Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

NHỮNG TƯỢNG ĐÀI LỊCH SỬ VIỆT NAM... VÀ NỖI TRĂN TRỞ CHO THẾ HỆ TRẺ VIỆT NAM HÔM NAY.











                         SỰ THẬT - CÔNG LÝ - TÌNH YÊU






Do Minh Tuyen

Cuộc chiến tranh tương tàn giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam đã qua đi... đất nước Việt Nam đã không còn bị chia cắt... và hòa bình được cho là đã hiển trị trên quê hương đất nước Việt Nam quá khổ đau này. Tuy nhiên, đã gần 40 năm qua... dưới ách cai trị độc tài vô nhân của chế độ cộng sản cầm quyền tại Việt Nam, người dân Việt Nam, đất nước Việt Nam... không những không được thừa hưởng cái gọi là niềm hạnh phúc của một đất nước thống nhất... mà dường như lại khổ đau và tệ hại hơn bao giờ hết. Đất nước thì tham nhũng lan tràn... xã hội đầy dẫy những bất công áp bức... và quyền con người thì lại bị chà đạp một cách thô bạo và trắng trợn từng ngày, từng giờ... dẫn đến sự oán than gay gắt từ mọi tầng lớp nhân dân... vốn từng bị Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ru ngủ bằng nhiều hình thức... bằng những thủ đoạn gian dối và xấu xa, khi phát động cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam vào tháng 04 năm 1975.

Người dân càng khổ đau và càng tệ hại trong cuộc sống... thì hình ảnh thân thương của một miền Nam Việt Nam Tự do xa xưa lại hiện về rõ nét hơn trong ký ức của đồng bào Việt Nam... chỉ đáng tiếc một điều là thế hệ trẻ Việt Nam ngày hôm nay đã bị chế độ độc tài cộng sản Việt Nam lừa dối quá nhiều, quá lâu và quá sâu sắc... nên không thể cảm nhận được đúng nghĩa về cuộc sống tự do và yên bình thật sự của người dân Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975... và như thế nào mới thật sự là Tự do hạnh phúc đúng nghĩa... chứ không như cách xuyên tạc méo mó của chế độ cộng sản độc tài Việt Nam bấy lâu nay. Hình ảnh tương phản giữa hai chế độ trước đây và hiện nay... là điều mà người dân miền Nam Việt Nam, bao gồm cả những người trước đây từng tham gia phục vụ cho cộng sản... dễ dàng trông thấy và cảm nhận, cho dù sự thật đã bị bóp méo... và lịch sử đã bị làm cho sai lệch.

Hàng triệu đồng bào Việt Nam đã phải từ bỏ ruộng vườn đất đai để chạy trốn cộng sản di dân vào miền Nam Việt Nam năm 1954, ngay sau khi miền Bắc Việt Nam rơi vào tay cộng sản... và cũng hàng triệu người dân Việt Nam ngay sau khi cộng sản cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam vào năm 1975... đã phải ly biệt người thân, từ giã gia đình và Tổ quốc lên đênh trên biển giữa cái chết và sự sống để đi tìm Tự do... điều này nói lên điều gì...? và tại sao cả hai lần đất nước Việt Nam được cho là toàn thắng... là hòa bình và thống nhất đất nước... mà người dân Việt Nam vẫn phải tiếp tục tìm mọi cách chạy trốn cộng sản...bất chấp cả việc có thể hy sinh mạng sống của mình trên biển cả...? mong rằng đồng bào Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam ngày hôm nay, những người sinh ra và lớn lên trong môi trường cộng sản... có thể cảm nhận được điều này, và có cách nhìn đúng đắn và thực tế hơn về con người cộng sản, về chế độ cộng sản hiện hành... và tất cả những gì họ đã làm, đã gây ra cho đồng bào... cho dân tộc và quê hương đất nước Việt Nam.




Bản Tin




BBC

Những tượng đài lịch sử VN ở California

Cập nhật: 12:48 GMT - thứ năm, 14 tháng 11, 2013
Tượng đài chiến binh Mỹ - VNCH ở Hoa Kỳ
Nhiều tượng, đài tưởng niệm chiến binh Mỹ - Việt Nam Cộng hòa được xây dựng ở Hoa Kỳ
“Lễ động thổ xây dựng Bức tường Tưởng niệm Quân Dân Cán Chính Việt Nam Cộng hòa sẽ diễn ra trong cuối tháng 11 này tại San Jose.”
Đó là phát biểu của cô Hoàng Mộng Thu, người cùng Biệt đoàn Văn nghệ Lam Sơn khởi xướng dự án từ nhiều tháng qua. Sau những vận động với thành phố, thu nhận ý kiến của cựu quân nhân, của cộng đồng và trong ba tuần qua đã có sinh hoạt gây quỹ.
Kinh phí xây dựng Bức Tường tốn khoảng 30 nghìn Mỹ kim. Qua hai buổi gây quỹ, một ở San Jose hai tuần trước và với sinh hoạt hôm nay nữa ban tổ chức đã quyên được đủ số tiền cần có. Cô Thu cho chúng tôi biết như thế trong buổi gây quỹ tổ chức vào chiều Chủ nhật 10 tháng Mười Một vừa qua tại Trung tâm Văn hoá Á châu ở Oakland.
Đồng hương từ nhiều thành phố quanh vùng như San Jose, San Francisco, San Rafael, Stockton đã về Oakland tham dự văn nghệ gây quỹ với sự góp mặt của ca sĩ Phương Hồng Quế trong quân phục phi công, các giọng ca cây nhà lá vườn như Hà Cẩm Tú, Thu Nga, Trung Kiên, Ái Loan… với tà áo dài cùng Biệt đoàn Văn nghệ Lam Sơn trong sắc áo của nhiều đơn vị quân đội.
Đây là nhóm bạn trẻ trong thập niên qua đã đem những hùng ca vinh danh người lính Việt Nam Cộng hòa và những bản tình ca viết cho lính, về lính đến với sinh hoạt cộng đồng.
"Đã gần 40 năm trôi qua nhưng khi nhắc đến Tướng Nam người lính cũ của ông đã không ngăn nổi giòng lệ xúc động"
Số đoàn viên của biệt đoàn văn nghệ chừng hai chục người. Họ là những thanh niên, thiếu nữ tuy chưa một lần khoác áo chiến binh, nhưng nhiều bạn đã có thân nhân là lính nên hiểu được sự hy sinh của chiến sĩ Cộng hòa trong công cuộc bảo vệ tự do cho đất nước. Các bạn trân quý những đóng góp và hy sinh đó nên đứng ra thực hiện công tác xây dựng đài tưởng niệm.
Trong buổi văn nghệ, biệt đoàn đã dựng lại vở bi hùng kịch “Quân lệnh cuối cùng” về những giờ phút cuối của Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân đoàn 4 Vùng 4 Chiến thuật.
Trước khi vở kịch diễn ra, cựu Trung úy Lê Ngọc Danh, sĩ quan tùy viên ở bên cạnh Tướng Nam cho đến giây phút cuối cùng đã lên diễn đàn nói về vị chỉ huy. Theo ông, Tướng Nam có nhân cách đạo đức của một Phật tử, có tình huynh đệ chi binh của một vị tướng hết lòng với lính, ăn ở và sống gần gũi với thuộc cấp mà không phân biệt quan, quân. Bảy giờ sáng 1-5-1975 tướng Nam đã tự sát bằng súng.
Đã gần 40 năm trôi qua sau cái chết của một vị tướng thà tuẫn tiết theo thành chứ không đầu hàng địch, nhưng khi nhắc đến Tướng Nam người lính cũ của ông đã không ngăn nổi giòng lệ xúc động, cũng như nhiều khán giả khi xem vở bi hùng kịch.

Ghi dấu lịch sử

Như sơ đồ kiến trúc phác họa, trên Bức tường Tưởng niệm ngoài di ảnh và tiểu sử của Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam còn có chân dung một số sĩ quan cấp tướng và cấp tá khác đã tuẫn tiết hay bị xử bắn sau khi xe tăng bộ đội cộng sản miền Bắc tiến vào Sài Gòn trưa ngày 30-4-1975.
Đó là Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, Chuẩn tướng Trần Văn Hai, Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Đại tá Hồ Ngọc Cẩn và Trung tá Nguyễn Văn Long.
Sau lưng chân dung của các sĩ quan này là hình ảnh những người lính Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Bức tường Tưởng niệm dài 4 mét, cao 2.5 mét sẽ được xây dựng trong Công viên Lịch sử Kelly ở thành phố San Jose, bên cạnh Bảo tàng Thuyền nhân và Việt Nam Cộng hòa đã có từ mười năm qua.
Với Bức tường, đây là một công trình nữa ghi dấu lịch sử và đóng góp vào đời sống xã hội, văn hóa và chính trị của người Việt tại Hoa Kỳ.
Nhắc đến người Việt hải ngoại, giới truyền thông và nghiên cứu thường chú ý đến người Việt sinh sống tại California, nơi được coi là trung tâm sinh hoạt tiêu biểu cho người Việt tại Mỹ.
Khi cuộc chiến Việt Nam với sự can dự của người Mỹ kết thúc vào tháng Tư 1975, khoảng 130 nghìn người Việt đã bỏ quê hương ra đi vào lúc đó và đa số được Hoa Kỳ đón nhận cho định cư.
Trong hai thập niên kế tiếp, cả triệu người tiếp tục rời Việt Nam bằng thuyền hay vượt biên giới đường bộ đến một quốc gia Đông Nam Á trước khi được định cư ở nước thứ ba, đông nhất cũng tại Hoa Kỳ.
Bảo tàng người Việt ở Mỹ
Khách thăm một bảo tàng của người Việt thời Việt Nam Cộng hòa ở Mỹ
Sau gần 40 năm và qua nhiều đợt định cư khác nhau, hiện có 1 triệu 700 nghìn người Việt sinh sống tại khắp 50 tiểu bang nước Mỹ. California với khoảng 600 nghìn nên tiểu bang này được coi như trung tâm sinh hoạt của người Việt, từ kinh tế thương mại đến văn hoá chính trị.
Qua thời gian đầu lo ổn định và hòa nhập vào cuộc sống mới, người Việt đã dần tái tạo nét văn hóa truyền thống và để lại những di sản lịch sử của mình trên quê hương Hoa Kỳ.
Tại miền nam California, Quận Cam là nơi tập trung đông người Việt sinh sống nhất đã chính thức được gọi là Little Saigon từ 25 năm qua. Ở đó có hàng vạn cơ sở thương mại, thường xuyên có các sinh hoạt chính trị người Việt, trình diễn văn hóa đặc thù Việt Nam.

Hết lòng yểm trợ

Năm 2003 Tượng đài Chiến sĩ Việt Mỹ được xây dựng trên công thổ thành phố Westminster. Đây là nơi đầu tiên ở Mỹ có dân cử gốc Việt từ năm 1992, Nghị viên Tony Lâm, và hiện nay có thị trưởng gốc Việt đầu tiên là ông Tạ Đức Trí.
Cũng tại thành phố này, trong nghĩa trang Peek có Đài Tưởng niệm Thuyền nhân bỏ mình trên đường vượt biển tìm tự do được khánh thành năm 2009. Nghĩa trang này cũng là nơi nhiều người Việt ở Quận Cam chọn để yên giấc nghìn thu.
Miền Bắc California, tại San Jose có Bảo tàng Thuyền nhân và Việt Nam Cộng hòa trưng bày hàng nghìn di vật của một quốc gia đã hiện hữu hai mươi năm, từ 1954 đến 1975, trước khi bị xóa tên trên bản đồ chính trị thế giới.
Trong đó cũng ghi lại lịch sử hình thành của cộng đồng người Mỹ gốc Việt kể từ tháng Tư 1975, từ chiếc thuyền vượt biển, ca khúc của Nam Lộc viết trong những ngày còn trong trại tị nạn, những di vật của cựu tù nhân trại cải tạo cho đến thành đạt của sinh viên học sinh, của những doanh nhân, khoa học gia, chính trị gia gốc Việt. San Jose, thành phố có đông người Việt nhất hiện cũng có Phó Thị trưởng gốc Việt là cô Madison Nguyễn.
Cộng đồng người Việt tại Mỹ
Một tượng đài ở Hoa Kỳ kỷ niệm thuyền nhân Việt Nam
Cựu Đại tá Vũ Văn Lộc phát biểu trong buổi gây quỹ rằng dù ông xây dựng bảo tàng nhưng đã không làm được đài tưởng niệm, vì thế ông hết lòng yểm trợ công tác của cô Hoàng Mộng Thu và đoàn văn nghệ.
Ông cho biết trong Công viên Lịch sử Kelly, ngoài di sản người Việt còn có bảo tàng của người Hoa, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Mễ Tây Cơ và 30 ngôi nhà cũ từ phố chính San Jose được đưa vào công viên để bảo tồn trước khi thành phố này phát triển và trở thành thủ đô của vùng thung lũng điện tử cách đây gần nửa thế kỷ.
Hàng năm công viên đón nhiều học sinh trong vùng và sinh viên đại học, trong đó có nhiều con em gốc Việt, đến thăm để tìm hiểu về lịch sử thành phố và nguồn gốc những sắc dân đã đến đây định cư.
Việc xây dựng Bức tường Tưởng niệm, cựu dân biểu Trần Minh Nhựt, cố vấn ban tổ chức gây quỹ nhấn mạnh:
“Đây là một cú đấm vào lãnh đạo Hà Nội vì chính quyền cộng sản không thể dẹp bỏ nó như trong quá khứ đã áp lực các quốc gia Đông nam Á đục bỏ đài tưởng niệm thuyền nhân vượt biển được dựng lên ở Indonesia, Malaysia.”
Ông nói Bức tường này, cũng như Tường Đá đen ở Thủ đô Washington và Đài Tưởng niệm Sons of San Jose ở thành phố San Jose là để tưởng nhớ đến những chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ miền Nam tự do trước năm 1975.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một nhà báo tự do ở California, Hoa Kỳ.







>>>   Click vào xem trang tiếng Anh  -  Click here to view page in English

>>>   Click vào xem trang song ngữ  -  Click here to view bilingual page


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét