế cận quần đảo này trong thời gian tương đối gần đây.
Và họ sẽ không ngừng ở đó mà sẽ dùng Hoàng Sa làm bàn đạp để đẩy vùng họ kiểm soát lấn vào các vùng biển khác của Việt Nam như vết dầu loang. Do đó, có thể cho rằng cuộc chiến Hoàng Sa vẫn đang tiếp diễn trên biển, dù điều đó có nổi bật trong nhận thức của người Việt hay không.
Cho đến năm 2009 ngư dân Việt Nam vẫn còn đánh bắt tự do trong vùng biển Hoàng Sa. Năm 2009, Trung Quốc bắt đầu củng cố sự kiểm soát trên biển bằng chính sách đàn áp ngư dân Việt Nam, nhằm đẩy lùi những người Việt Nam cuối cùng ra khỏi vùng biển Hoàng Sa.
Kế đến là việc Trung Quốc triển khai các hoạt động dầu khí.

Vết dầu đang loang

Thí dụ, năm 2012 nước này mời thầu tại Lô 65/12, gần đảo Cây thuộc và ở phía bắc quần đảo Hoàng Sa. Với Việt Nam chỉ phản đối một cách phi đối sách, diễn biến tất nhiên là Trung Quốc sẽ mở rộng hoạt động dầu khí về các phía đông, tây và nam của quần đảo này. Việc triển khai giàn khoan HD-981 gần đảo Tri Tôn thuộc và về phía tây nam quần đảo sẽ chỉ là một trong nhiều bước loang của vết dầu - nếu Việt Nam tiếp tục chỉ phản đối một cách phi đối sách.
"Những gì Đế quốc Trung Hoa ngày xưa đã không thực hiện được trên bộ, nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ngày nay đang cố gắng thực hiện trên biển."
Song song với các động thái trong hai lãnh vực nghề cá và dầu khí, Trung Quốc sẽ tăng cường những sự kiểm soát dân sự và quân sự khác trên biển, nhằm đi từ sự đã rồi trên đảo đến sự đã rồi trên biển, trong một vùng biển rộng lớn tối đa.
Tuy nhiên đó còn chưa phải là mục đích tối hậu của Trung Quốc.
Ngoài việc biến vùng biển Hoàng Sa thành “biển thiên triều”, nước này sẽ tiến hành những khía cạnh khác của cuộc nam tiến, thí dụ như đưa tàu thuyền bán quân sự và giàn khoan vào kiểm soát, khảo sát và khai thác vùng Tư Chính, ngoài khơi bờ biển miền Nam Việt Nam, với hải quân khổng lồ của họ luôn đứng sau.
Những gì Đế quốc Trung Hoa ngày xưa đã không thực hiện được trên bộ, nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ngày nay đang cố gắng thực hiện trên biển. Có thể nói rằng Việt Nam ngày nay đang đứng trước một quá trình xâm lấn từ phương Bắc quy mô không kém, và còn có thể nói là tinh tế hơn, những gì Việt Nam ngày xưa đã từng đối diện, và phải ứng phó một cách tích cực không kém người Việt xưa đã từng giữ nước.
Không những thế, cuộc nam tiến của Trung Quốc trên biển ngày nay có nhiều khía cạnh khác với những cuộc xâm lăng thời phong kiến. Thứ nhất, như Trần Hưng Đạo nói, nếu quân ngoại xâm tiến chậm như tằm ăn dâu thì khó chế ngự, trong khi đó lại là chiến lược của Trung Quốc hiện nay. Thứ nhì, nếu Trung Quốc chiếm một số đảo nhỏ xa bờ hay giành sự kiểm soát và khai thác trong một vùng biển thì Việt Nam khó có thể theo đuổi một cuộc chiến tranh không giới hạn để giành lại. Thứ ba, chiến tranh hiện đại trên biển là khác với chiến tranh trên bộ ngày xưa.

Giàn khoan được ví như pháo đài chủ quyền di động của Trung Quốc

Cần có đối sách

Trước chủ trương của Trung Quốc, một chủ trương bất di bất dịch bất kể lời lẽ ngoại giao phù phiếm, trước hết Việt Nam cần nhìn nhận rằng việc phản đối phi đối sách chỉ có thể dẫn tới bị chinh phục trên thực tế. Chỉ phản đối phi đối sách là tương đương với thầm chấp nhận bị chinh phục trên thực tế.
Trong lãnh vực pháp lý, Việt Nam phải tận dụng những phương tiện pháp lý mình có.
Việt Nam phải công khai thách Trung Quốc ra tòa về chủ quyền đối với Hoàng Sa. Mặc dù khả năng là Trung Quốc sẽ khước từ, nhưng đó là lỗi của họ chứ không phải của Việt Nam thách họ, và thế giới cũng như người Trung Quốc sẽ thấy nước nào là nước trốn tránh công lý.
Vì luật quốc tế không cho phép khoan dầu khí trong vùng biển trong tình trạng tranh chấp, Việt Nam cũng nên đơn phương nộp đơn kiện Trung Quốc về giàn khoan HD-981.
Mặc dù Trung Quốc đã vận dụng Điều 298 của UNCLOS để tránh việc áp dụng thủ tục giải quyết tranh chấp của UNCLOS cho một số loại tranh chấp, và do đó trọng tài UNCLOS sẽ không có thẩm quyền để phán quyết vùng biển đó thuộc về bờ biển hay đảo nào, vì địa điểm của giàn khoan này nằm cách đất liền Việt Nam dưới 200 hải lý, trọng tài UNCLOS sẽ công nhận rằng hiện hữu tranh chấp trong khu vực đó, bất kể các câu hỏi liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, và sẽ cấm Trung Quốc đơn phương khoan dầu khí.
Ngoài ra, trọng tài UNCLOS cũng sẽ công nhận rằng việc tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam là sử dụng bạo lực trong vùng tranh chấp, tức là vi phạm luật quốc tế.
Nếu Việt Nam không sử dụng những phương tiện pháp lý mình có thì dễ có câu hỏi về Việt Nam có thật sự quyết liệt về biển đảo hay không. Dù từ Trung Quốc, hay từ thế giới, hay từ người dân, thì câu hỏi đó cũng bất lợi cho Việt Nam.
"Trong lãnh vực chính trị và ngoại giao, Việt Nam phải “thoát Trung”, phải thoát khỏi vòng kim cô ràng buộc mình vào một nước mà, bất kể lời lẽ hữu nghị xã hội chủ nghĩa, bản chất xương tủy, ngàn năm văn hiến của họ vẫn là Đế quốc Trung Hoa ngày xưa. "
Trong lãnh vực chính trị và ngoại giao, Việt Nam phải “thoát Trung”, phải thoát khỏi vòng kim cô ràng buộc mình vào một nước mà, bất kể lời lẽ hữu nghị xã hội chủ nghĩa, bản chất xương tủy, ngàn năm văn hiến của họ vẫn là Đế quốc Trung Hoa ngày xưa.
“Thoát Trung” tạo thêm điều kiện cho chúng ta tự do lựa chọn và ứng xử với đồng minh sao cho phù hợp với hoàn cảnh của mình nhất. “Thoát Trung” cũng tạo thêm điều kiện để chúng ta hội nhập nhiều hơn với thế giới văn minh và phát triển đất nước. Vấn đề là Việt Nam có đủ tự lập trong chính trị, tư duy và khả năng để “thoát Trung” không.
Nhưng nếu không đủ tự lập thì cũng đáng hổ thẹn cho một quốc gia độc lập, và cho một dân tộc mà một trong những niềm tự hào lịch sử lớn nhất mình có là việc đấu tranh giành độc lập. Nhìn từ góc độ này, “thoát Trung” cũng có thể khích thích cho Việt Nam tự lập hơn, một điều mà dân tộc và đất nước nào cũng cần.
Nhưng cuối cùng thì điều không thể thiếu được của một quốc gia độc lập là đối sách trên thực địa. Tòa án quốc tế không có cảnh sát để bảo đảm phán quyết của họ sẽ được các bên thi hành. Khó có nước nào khác sẽ ủng hộ Việt Nam bằng vũ lực ở Hoàng Sa hay trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ đất liền.
Mặc dù hải quân, không quân và các lực lượng bán quân sự trên biển của Trung Quốc mạnh hơn của Việt Nam, và mặc dù chiến lược tằm ăn dâu của họ làm cho Việt Nam khó quyết định về phản ứng trên thực địa, Việt Nam không thể không có đối sách trên thực địa, dù điều đó có thể bao hàm hy sinh xương máu và khí tài.
Bất kể Việt Nam có sử dụng biện pháp pháp lý, chính trị và ngoại giao nào hay không, và bất kể việc con tằm chỉ ăn lá dâu từng miếng nhỏ, Trung Quốc đang từng bước dồn Việt Nam đến câu hỏi Diên Hồng. Không rõ câu hỏi này khó trả lời cho Đại Việt ngày xưa thế nào, nhưng chắc chắn là ngày nay cần những trả lời tinh tế hơn xưa, vì trong bối cảnh ngày nay hòa cũng như chiến đều có nhiều hình thức và mức độ. Nhưng nếu tránh câu hỏi đó thì sẽ là vô trách nhiệm với chủ quyền lãnh thổ.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông.

Thêm về tin này

Chủ đề liên quan




Nguồn :   BBC VIETNAMESE