Thứ bảy, 26/10/2013

Tin tức / Việt Nam

RSF: Việt Nam tận dụng mọi cách đàn áp quyền tự do ngôn luận

Ông Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách ban Á Châu-Thái Bình Dương thuộc Tổ chức Phóng viên Không Biên giới
Ông Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách ban Á Châu-Thái Bình Dương thuộc Tổ chức Phóng viên Không Biên giới
CỠ CHỮ 
Một tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế có trụ sở tại Pháp tố cáo Việt Nam đang tận dụng mọi cách thức có thể để đàn áp các tiếng nói bất đồng quan điểm với nhà nước qua việc dùng điều luật 258 để truy tố một thanh niên dùng Facebook kêu gọi công lý cho người thân.
Bà Nguyễn thị Kim Lien mẹ của Đinh Nhật Uy (phải) và Đinh Nguyen KhaBà Nguyễn thị Kim Lien mẹ của Đinh Nhật Uy (phải) và Đinh Nguyen Kha

Blogger Đinh Nhật Uy sắp bị đưa ra xử tại Tòa án Nhân dân Tỉnh Long An vào ngày 29/10. Anh bị cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’ vì đăng tải lên Facebook cá nhân ý kiến và các hình ảnh chống Trung Quốc xâm lấn Biển Đông, phản đối bản án 4 năm tù của em trai về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ trong vụ xử hai sinh viên chống Trung Quốc, Đinh Nguyên Kha-Nguyễn Phương Uyên được quốc tế lưu ý.

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF nói với VOA Việt ngữ việc truy tố Đinh Nhật Uy cho thấy mức độ đàn áp khốc liệt các quyền tự do căn bản của con người tại Việt Nam bao gồm quyền tự do bày tỏ quan điểm và quyền tự do internet.

Ông Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách ban Á Châu-Thái Bình Dương thuộc Tổ chức Phóng viên Không Biên giới:

“Khi một người dùng mạng xã hội Facebook để đòi công lý và kêu gọi phóng thích cho em trai của mình mà bị nhà cầm quyền bắt và truy tố điều này chứng tỏ sự đàn áp ngày càng nặng tay của Hà Nội và mức độ không chấp nhận chỉ trích của nhà cầm quyền Việt Nam đã lên tới đỉnh điểm.”

Mẹ của blogger Đinh Nhật Uy đã gửi thư mời tất cả mọi người cùng các cơ quan ngoại giao, nhân quyền, và truyền thông quốc tế đến tham dự phiên tòa tại Long An vào thứ ba tuần tới để mục kích sở thị phiên xử mà nhà nước gọi là ‘công khai’. Trong số các bên được mời có đài VOA và sáng lập viên trang Facebook, ông Mark Zuckerberg, với tư cách người có trách nhiệm-nghĩa vụ liên quan.

Cáo trạng nói Đinh Nhật Uy nói bôi nhọ nhà nước bằng các bình luận đăng trên Facebook được nhiều người thích và chia sẻ cũng phê phán phiên tòa xử Đinh Nguyên Kha là bất công trong các cuộc phỏng vấn với báo đài nước ngoài, trong đó có đài VOA.

Ông Benjamin Ismail nói thật đáng tiếc RSF không thể tham dự phiên tòa của Uy theo lời mời của gia đình vì nhà nước Việt Nam không hoan nghênh sự hiện diện của tổ chức bảo vệ nhân quyền này.

Tuy nhiên, ông Ismail cho rằng sáng lập viên Zuckerberg của Facebook nên dự phiên xử của Uy để thấy rằng trong khi trang mạng xã hội toàn cầu do chính ông lập ra giúp mọi người trên thế giới chia sẻ thông tin và biểu đạt quyền tự do ngôn luận thì cũng có nhiều người bị biến thành những nạn nhân bị tù tội chỉ vì sử dụng Facebook tại một số quốc gia như Việt Nam.

RSF nói điều luật 258 là một hình thức khác của sự bóp nghẹt quyền tự do tư tưởng tại Việt Nam sau các điều luật đã bị phê phán nặng nề như 88 (tuyên truyền chống nhà nước) hay 79 (âm mưu lật đổ chính quyền).

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới kêu gọi Việt Nam hủy bỏ tất cả các điều luật mà họ mô tả là vi phạm nhân quyền và bị thế giới lên án này.