ĐTC Phanxicô dâng thế giới cho Đức Mẹ nhân ngày Thánh mẫu Vatican

Đăng bởi lúc 3:50 Chiều 14/10/13
VRNs (14.10.2013) – Sài Gòn - Ngày Thánh Mẫu là một sự kiện lớn được hoạch định trong năm Đức Tin. Được bắt đầu từ chiều thứ bảy ngày 12 tháng Mười, gần 100 ngàn tín hữu đã tham dự buổi cầu nguyện với Đức Mẹ Fatima do ĐTC Phanxicô chủ sự tại Quảng trường Thánh Phêrô. hãng tin Asianews cho biết như vậy.

Rước tượng Đức Mẹ Fatima
Theo Đài phát thanh Vatican bản Việt ngữ, Theo lời yêu cầu của ĐTC, nguyên bản bức tượng Đức Mẹ được đưa ra khỏi Đền Thánh Fatima và đưa về Roma. Tượng Đức Mẹ Fatima được chở tới Phi trường Fiumicino ở Roma chiều 12-10-2013. Chặng dừng đầu tiên của bức tượng diễn ra tại nhà nguyện trong nhà của Đức Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 để ngài cầu nguyện một lát, trước khi được rước đến Nhà Trọ Thánh Marta và được ĐTC Phanxicô trực tiếp chào kính.
Lúc gần 4 giờ chiều, tượng Đức Mẹ Fatima được long trọng rước ra Quảng trường thánh Phêrô. Và vào cúc gần 5 giờ chiều, ĐTC Phanxicô tiến vào Quảng trường. Trong lời chào mừng, Đức TGM Fisichella đã giới thiệu hơn 800 hội đoàn Thánh Mẫu được các GM hoặc LM tuyên úy tháp tùng đến tham dự buổi cầu nguyện.
ĐTC hôn kính tượng Đức Mẹ trước khi tượng được đặt trên ngai. Ngài dâng kính Đức Mẹ xâu chuỗi Mân Côi quí giá. Buổi cầu nguyện được tiến hành dựa trên 7 sự thương khó của Đức Mẹ. Mỗi chặng có một bài đọc ngắn trích từ các Sách Tin Mừng, tiếp đến mỗi người cầu nguyện trong thinh lặng, rồi ca đoàn và cộng đoàn hát một đoạn kinh cầu, rồi một kinh Kính Mừng.

Bài suy niệm của Đức Thánh Cha về đức tin của Đức Mẹ
Sau đó, Đức Thánh Cha đưa ra bài suy niệm tập trung vào đức tin của Đức Mẹ, người đã “tháo gỡ nút thắt của tội lỗi.”
Lời “xin vâng” của Đức Maria “đã mở cửa cho Thiên Chúa tháo gỡ nút thắt của sự bất tuân xưa.” Mẹ là “một người mẹ kiên nhẫn và yêu thương trong việc đưa chúng ta đến với Thiên Chúa để ngài có thể tháo nút thắt trong tâm hồn của chúng ta với lòng thương xót người của một người cha.”
Đức Thánh Cha cũng suy niệm dựa trên hình ảnh, đức tin của Đức Mẹ đã “ban cho Đức Giêsu một thể xác.” Tin vào mầu nhiệm Nhập Thể, ngài nói , “có nghĩa là ban tặng cho Thiên Chúa thể xác của chúng ta với sự khiêm tốn và lòng can đảm của Đức Maria, để ngài có thể tiếp tục sống giữa chúng ta.”
Đức Thánh Cha sau đó tiếp tục suy niệm về hành trình đức tin của Đức Mẹ, để thấy rõ “Mẹ là người đi trước và là người đồng hành và nâng đỡ chúng ta trong cuộc hành hương này.”
Khi nói đức tin của Mẹ là một cuộc hành trình, nghĩa là “Mẹ đã theo sát Con của Mẹ trong toàn bộ cuộc sống.” Đức Maria hiểu rằng, hành trình của đức tin đi phải đi qua Thánh Giá, từ thời vua Hêrôđê đã tìm cách giết Đức Giêsu mới sinh cho đến cuộc thương khó và cái chết trên thập giá của Ngài.
“Và khi Mẹ nhận được tin về ngôi mộ trống, trái tim Mẹ đã được đổ đầy niềm vui của đức tin. Đức tin Kitô giáo trong cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu Kitô “
Đức Thánh Cha Phaxicô kết luận bài huấn dụ bằng cách quay sang bức tượng Đức Mẹ Fatima và nói : “Chúng con cảm ơn Mẹ về đức tin của chúng con, và chúng con muốn một lần nửa phó thác nơi Mẹ, hỡi người Mẹ của đức tin.”
Buổi cầu nguyện kết thúc với Kinh Lạy Cha, và Phép lành của ĐTC, rồi bài Ca Salve Regina, Lạy Nữ Vương Thiên Đàng.
Sau buổi cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô, Tượng Đức Mẹ Fatima được trực thăng của không lực Italia chở đến Đền Thánh Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa, cách trung tâm Roma hơn 10 cây số. tại đây có buổi đọc kinh Mân Côi được nối qua truyền hình với một số Trung tâm Thánh Mẫu

Dâng hiến thế giới cho Đức Mẹ
Rạng sáng Chúa Nhật hôm sau, tức 13 tháng Mười. Bức tượng lại được một chiếc  trực thăng lại chở về Vatican. Tại đây từ lúc 9 giờ rước, Tượng Đức Mẹ lại được rước qua các khu vực ở Quảng trường trước khi ĐTC bắt đầu cử hành thánh lễ và nghi thức phó thác thế giới cho Đức Mẹ. Có 100 LM được đồng tế với ĐTC.
Theo hãng Asianews đưa tin, trước ảnh tượng của Đức Trinh Nữ Maria được mang đến Quảng trường Thánh Phêrô từ Fatima, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lặp lại việc dâng hiến cho Mẹ Maria vào Chúa Nhật ngày 13 tháng Mười. Đức Thánh Cha nói, “Chúng con ca tụng Mẹ là kỳ công lớn lao của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ mệt mỏi cúi xuống loài người, – bị vây quanh bởi cái ác và bị thương bởi tội lỗi -, với lòng thương xót để chữa lành và cứu thoát. Xin Mẹ nhận lấy với lòng nhân từ hành động phó thác mà chúng con thực hiện hôm nay trước ảnh tượng rất thân thương của Mẹ. Chúng con tin tưởng rằng mỗi người chúng con đều quý giá trong cái nhìn của Mẹ và không có gì là xa lạ đối với Mẹ.”
Ngài nói tiếp, “Chúng con xúc động bởi cái nhìn ngọt ngào của Mẹ và sự ấu yếm an ủi trong nụ cười của Mẹ. Hãy bảo vệ cuộc sống chúng con trong vòng tay của Mẹ : hãy chúc lành và làm cho vững mạnh mọi khao khát vì thiện ích, hãy làm tái sinh và nuôi dưỡng đức tin của chúng con, duy trì và làm sáng lên hy vọng khuấy động tâm hồn và đức ái, hãy hướng dẫn tất cả chúng con trên con đường nên thánh . Hãy dạy chúng con cùng một tình yêu và sự ưu tiên mà Mẹ dành cho giới trẻ, người nghèo, những người thiệt thòi, đau khổ, những người tội lỗi và cả những người đã mất trái tim : hãy tập hợp tất cả chúng con dưới sự bảo vệ của Mẹ và dẫn chúng con tới Người Con yêu dấu của Mẹ, Chúa Giêsu của chúng con.”
Việc dâng hiến này được diễn ra vào cuối Thánh Lễ nhân Ngày Thánh Mẫu của Năm Đức Tin. Ngày Thánh Mẫu được bắt đầu từ hôm thứ bảy, khi bức tượng Đức Mẹ Fatima đến Rôma và hơn 100 nghìn người cùng tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dâng hiến thế giới lần đầu tiên cho Đức Mẹ vào ngày 7 tháng 6 năm 1981 tại đền thờ Đức Bà Cả. Việc làm trên được lặp lại tại Fatima vào ngày 13 tháng năm 1982 và một lần nữa vào ngày 25 tháng ba năm 1984 tại quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma, trong sự hiệp nhất thiêng liêng với tất cả các giám mục trên thế giới, bao gồm cả các giám mục Chính thống Nga.

Bài giảng trong thánh lễ Chúa Nhật trong Ngày Thánh Mẫu
Trong bài giảng của Thánh Lễ trước đó, Đức Thánh Cha đã mời gọi các tín hữu cùng suy niệm ba điều, “thứ nhất, Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên, thứ nhì, Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải trung tín, và thứ ba, Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta.”

Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên
Dẫn lại câu chuyện ông Na-a-man, tướng chỉ huy quân đội của vua nước A-ram được chữa khỏi căn bệnh phong, Đức Thánh Cha nói, tiên tri Elisa, người của Thiên Chúa “đã không thực hiện phép thuật hay yêu cầu bất cứ điều gì khác thường, nhưng chỉ yêu cầu ông ta [ông Na-a-man] một điều đơn giản là tin tưởng vào Thiên Chúa và tắm nước sông Giordan …. Đó là điều Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên. Chính trong sự nghèo đói, yếu đuối và khiêm nhường mà Thiên Chúa tự bộc lộ chính mình và ban cho chúng ta tình yêu của Ngài, thứ cứu rỗi, chữa lành và ban cho chúng ta sức mạnh. Ngài chỉ yêu cầu chúng ta tuân theo lời của Ngài và tin cậy nơi Ngài.”
Đây cũng là kinh nghiệm của Đức Trinh Nữ Maria,ĐTC nói tiếp “khi nghe sứ điệp của thiên thần, Mẹ không giấu được sự ngạc nhiên của mình. Sự ngạc nhiên của việc nhận ra Thiên Chúa … đã chọn Mẹ, một thiếu nữ bình thường tại Nazareth.” Thiên Chúa đã không chọn ‘một người nào đó sống trong cung điện, giữa quyền lực và sự giàu có,” hoặc “làm được những việc phi thường, nhưng chỉ đơn giản là một người mở ra cho Thiên Chúa và đặt niềm tin nơi Ngài, thậm chí dù không hiểu hết được mọi thứ : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói. ” (Lc 1:38). Đó là câu trả lời của Mẹ. Thiên Chúa không ngừng làm chúng ta ngạc nhiên, ngài phá vỡ những phạm trù và kế hoạch của chúng ta . Và ngài nói : Hãy tin tưởng vào Ta, đừng sợ, hãy để cho mình được ngạc nhiên, hãy để lại mình đằng sau và bước theo Ta!
Hôm nay, tất cả chúng ta hãy tự hỏi liệu chúng ta có sợ những gì mà Thiên Chúa yêu cầu hoặc có thể yêu cầu. Tôi có để mình được ngạc nhiên bởi Thiên Chúa như Đức Maria không, hay tôi vẫn bị cuốn vào vùng an toàn của riêng mình : sự an toàn trong vật chất, trí tuệ hay ý thức hệ, hay tôi vẫn tìm nơi trú ẩn trong các dự án và kế hoạch của riêng tôi? Tôi có thực sự để cho Thiên Chúa bước vào cuộc sống của tôi ? Và tôi đã đáp lại ngài như thế nào ?

Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải trung tín
Điều thứ hai là hãy nhớ đến Đức Giê-su Ki-tô luôn luôn” như thánh Phaolô đã nói với ông Timôthê,  Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên với tình yêu của ngài , nhưng ngài còn đòi hỏi chúng ta phải trung tín đi theo ngài. Chúng ta có thể không trung tín, nhưng ngài thì không thể : ngài là ” con người của trung tín ” và ngài đòi hỏi chúng ta cùng một lòng trung thành ấy. ĐTC nói tiếp, khi chúng ta vui mừng về một số sáng kiến​​, một số nhiệm vụ, nhưng khi có dấu hiệu khó khăn, chúng ta đầu hàng. Đáng buồn thay, điều này cũng xảy ra trong những quyết định nền tảng như hôn nhân. Đó là cái khó của việc kiên định và trung thành với những quyết định, cam kết mà chúng ta đã thực hiện. Thường rất dễ dàng để nói “có”, nhưng sau đó chúng ta lại không thể lặp lại tiếng “có” ấy mỗi ngày. Chúng ta không trung thành.
Đức Thánh Cha đưa ra hình ảnh của Đức Maria “đã nói xin vâng không chỉ một lần.” Mẹ nói xin vâng lúc vui lẫn lúc buồn, mà đỉnh cao là dưới chân Thánh Giá. ĐTC chất vấn “Tôi là một Kitô hữu của hứng khởi hay tôi là một Kitô hữu toàn thời gian ?… Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải trung thành với ngài trong hành động mỗi ngày . Ngài tiếp tục đòi hỏi điều ấy, thậm chí đôi khi chúng ta không trung tín với ngài thì ngài vẫn trung tín. Với lòng thương xót của mình, ngài không bao giờ mệt mỏi giơ tay để nâng chúng ta lên, khuyến khích chúng ta tiếp tục cuộc hành trình của mình, hãy quay về và nói với ngài những yếu đuối của chúng ta, để ngài có thể ban cho chúng ta sức mạnh của ngài.”

Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta
Điều cuối cùng, Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta. Đức Thánh Cha nhắc lại việc mười người phong hủi trong Tin Mừng được chữa lành nhưng chỉ một người trở lại để lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa. Ngài nói : “mọi thứ đều là quà tặng của Thiên Chúa. Nếu chúng ta có thể nhận biết rằng, mọi thứ đều là quà tặng của Thiên Chúa thì tâm hồn chúng ta sẽ hạnh dường bao ! Mọi thứ đều là quà tặng của Ngài. Và Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta !”
ĐTC khuyến khích các tín hữu noi gương Đức Maria “biết cảm tạ, chúc tụng vì những gì Chúa làm cho chúng ta”, “sau biến cố Truyền Tin, hành động đầu tiên của Mẹ là đến với người thân thích là bà Elizabeth để thi hành việc bác ái. Và lời đầu tiên Mẹ nói là : “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa ” … đây là một bài ca chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa, không chỉ cho những gì ngài đã làm cho Mẹ, nhưng còn cả những gì ngài đã làm trong suốt lịch sử cứu độ.”
Kết luận bài giảng, ĐTC mời gọi các tín hữu khần cầu với Mẹ để Mẹ “giúp chúng ta mở ra để được Thiên Chúa làm cho king ngạc, trung tín với Thiên Chúa trong từng ngày sống và biết ngơi khen và cảm tạ vì Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta”
Sau khi đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người, ĐTC còn bắt tay chào thăm rất nhiều người, các phái đoàn chính thức, đông đảo các LM, trước khi đi xe díp màu trắng mui trần tiến qua các lối đi và đến tận gần cuối đường Hòa Giải để chào thăm các tín hữu.
Chí Thiện, VRNs

Bài Trong Ngày