SỰ THẬT - CÔNG LÝ - TÌNH YÊU
Dominhtuyen
Nhân quyền tại Việt Nam đang trong giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử nhân quyền của quốc gia cộng sản độc tài toàn trị này từ trước đến nay. Chưa bao giờ, người ta phải chứng kiến Việt Nam cùng lúc đón nhận sự chỉ trích gay gắt từ nhiều Tổ quốc Nhân quyền Quốc tế, từ nhiều Tổ chức Phi chính phủ cũng như từ nhiều quốc gia trên thế giới trong đó nổi bật nhất là từ chính phủ Hoa Kỳ, với sự chỉ trích mạnh mẽ và nhất quán từ Bộ Ngoại giao cho đến Quốc Hội, và nhiều Dân biểu, Nghi sĩ cùng với nhiều lãnh đạo cao cấp của chính phủ bao gồm cả sự lên tiếng từ chủ nhân của Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.
Nói đến hai chữ "Nhân quyền" và liên tưởng đến những gì đã và đang xảy ra tại Việt Nam khiến cho nhiều người phải lắc đầu ngao ngán trước hành vi ngang ngược và chà đạp quyền con người một cách nghiêm trọng, tinh vi và có hệ thống của Tập đoàn lãnh đạo Đảng và các giới chức lãnh đạo độc tài cao cấp của Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Đối với người dân Việt Nam hiện nay, một sự suy nghĩ, một thái độ biểu hiện hay một hành vi nào đó ngay cả xuất phát từ lòng yêu nước mà không làm hài lòng Đảng và chính quyền đều có thể dẫn họ đến con đường tù tội một cách đáng tiếc. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc chính phủ Hoa Kỳ ngày càng tỏ ra quan ngại và chỉ trích nhiều hơn, mạnh mẽ hơn đối với thành tích nhân quyền tệ hại của Việt Nam mà đơn cử là cuộc điều trần trước Quốc Hội của Dân biểu Hoa Kỳ Christopher Smith ngày hôm nay.
Việc chính phủ Hoa Kỳ, Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ thông qua đạo luật Nhân quyền Việt Nam trong nay mai, cũng như các biện pháp chế tài mà Việt Nam sẽ phải đương đầu và đón nhận là điều khó lòng tránh khỏi nếu các Nhà lãnh đạo độc tài Đảng và giới chức cầm quyền hiện nay vẫn cố chấp không xem xét và cải thiện thành tích nhân quyền tệ hại của quốc gia mình hiện nay. Trong đó các quyền Tự do cơ bản của người dân được đề cập nhiều nhất và thường xuyên nhất vẫn là quyền Tự do Ngôn luận, Tự do Tôn giáo và tệ nạn buôn người tại Việt Nam. Các vị lãnh đạo Nhà nước cộng sản Việt Nam không thể tiếp tục phớt lờ dư luận và mối quan tâm sâu sắc từ Cộng đồng Quốc tế. Và rằng, chính phủ Việt Nam sẽ không thể cùng lúc đón nhận cả hai từ những cơ hội, những ân huệ, những vai trò tiềm năng và to lớn trên trường Quốc tế mà vẫn được quyền chà đạp lên quyền con người, xem thường pháp luật, xem thường Công pháp Quốc tế và bất chấp cả lương tâm đạo đức con người.
Bản Tin
DB Christopher Smith nói về nhân quyền VN
Trong tuần này, nhiều tổ chức tôn giáo và đoàn thể người Việt hải ngoại từ mọi nơi về thủ đô Washington DC để vận động với hành pháp và điều trần trước Quốc hội về tình trạng nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Vũ Hoàng phỏng vấn dân biểu Chris Smith, đồng thời cũng là tác giả của dự luật Nhân quyền cho Việt Nam.
Vũ Hoàng: Trước hết xin ông đánh giá chung về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam được không?
Christopher Smith: Thật là đáng tiếc và cũng thật đáng buồn là tình hình nhân quyền tại Việt Nam ngày càng đi xuống. Đã có lúc người ta hi vọng khi hiệp định song phương được ký kết, thương mại tăng lên thì nhân quyền phải được cải thiện, nhưng thực tế thì nó lại trở nên xấu hơn, đặc biệt là dưới góc độ tự do tôn giáo, nạn buôn người và của các nhà hoạt động, những người muốn Việt Nam đi theo chiều hướng khác thì họ lại bị áp bức và bỏ tù. Ở đây, tôi cũng muốn nói đến cả vấn đề tự do internet, những ai lên mạng post các bài viết ủng hộ dân chủ, thì họ cũng dễ dàng bị bỏ tù, thậm chí là cả những mức án dài hạn.
Vũ Hoàng: Vậy theo ông, cần những biện pháp gì để cải thiện tình trạng nhân quyền cũng như các vấn đề mà ông vừa đề cập ạ?
Christopher Smith: Trước hết, chính quyền của Tổng thống Obama cần phải sử dụng đến luật pháp, chẳng hạn đạo luật về bảo vệ trước nạn buôn người hay đạo luật về tự do tôn giáo quốc tế, cần phải có những hành động nghiêm khắc ngay khi Việt Nam vi phạm luật về nạn buôn người hay tự do tôn giáo. Trong cả hai trường hợp này, hồ sơ cho thấy rõ là Việt Nam cần phải bị xếp vào danh sách những nước loại 3 về tình trạng buôn người và là quốc gia cần phải được đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo.
Đây là lần thứ 3 bản thân tôi ủng hộ việc đưa Đạo luật về Nhân quyền ra Quốc hội, đạo luật này đã 2 lần được Hạ viện thông qua, nhưng sau đó, không được thông qua tại Thượng viện. Vì thế, chúng tôi thúc ép sao cho để đưa đạo luật về nhân quyền tại Việt Nam vào luật, vì tình hình này đang ngày càng không được nhìn nhận đúng cách.
Vũ Hoàng: Ông vừa nhắc đến Đạo luật nhân quyền Việt Nam, vậy theo ông trong bao lâu nữa đạo luật này sẽ được mang ra Quốc hội?
Christopher Smith: Chúng tôi sẽ làm càng sớm càng tốt, chúng tôi sẽ giới thiệu đạo luật muộn nhất là vào tuần tới, hoặc cũng có thể là trong tuần này, chúng tôi còn đang chỉnh sửa một chút cho những bước cuối cùng. Nhưng ở đây, tôi muốn nhắc lại một lần nữa, tình trạng nhân quyền tại Việt Nam là tội tệ, chẳng hạn như việc cưỡng chế đất đai, đàn áp tự do tín ngưỡng. Chúng tôi luôn ở bên những người bị đàn áp, chúng tôi lên tiếng cho họ, vì thế phía chính quyền Hà Nội cần phải có những thay đổi.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối cùng là trong lần góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992 này, ông thấy vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo… đã được đặt một vị trí như thế nào?
Christopher Smith: Đối với tôi, hệ thống pháp trị hết sức quan trọng, tất cả những điều hứa hẹn trên giấy tờ không phải là những gì chắc chắn và tồn tại làm cơ sở, nếu người ta không muốn thi hành những luật lệ đó, thì người ta sẽ không làm. Nhà nước Việt Nam không có một hệ thống pháp luật để công dân có thể dựa vào đó thảo luận hay khiếu nại về những luật lệ hiện hành. Không có hệ thống kiểm soát lẫn nhau trong một chế độ độc đảng và như thế là độc tài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét