Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Tôn trọng ý kiến nhân dân, mở rộng dân chủ, điều duy nhất mà giới lãnh đạo Đảng và chính quyền cộng sản Việt Nam phải lựa chọn hiện nay để tiếp tục được tồn tại










      SỰ THẬT - CÔNG LÝ - TÌNH YÊU






Dominhtuyen

Màn kịch Dân chủ giả tạo thiếu suy nghĩ của các Nhà lãnh đạo Đảng và chính quyền cộng sản Việt Nam vừa triễn khai trước bàn dân thiên hạ đã phải nhanh chóng hạ màn trước những tác dụng ngược ngoài ý muốn. Tuy nhiên bầu không khí hiện vẫn đang sôi sục trong cả nước và ngày đang dần nóng lên ngay sau khi Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trở mặt và lộ nguyên hình dạng và bản chất thật của mình với những lời phát biểu thiếu khôn ngoan của hai vị lãnh đạo đứng đầu Đảng và Quốc hội Nhà nước Việt Nam ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng vốn đã vấp phải làn sóng phản kháng dữ dội từ mọi tầng lớp nhân dân. Chưa dừng tại đây, Chính quyền dường như đã mất tự chủ và giống như một chú gà chọi bị trúng đòn bất ngờ trở nên mất bình tĩnh và lo sợ dẫn đến hàng loạt động thái bất thường và phản bác lại bằng những hành động hạ cấp như tiến hành in ấn sẵn các bản dự thảo Hiến pháp cũ và mới sau đó ép buộc người dân ký vào cũng như xử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng bao gồm Báo chí, truyền thanh và truyền hình phát đi những bản tin thất thiệt mang tính vu khống nhằm hạ uy tín các Nhà trí thức hàng đầu của Việt Nam, những người khởi xướng bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp Nhà nước Việt Nam.

Tuy nhiên, chiến dịch sửa đổi Hiến pháp Nhà nước lần này cũng giống như một ván cờ chính trị cho nên một khi đã lỡ bước hoặc tính sai một nước cờ, thì trong lòng rối bời dẫn đến càng tính càng sai và kết cuộc của ván cờ không dễ dàng kết thúc hoặc kết thúc không hề đơn giản một chút nào. Trong giai đoạn đất nước suy thoái và đầy bất ổn hiện nay do tham nhũng lan tràn, lãnh đạo Nhà nước yếu kém và suy thoái đạo đức nghiêm trọng dẫn đến mất dần lòng tin nơi người dân thì việc châm ngòi bằng cách lấy ý kiến nhân dân cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp Nhà nước của Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vô tình đã khơi dậy cũng như tiếp sức cho người dân có cơ hội nói lên nguyện vọng chính đáng của mình liên quan đến Tự do Dân chủ và Nhân quyền. Sự khát khao Dân chủ tiềm ẩn và đè nén trong lòng người dân Việt Nam bấy lâu nay giống như đồng ruộng bị hạn hán lâu năm gặp trận mưa rào bùng phát dữ dội và vươn ra một cách nhanh chóng ngoài tầm kiểm soát. Đây chính là diễn biến phức tạp và đầy bất lợi ngoài sự tiên liệu và phán đoán của giới lãnh đạo Đảng và chính quyền cộng sản Việt Nam dẫn đến những hành động hạ cấp tiếp theo ngay sau đó.

Bên cạnh đó, việc lên tiếng của Hội Đồng Giám Mục Công giáo Việt Nam qua thư góp ý được gởi đến Ủy Ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp Nhà nước 1992 vào đầu tháng ba vừa qua như một cú knock-out đầy ngoạn mục của các Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công giáo Việt Nam dành cho các vị lãnh đạo Đảng và chính quyền cộng sản Việt Nam. Hành động sáng suốt, thiết thực và đầy can đảm của Hội Đồng Giám Mục Công giáo Việt Nam tiếp theo sau đó không những khích lệ tinh thần người dân mà còn giúp họ hiểu được một cách đầy đủ, đúng đắn, rõ ràng và chính xác về mọi quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của một công dân Việt Nam được thừa hưởng và phải làm thông qua một bản Hiến pháp Nhà nước đích thực và ý nghĩa. Điều duy nhất hiện nay mà giới lãnh đạo Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam cần nên làm không phải là đối đầu với người dân mà cần phải dọn sạch những đống rác rưởi bấy lâu nay trong lòng họ để bắt đầu lại từ đầu trước khi quá muộn. Các nhà lãnh đạo Đảng và chính quyền cộng sản Việt Nam cần nên nhớ rằng, không một chế độ nào, chính quyền nào, Nhà nước nào đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của quốc gia và dân tộc mà còn tồn tại.





Bản Tin







Việt Nam: Chính quyền tìm cách kiểm soát việc góp ý sửa đổi Hiến pháp

Nhóm nhân sĩ trí thức khởi xướng kiến nghị 72 và dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013.
Nhóm nhân sĩ trí thức khởi xướng kiến nghị 72 và dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013.
Nguồn: Internet

Thanh Phương
Kể từ khi chính quyền Việt Nam kêu gọi nhân dân góp ý cho bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ngày càng có nhiều người tham gia ký tên các kiến nghị, các tuyên bố, hoặc đăng trên mạng các bài viết đòi hỏi dân chủ hóa đời sống chính trị. Trước tình hình này, chính quyền đang tìm đủ mọi cách để kiểm soát việc góp ý Hiến pháp.

Tính cho đến nay đã có hơn 9 ngàn người ký tên vào bản kiến nghị do 72 nhân sĩ trí thức tên tuổi khởi xướng, còn được gọi là kiến nghị 72. Kiến nghị này yêu cầu xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của đảng, đòi tam quyền phân lập, quyền tư hữu đất đai, phi chính trị hóa quân đội, đòi đưa dự thảo Hiến pháp ra trưng cầu dân ý.

Trước tình hình đó, một trong những biện pháp đối phó của chính quyền Việt Nam đó là hạ thấp giá trị của bản kiến nghị 72. Báo chí chính thức, cụ thể là tờ Đại Đoàn Kết, số ra ngày 09/03 và đài truyền hình VTV1 trong chương trình phát ngày 10/3 đã khẳng định là đa số những chữ ký ủng hộ kiến nghị 72 là những chữ ký « mạo danh ». Tờ Đại Đoàn Kết khẳng định là việc ngụy tạo này là do « động cơ chính trị không trong sáng của một số người có tư tưởng đối lập ».

Sau khi bài báo trên tờ Đại Đoàn Kết được đăng tải, trang Bauxite Việt Nam, nơi khởi xướng bản kiến nghị 72, đã ngay lập tức phản bác lời cáo buộc về giả mạo chữ ký. Trang Bauxite Việt Nam tố cáo chính quyền đang truy tìm danh tích những người soạn thảo kiến nghị 72 và Dự thảo Hiến pháp 2013 của các nhân sĩ trí thức, để đàn áp theo lối xé nhỏ phong trào, đồng thời dọa dẫm, đàn áp những người tham gia ký kiến nghị.

Cũng để nhằm kiểm soát việc góp ý Hiến pháp, biện pháp thứ hai hiện đang được thực hiện ở Sài Gòn đó là vận động người dân điền vào « Phiếu lấy ý kiến nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ». Trên phiếu này, người dân chỉ có thể, hoặc là trả lời « đồng ý với toàn văn bản dự thảo Hiến pháp », hoặc « đồng ý với những nội dung khác trong dự thảo », kèm theo ý kiến góp ý, đề nghị sửa đổi, bổ sung những Chương, Điều hoặc từ ngữ cụ thể.

Được yêu cầu đóng góp ý kiến theo kiểu đích danh như vậy dĩ nhiên là đa số người dân sẽ trả lời« đồng ý » để được yên thân, chứ chắc là sẽ chẳng có mấy ai dám nói ra những điều mình nghĩ.

Báo chí chính thức trong những ngày qua cũng liên tục đăng những bài báo phản bác những quan điểm đòi đa nguyên, đa đảng trong việc góp ý Hiến pháp, thậm chí còn khẳng định « Đảng với dân là thống nhất, phủ nhận Đảng tức là phủ nhận vai trò của dân ».

Trong bài viết mới nhất vừa được đăng trên trang mạng Ba Sàm hôm nay, ông Nguyễn Trung, một cựu cán bộ đảng viên cao cấp, cho rằng lẽ ra « nhân dịp sửa đổi Hiến pháp lần này, Bộ Chính trị nên mời các trí thức có uy tín hình thành một số diễn đàn khoa học và công khai cho những vấn đề hệ trọng của đất nước để tạo sự đồng thuận tốt nhất có thể trong Hiến pháp mới. Đồng thời phát huy dân chủ để nhân dân tự triển khai những diễn đàn như thế ở mọi nơi ».

Theo ông Nguyễn Trung, « mọi cách làm trong việc sửa đổi Hiến pháp nếu chỉ nhằm quy kết hoặc khép tội những “ý kiến khác cho thấy Bộ Chính trị trong thâm tâm vẫn kiên quyết giữ nguyên hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước như hiện tại. Làm như thế, hiển nhiên sẽ chỉ tiếp tục xô đẩy đất nước đi sâu thêm vào con đường của thảm họa ».
TAGS: CHÂU Á - CHÍNH TRỊ - HIẾN PHÁP - PHÂN TÍCH - VIỆT NAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét